Ai ai cũng thấy rùng mình khi nhìn hình ảnh chiếc máy cưa sắc lẹm đưa ngay trên tay một đứa trẻ để giải một thoát ngón tay đang bị mắc kẹt bởi con quay spinner.
Suýt mất tay vì chơi spinner
Mới đây, cư dân mạng Leon O'neil Brown đã chia sẻ vụ tai nạn thảm khốc của một đứa trẻ do chơi spinner. Những hình ảnh và clip bé trai bị mắc kẹt ngón tay trong con quay spinner, các khớp ngón tay đỏ dần và sưng tấy lên đã khiến người xem hoảng sợ.
Ngón tay sưng phồng, đỏ tấy vì mắc kẹt trong spinner.
Dùng máy cưa giải thoát ngón tay bị mắc kẹt trong spinner.
Người nhà đã tìm mọi cách để lấy con quay spinner bị mắc kẹt trong ngón tay trẻ nhưng mọi nỗ lực dường như vô vọng. Cuối cùng, họ đã phải dùng đến máy cưa để cưa phần kim loại của chiếc spinner. Clip quay lại cảnh chiếc máy cưa đặt phía trên tay trẻ khiến người xem rùng mình, không ngờ món đồ chơi nhỏ xíu và đang làm mưa làm gió trên khắp các nước trên thế giới này lại có thể gây ra tai nạn đáng sợ đến vậy.
Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ bị mắc kẹt tay vì spinner. Trước đó, bà mẹ người Mỹ Carol Woods, mẹ của bé Missouri, 3 tuổi cũng đã chia sẻ hình ảnh bé bị thương bởi 1 mảnh vỡ từ chiếc spinner.
Kẹt tay vì spinner không phải trường hợp hiếm.
Vết thương của bé Missouri do chơi spinner.
Mắc kẹt tay trong spinner như bé trai trong clip trên chỉ là một loại tai nạn điển hình. Ngoài ra, đã nhiều trường hợp trẻ nhỏ đối mặt nguy hiểm tính mạng khi nuốt phải một mảnh của spinner hay spinner cháy nổ.
Hồi tháng 5 vừa qua, bà mẹ Kelly Rose Joniec đến từ Texas, Mỹ đã suýt mất đi đứa con gái cũng chỉ vì món đồ chơi tưởng như vô hại này. Cũng như nhiều đứa trẻ khác, cô bé Britton cũng rất thích chơi spinner, cô bé tranh thủ chơi mọi nơi mọi lúc. Một ngày thứ bảy, trên đường trở về nhà từ hồ bơi, Kelly bất ngờ nghe thấy Britton phát ra âm thanh lạ lùng từ băng ghế sau và nước dãi bắt đầu chảy ra ào ạt từ miệng cô bé. Quá hoảng sợ, chị lập tức dừng xe, thực hiện động tác cấp cứu Heimlich nhưng vẫn không có tác dụng gì. Lập tức Kelly đã đưa con gái đi cấp cứu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Texas đã phát hiện ra miếng kim loại mắc kẹt trong thực quản của Britton sau khi chụp x-quang.
Một mảnh của chiếc spinner trong thực quản bé Britton.
Hóa ra, cô bé Britton thấy spinner bị bẩn nên đưa vào miệng để làm sạch và không may nuốt phải mảnh kim loại trong đồ chơi.
Trường hợp khác ở Mỹ xảy ra tại bang Oregon, liên quan đến 1 bé trai 5 tuổi tên Caden. Người mẹ, Johely Morelos, kể rằng Caden đã phải vào bệnh viện, sau khi bị nghẹn vì nuốt một mảnh phụ tùng rơi ra từ Fidget Spinner.
Cảnh báo về món đồ chơi đang làm mưa làm gió khắp thế giới
Fidget Spinner là món đồ chơi con quay 3 cạnh, xoay quanh 1 trục tròn. Mới xuất hiện ở Mỹ năm 2016 nhưng đến nay nó đã "đổ bộ" vào khắp các nước trên thế giới. Đồ chơi spinner được quảng cáo là giảm stress và cải thiện chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), giúp trẻ tập trung hơn.
Tác dụng sức khỏe của spinner vẫn còn gây tranh cãi.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học lâm sàng Mark Rapport từ Đại học Central Florida (Mỹ) cho rằng, chưa nghiên cứu nào chỉ ra spinner cải thiện chứng tự kỷ hay tăng động. Ngược lại, món đồ chơi này thậm chí mang đến nhiều rủi ro hơn là lợi ích, bởi nó khiến trẻ tự kỷ hay tăng động phân tâm khỏi thứ cần chú ý.
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh cho thấy spinner có thể mang lại khả năng "tập trung tuyệt đối", nhưng lại là sự tập trung vào việc nhìn những vòng quay của chiếc spinner hàng giờ liên tục, quên hết mọi chuyện xung quanh.
Bởi vậy, việc trẻ say mê spinner thái quá cũng có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực cả về tâm lý lẫn sức khỏe. Nó có thể vừa khiến trẻ ham chơi, xao nhãng chuyện học tập, không quan tâm tới những người và sự vật xung quanh, đồng thời "tạo điều kiện" để trẻ ngồi ỳ một chỗ trong thời gian dài, trở nên lười vận động. Một số nghiên cứu của giới khoa học cảnh báo, về lâu dài nó còn có thể "gây nghiện", không muốn làm bất cứ việc gì khác.
Các phần của spinner có thể rơi ra và trẻ nhỏ dễ nuốt phải.
Trong khi tác dụng đối với sức khỏe của spinner đang còn là vấn đề gây tranh cãi mà các tai nạn liên quan đến spinner ngày càng nhiều, hàng loạt trường học ở Mỹ đã ra lệnh cấm món đồ chơi này không chỉ bởi nó nguy hiểm mà còn nó còn khiến học sinh bị phân tâm.
Một hãng bán Fidget Spinner tại Mỹ khuyến cáo độ tuổi chơi spinner là từ 12 tuổi trở lên. Hãng này cho rằng, trục quay của spinner sẽ không rơi ra, trừ khi khách hàng dùng dụng cụ để nạy trục quay. Tuy nhiên, trên thực tế, trục quay hoặc vòng trang trí của Spinner có thể bị rơi ra trong trường hợp bị va đập mạnh.
Sau 2 vụ trẻ nuốt phải spinner, Ủy ban Sản Phẩm An Toàn Hoa Kỳ - CPSC đã tiến hành điều tra và cho biết: "Chúng tôi khuyên các phụ huynh nên giữ món đồ chơi này xa tầm tay trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ có thể nuốt phải các mảnh phụ tùng của đồ chơi và bị nghẹn. Phụ huynh cũng nên nhắc nhở các trẻ em lớn hơn không nên ngậm Fidget Spinner."
Điều đặc biệt lo lắng là món đồ chơi thời thượng này cũng đang có sức hút với trẻ nhỏ ở Việt Nam. Tại các cửa hàng bán đồ chơi hay trên mạng, nó được rao bán rộng rãi với giá chỉ vài chục nghìn đến khoảng một trăm nghìn đồng.
Nguồn: Tổng hợp
spinner, con quay spinner, đồ chơi nguy hiểm, trẻ từ 1-3 tuổi, trẻ từ 3-6 tuổi, bé từ 6 tuổi trở lên, Phòng tránh tai nạn cho trẻ