Bố mẹ cần theo dõi các mốc phát triển ngôn ngữ và khả năng nhận thức của bé có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo để can thiệp từ sớm.
Khi bé mới chỉ vài tuần tuổi, cha mẹ vẫn có thể hiểu được điều mà bé con mong muốn thông qua các tín hiệu cơ thể. Tuy nhiên, khi lớn dần lên, bé cần diễn tả bản thân mình thông qua việc sử dụng khả năng nói và đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ đúng độ tuổi. Và cảm giác chắc chắn sẽ vô cùng ngọt ngào khi được chứng kiến bé yêu chuyển từ bập bẹ sang biết nói.
Những mốc phát triển ngôn ngữ dựa trên tài liệu hướng dẫn của Viện Quốc gia về sức khỏe Hoa Kỳ:
Khoảng 1 tuổi, nhiều trẻ đã biết gọi bố/mẹ thay vì khóc để đòi hỏi sự chú ý (Ảnh minh họa).
Các mốc phát triển ngôn ngữ khi bé được 1 tuổi:
1. Hiểu được tên mình.
2. Chú ý khi người khác trò chuyện với mình.
3. Hiểu những chỉ dẫn đơn giản, ví dụ: "Con không được ăn thứ đó!".
4. Đáp lại những yêu cầu đơn giản, ví dụ: "Con đưa nó cho mẹ với!".
5. Hiểu một số từ thông dụng khi được sử dụng kèm cử chỉ, ví dụ: "Xin chào!".
6. Có thể liên hệ tranh, ảnh với từ ngữ và âm thanh, ví dụ: "Hổ gầm".
7. Cười khi bạn cười và có thể cố gắng hát theo bạn.
8. Bắt chước những từ quen thuộc.
9. Bập bẹ có chủ đích và gọi đồ vật bằng tên riêng bé tự đặt ra.
10. Bắt đầu sử dụng danh từ trong phần lớn trường hợp.
11. Nói 2-3 từ ngoài "mẹ", "ba".
12. Gọi bố/mẹ thay vì khóc để đòi hỏi sự chú ý.
13. Bé có thể tham gia các trò chơi có liên quan tới những trẻ khác, như chuyền bóng.
Dấu hiệu báo động khi bé 1 tuổi:
1. Bé không phản ứng với bạn khi bạn gọi tên bé.
2. Bé bập bẹ rất ít hoặc không bập bẹ chút nào.
Trẻ 2 tuổi đã biết sử dụng nhiều từ đơn thường xuyên (Ảnh minh họa).
Mốc phát triển ngôn ngữ khi được 2 tuổi
1. Hiểu được những từ mang nghĩa phủ định như "không" và "không được".
2. Có thể chỉ ra khoảng 5 bộ phận cơ thể.
3. Có thể mang về những vật dụng từ một phòng khác nếu được yêu cầu.
4. Gật đầu với từ "có" và lắc đầu với "không".
5. Hiểu nhiều từ hơn so với số từ có thể nói.
6. Hiểu những câu hỏi đơn giản như "Cánh cửa ở đâu?".
7. Thích nghe các câu chuyện.
8. Có thể lặp lại các âm thanh, như nói "meo" và chỉ về hướng con mèo.
9. Yêu cầu đồ ăn hay đồ chơi, sử dụng những từ yêu thích của bé.
10. Sử dụng từ đơn thường xuyên hơn so với cả câu.
11. Sử dụng những từ như "thêm nữa" nếu bé thích thứ gì đó lặp đi lặp lại.
12. Có thể sử dụng 10-20 từ, bao gồm cả tên.
13. Trả lời được câu hỏi "Cái gì thế?".
14. Có thể gọi tên chính xác một vài đồ vật hàng ngày.
15. Bắt đầu sử dụng những từ ở ngôi thứ nhất và thứ hai.
16. Bắt đầu kết hợp danh từ với động từ như "bé - đến" và "tạm biệt - mèo".
17. Có thể kết hợp 2 từ như "Chào mẹ", "Không, không!".
Nếu con bạn thích chơi một mình hơn, đó là dấu hiệu báo động (Ảnh minh họa).
Dấu hiệu báo động ở tuổi lên 2:
1. Con bạn vẫn không thể nói.
2. Con bạn thích ở một mình hơn và không thích có người xung quanh.
3. Con bạn sử dụng nhiều cử chỉ hơn từ ngữ.
4. Bạn không chắc con có hiểu điều mình đang nói không.
Con tôi chỉ đạt được 1 vài cột mốc trong danh sách trên thì sao?
Danh sách này dựa trên sự quan sát tổng hợp với khoảng 90% trẻ thực hiện những việc này trước khi đến một độ tuổi nhất định. Do vậy, nếu con bạn không đạt được 1 hay nhiều hơn những việc trong cột mốc này đúng hạn, không hẳn bé gặp vấn đề gì đó. Nó có thể đơn giản chỉ là con bạn thuộc diện "nở muộn" như người ta thường nói.
Nhưng nếu những dấu hiệu báo động bạn nhận thấy xuất hiện ở con mình, đã đến lúc đưa bé đi gặp bác sĩ. Trường hợp con bạn cần trị liệu, bác sĩ sẽ giới thiệu bé tới một chuyên gia về ngôn ngữ tương ứng. Chẩn đoán sớm sẽ giúp con bạn rất nhiều. Do đó, hãy mạnh dạn nói chuyện với bác sĩ ngay khi bạn có những nghi ngờ dù nhỏ nhất.
Nguồn: Parent
trẻ từ 1-3 tuổi, trẻ từ 0-1 tuổi, sự phát triển của trẻ, bé 2 tuổi, phát triển ngôn ngữ