Các cơn co thắt kéo dài khoảng 1 phút và cách nhau 35 phút là dấu hiệu chính xác nhất cho cơn chuyển dạ của mẹ bầu.
Một thai kỳ hoàn chỉnh thường kéo dài từ 37 đến 42 tuần. Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ từ 3-5% trẻ sơ sinh chào đời vào đúng ngày dự sinh, trong khi đó tỷ lệ trẻ chào đời trước và sau ngày dự sinh hai tuần đều là 40%. Gần như tất cả mẹ bầu trong những trường hợp này đều nhận thấy cơ thể mình có những thay đổi báo hiệu cơn chuyển dạ.
Khi thai kỳ đạt 37-42 tuần, các dấu hiệu chuyển dạ sẽ báo hiệu chính xác nhất thời điểm sinh nở của mẹ bầu.
Dưới đây là 7 dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu có thể tự nhận biết:
Dấu hiệu 1: Vỡ ối
Hiện tượng vỡ ối xảy ra khi túi ối bị vỡ, khiến dịch ối chảy ra từ âm đạo của người mẹ. Đây là dấu hiệu sắp sinh đầu tiên xuất hiện ở 15-25% mẹ bầu. Dịch ối chảy ra có thể dưới dạng nhỏ giọt hoặc tràn ra ồ ạt. Một vài mẹ bầu thậm chí có cảm giác như thứ gì đó bị bóp vỡ khi họ vỡ ối.
Trong nhiều trường hợp, mẹ bầu có thể nhầm lẫn giữa vỡ ối và són tiểu. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường với mẹ bầu ở cuối thai kỳ.
Mẹ bầu có thể đã vỡ ối khi:
- Không kiểm soát được chất lỏng chảy ra từ âm đạo.
- Băng vệ sinh không thể thấm hút hết chất dịch.
- Băng vệ sinh bị ướt nhiều hơn một lần .
- Chất dịch có mùi không giống mùi nước tiểu.
Dịch ối thường ở dạng không màu hoặc màu hồng nhạt. Nếu dịch ối chuyển màu xanh, nâu hoặc bất kỳ màu nào khác, mẹ bầu cần liên hệ ngay với bác sỹ. Vỡ ối có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng thường gặp nhất là vào ban đêm.
Dấu hiệu 2: Co thắt
Co thắt thường xuyên là dấu hiệu khá chuẩn xác báo hiệu cơn chuyển dạ. Mẹ bầu thường thấy những cơn co thắt sớm cảm giác gần giống đau bụng kinh, hoặc giống đau lưng dưới với tần suất từ 20-30 phút/cơn. Cơn đau thỉnh thoảng chuyển từ lưng đến bụng và ngược lại.
Hãy tính thời gian 5 cơn co thắt liền nhau sau đó so sánh với thời gian của 5 cơn co thắt tiếp theo. Mẹ bầu có thể đếm số giây giữa thời điểm bắt đầu và kết thúc của một cơn co thắt, hoặc cũng có thể đếm số phút giữa thời điểm bắt đầu của hai cơn co thắt liền kề. Thông thường, những cơn co thắt kéo dài khoảng 1 phút và cách nhau khoảng từ 3-5 phút là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu gần như chắc chắn sẽ chuyển dạ.
Dấu hiệu 3: Vỡ màng chất nhầy
Khi cổ tử cung mở, màng dịch dày đóng kín cổ tử cung của người mẹ sẽ mỏng dần, sau đó chảy ra khỏi cơ thể người mẹ một phần hoặc toàn bộ. Màng chất nhầy có thể dưới dạng lỏng hoặc dính đặc như thạch và có màu nâu, hồng hoặc hơi đỏ.
Hiện tượng này có thể xuất hiện trước cơn chuyển dạ chính thức từ vài ngày đến hai tuần. Trong hầu hết các trường hợp, mẹ bầu sẽ chuyển dạ chỉ vài ngày sau khi màng chất nhầy bị vỡ. Tuy nhiên, cũng có mẹ bầu không bị vỡ màng chất nhầy hoặc vỡ màng chất nhầy và vỡ ối xảy ra đồng thời.
Dấu hiệu 4: Run không tự chủ
Mẹ bầu có thể bị run không tự chủ khi thời điểm sinh nở đang đến gần ngay cả khi không gặp lạnh. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra trong và sau khi sinh, và có thể khiến mẹ bầu khá lo lắng nếu không biết nguyên nhân của nó. Trên thực tế, đó đơn giản là cách cơ thể mẹ bầu giải tỏa căng thẳng và thường chỉ kéo dài vài phút.
Có thể khắc phục tình trạng này bằng các biện pháp thư giãn như hít thở sâu, tắm nước ấm hay mát-xa.
Dấu hiệu 5: Tụt bụng
Khi thai nhi quay đầu và tụt sâu xuống vùng khung chậu của người mẹ, mẹ bầu sẽ có thể hít thở dễ dàng hơn trước. Đó là do áp lực đè lên cơ hoành đã được giải tỏa. Nhưng đổi lại, bàng quang sẽ bị đè nén nhiều hơn, khiến mẹ bầu phải thường xuyên đi vệ sinh.
Tụt bụng cuối thai kỳ.
Trong khi người khác có thể dễ dàng nhận ra mẹ bầu đã tụt bụng, bản thân mẹ bầu chưa chắc đã phát hiện những thay đổi về hình dạng bụng bầu của mình. Nhiều phụ nữ không bị tụt bụng và điều đó hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp này, những cơn co thắt sẽ đóng vai trò báo hiệu cơn chuyển dạ của người mẹ.
Dấu hiệu 6: Tiêu chảy
Trong vài ngày trước khi sinh, prostaglandin (các acid béo không bão hòa ở các mô, có vai trò như một chất trung gian hóa học của quá trình viêm và cảm nhận đau) được tạo ra sẽ kích thích ruột của người mẹ mở ra thường xuyên hơn. Và khi gần kề thời gian sinh nở, tiêu chảy sẽ đóng vai trò như một cơ chế làm rỗng ruột của người mẹ để nhường chỗ cho thai nhi.
Nhiều mẹ bầu có thể sẽ lo lắng về khả năng ruột bị mở tại thời điểm sinh nở; nhưng tình trạng này thường sẽ không xảy ra bởi ruột người mẹ đã được làm rỗng vài ngày trước đó.
Dấu hiệu 7: Các cơn gò sinh lý Braxton Hicks tăng dần
Đến gần kề ngày sinh, các cơn gò sinh lý Braxton Hicks (được đặt theo tên bác sỹ John Braxton Hicks vào năm 1872 khi ông miêu tả những cơn co thắt xuất hiện sớm từ quý 2 của thai kỳ, nhưng hầu hết xảy ra ở quý 3, thường kéo dài từ 30-60 giây) sẽ xuất hiện thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn và có cảm giác đau đớn hơn dù mẹ bầu có thể bắt gặp hiện tượng này trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các cơn gò sinh lý Braxton Hicks cũng có thể không xuất hiện trong nhiều trường hợp mang bầu.
Mẹ bầu cần phân biệt giữa co thắt chuyển dạ và gò sinh lý Braxton Hicks.
Quan trọng là, để phân biệt các cơn gò sinh lý Braxton Hicks với cơn co thắt chuyển dạ, mẹ bầu cần thực hiện đúng cách tính thời gian từng cơn co thắt. Nếu co thắt báo hiệu chuyển dạ và không phải co thắt sinh lý, chúng sẽ dần trở nên mạnh hơn, thường xuyên hơn, xuất hiện dày đặc hơn và không dừng lại.
Mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay, nếu:
- Bị chảy máu.
- Vỡ ối và nước ối có màu xanh, nâu, vàng hoặc bất kỳ màu gì không phải màu trong suốt hoặc hồng.
- Thai nhi không chuyển động.
- Mẹ bầu cảm giác có điều gì đó không ổn.
- Mẹ bầu liên tục nôn mửa.
- Mẹ bầu quá đau đớn.
- Mẹ bầu muốn “rặn”.
Nguồn: bellybelly
mang thai sau sinh, mang thai, chuyển dạ, sinh con