Một câu nhắc nhở "đừng làm theo" trong thí nghiệm "nghịch dại – chơi ngu" của kênh youtube nổi tiếng dành cho trẻ nhỏ không đủ mạnh để trẻ sợ. Trái lại, nó còn như một lời thách thức trẻ.
Câu nói "Đừng làm theo" có thể kích thích trí tò mò của trẻ
Mới đây, trên kênh youtube Thơ Nguyễn - một kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ với gần 2 triệu lượt theo dõi có thực hiện 2 thí nghiệm: 1 là thí nghiệm đun lon nước ngọt, lon bia; 2 là cho đá khô vào chai. Ngay từ đầu trước khi thực hiện 2 clip này, chính kênh youtube Thơ Nguyễn đã "thừa nhận" đây là những clip "nghịch dại - chơi ngu" và có cảnh báo trẻ em "không nên làm theo" nhưng vẫn tung lên mạng. Clip này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các em nhỏ và cũng như nhiều ý kiến trái chiều về ảnh hưởng của nó đến tâm lý trẻ nhỏ.
Thí nghiệm đun lon nước ngọt và cái kết không ngờ (Nguồn: Youtube).
Sau khi xem kĩ lưỡng 2 clip thí nghiệm trên, bác sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ, hiện đang công tác tại Phòng khám nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đây là những thí nghiệm rất nguy hiểm. Với những clip thí nghiệm kiểu "nghịch dại - chơi ngu" mà kênh youtube chia sẻ, bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp cận. Vì điều này có thể ảnh hưởng tới chính trẻ và người khác.
"Hiện nay, trẻ em đang sử dụng mạng intrernet tương đối tự do. Bố mẹ không thể kiểm soát được những thông tin trẻ truy cập. Luật pháp còn đang rất lỏng lẻo trong việc quản lý đăng tin, ảnh và clip. Chính vì thế, những thông tin, clip tải lên mạng mà càng gay cấn thì trẻ càng tò mò tìm kiếm và chia sẻ cho người khác", bác sĩ Huệ nói.
Bác sĩ Huệ cho biết, một câu nhắc nho nhỏ trong đoạn clip "đừng làm theo" được người làm video nhắc tới lướt qua không đủ để trẻ con lường trước được nguy hiểm. Trên thực tế, những khuyến cáo đó trẻ sẽ không quan tâm. Ngược lại lời nhắn nhủ "đừng làm theo" đối với tâm lý trẻ còn có thể khiến trẻ cảm giác như một lời thách thức.
Thử thách cho đá khô vào chai nước (Nguồn: Youtube).
"Với những dụng cụ đơn giản sẵn có trong tay, với công thức rất đơn giản và dễ dàng thực hiện như trong thí nghiệm thì trẻ sẽ có thể tiến hành thử để chứng tỏ "người khác làm được thì mình cũng làm được. Mặc dù trẻ có thể biết kết quả thí nghiệm này rất nguy hiểm, có thể gây thương tích nhưng trẻ sẽ phớt lờ điều này", bác sĩ Huệ phân tích.
Cấm đoán con xem sẽ không tác dụng
Để ngăn chặn những video độc hại lan truyền trên mạng, bố mẹ là người đóng vai trò rất quan trọng đối với con trẻ, baori lẽ: "Với trẻ em, chúng có niềm tin vào những gì được đăng tải trên mạng, chúng không hiểu tin gì đúng và sai, có quyền được đăng hay cấm. Chúng coi thông tin trên mạng như một nguồn tin đáng tin cậy. Chúng chưa đủ khả năng để xem xét, phân tích và đánh giá những gì có lợi cho mình và những gì không có lợi", bác sĩ Huệ chia sẻ.
Hình ảnh trong thí nghiệm đun lon bia, nước ngọt.
Bác sĩ Huệ phân tích, nếu bố mẹ nhận thấy video đó nguy hiểm và ngay lập tức cấm đoán, đe dọa con không được xem thì cách làm này sẽ không hiệu quả. Bố mẹ cần giúp con nhận thức đúng về những thông tin clip có lợi hay có hại. Dạy con biết chọn những gì có lợi cho mình và biết phớt lờ những thông tin ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần.
Kênh youtube Thơ Nguyễn giới thiệu trò chơi con quay spinner đến đông đảo các bạn nhỏ trong khi đây là trò chơi được cảnh báo không dùng cho trẻ dưới 10 tuổi và hàng loạt trường học ở Mỹ đã cấm.
Không chỉ những clip thí nghiệm trên mạng khiến cho trẻ nhỏ dễ dàng bắt chước mà những bộ phim hành động, bạo lực, chém giết cũng ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, những bộ phim hành động, bạo lực dù được kiểm duyệt kỹ cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý của người xem, nhất là trẻ nhỏ. Khác với người lớn có thể chọn lọc được hình ảnh đã xem thì trẻ nhỏ lại có tính bắt chước học theo. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là sự theo dõi sát sao của bố mẹ và định hướng để trẻ tiếp cận được những nguồn thông tin bổ ích.
Đây không phải lần đầu tiên kênh youtube Thơ Nguyễn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Trước đó, video "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ" có chứa những đoạn hình ảnh có âm thanh nhân vật "rên rỉ", được cho là không phù hợp với trẻ nhỏ. Hay gần đây, kênh youtube này cũng làm một clip giới thiệu khá kĩ về trò chơi con quay spinner với hình ảnh những chiếc con quay có giá thành chỉ 15 ngàn đồng. Trong khi đây là trò chơi được cảnh báo không dùng cho trẻ dưới 10 tuổi vì nguy cơ hóc nghẹn, đồng thời hàng loạt trường học ở Mỹ đã ra lệnh cấm sử dụng trò chơi này bởi sự mất tập trung nó gây ra cho trẻ nhỏ...
chủ đề gây tranh cãi, hành động nguy hiểm, an toàn cho trẻ