Laura Mazza nhắc nhở chúng ta rằng, bạn có thể không bao giờ biết hết mọi điều mà các bà mẹ đã phải đối mặt.
Trong một chia sẻ gần đây, blogger nổi tiếng ở Australia đã vượt lên chính mình khi đề cập tới vấn đề gần như lúc nào cũng gây nhiều tranh luận trái chiều liên quan tới nghề làm cha mẹ. Và thông điệp của Mazza là gì? Hãy ngừng phán xét những người mẹ khác.
"Đừng phán xét tôi", cô viết trên Facebook. "Nếu tôi phàn nàn về các con, đừng nói rằng tôi không yêu chúng. Nếu tôi nói các con tôi thật hoàn hảo, đừng nói rằng tôi quá kiêu căng, tự phụ. Bạn không nhìn thấy những giờ đồng hồ tôi đã bỏ ra để ôm ấp và yêu thương các con tôi. Nếu tôi thành thật chia sẻ về việc làm mẹ, đừng nói rằng tôi huênh hoang những lời cường điệu. Biết bao năm trời tôi không thể nói với bất cứ ai cảm giác của mình chỉ vì tôi quá sợ hãi".
Bắt đầu từ đây, Mazza lên tiếng hộ những người mẹ khác và kêu gọi chấm dứt mọi hành động phán xét. Bài viết của Mazza đã nhanh chóng thu hút hơn 3 nghìn lượt chia sẻ. Và khi được đăng tải trên fanpage Love What Matter, bài viết tiếp tục nhận được 16 nghìn like, hơn 11 nghìn lượt chia sẻ.
Mazza đã nói hộ nỗi lòng của hàng triệu bà mẹ trên thế giới.
Đừng phán xét người mẹ nuôi con bằng sữa công thức. Đừng gọi cô ấy là bà mẹ lười biếng. Bạn không biết liệu có ấy có từng vật lộn hàng tháng trời với nỗ lực cho con bú sữa mẹ. Bạn không thấy cảnh cô ấy đã tìm gặp các chuyên gia sữa mẹ, đã ăn những loại bánh lợi sữa, bỏ tiền ra để đưa con đi khám ở bác sĩ nhi. Bạn không hề thấy hành trình của cô ấy.
Đừng phán xét người mẹ cho con bú nơi công cộng. Bạn không biết liệu hôm đó có phải là ngày cuối cùng cô ấy đã tìm thấy tự tin để làm việc này. Bạn không biết cô ấy đã phải vất vả ra sao để gìn giữ dòng sữa quý giá cho con. Đừng xem thường hành động của một bà mẹ khi cho con bú.
Đừng phán xét người mẹ trách mắng con cái ở nơi công cộng. Bạn không biết liệu cô ấy có phải là người phụ nữ kiên nhẫn nhất thế giới không. Bạn không biết rằng cô ấy đã luôn nhẹ nhàng, dịu dàng, nhưng hôm đó, cô ấy đã mất bình tĩnh vì quá mệt mỏi và kiệt sức. Đừng gọi cô ấy là một bà mẹ tồi khi bạn không nhìn thấy tất cả những gì cô ấy đã làm.
Đừng phán xét người mẹ bận rộn nói chuyện điện thoại. Bạn không biết liệu cô ấy có đang hồi đáp những e-mail công việc quan trọng hay không. Làm việc qua điện thoại, tìm kiếm các công thức món ăn mà con sẽ ăn trong bữa tối hay trò chuyện với mẹ đẻ - người sống cách cô ấy cả triệu cây số. Đừng phán xét người mẹ đang làm việc, cô ấy đang kiếm sống vì đứa con của mình.
Đừng phán xét người mẹ đơn thân. Cô ấy đã tự mình làm rất tốt và hiện đang đảm nhiệm cả công việc của một người mẹ lẫn một người cha. Cô ấy đã rời bỏ một mối quan hệ tồi tệ, cô ấy đứng lên vì bản thân mình, cô ấy là tấm gương cho con cái.
Một trong những thông điệp mà Mazza muốn chuyển tải trong bài viết đó là ngừng chê bai cơ thể phụ nữ sau sinh (Ảnh minh họa).
Đừng phán xét người mẹ đã không thể giảm cân sau sinh. Cô ấy đã mất cả năm để hồi phục sau lần sinh nở cả về tinh thần lẫn thể chất. Giờ không phải là thời điểm để cô ấy từ bỏ món bánh ngọt và chỉ ăn mỗi rau.
Đừng phán xét người mẹ ăn đồ ăn nhanh với các con mình. Bạn không biết rằng cô ấy đã quá kiệt sức để có thể tiếp tục nấu nướng, rằng cô ấy muốn các con vui vẻ và quyết định ra ngoài ăn nhà hàng như một cách tự chiều chuộng. Bạn không biết những vật lộn vất vả của cô ấy. Và biết đâu cô ấy có thể đã trồng được cả một trang trại rau hữu cơ.
Một nghiên cứu mới về cảm giác xấu hổ của những người mẹ cho thấy 37% trong số họ phải chịu đựng sự phản đối, phê phán khắc nghiệt nhất từ chính cha mẹ mình, tiếp theo đó chính là người đàn ông của họ.
Vậy bạn có thể thực sự giúp gì? Mazza có một vài gợi ý nho nhỏ: Thay vì phán xét, hãy trao cho các bà mẹ một nụ cười, hãy chuẩn bị đồ ăn khi họ cho con bú, làm ấm bình nước để giúp họ pha sữa cho con, trấn an các bà mẹ trong mọi cuộc đấu tranh và ngợi ca họ vì những chiến thắng giành được. Và nhớ rằng, trước khi bạn chỉ trích, buộc tội hay lạm dụng, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của bà mẹ ấy.
Nguồn: Thebump, Facebook
làm mẹ, hành trình làm mẹ, Trải nghiệm làm mẹ