Gần như mọi bà mẹ thời hiện đại đều nghe nói về lịch trình ăn-chơi-ngủ của trẻ sơ sinh. Với mức độ phổ biến như vậy, liệu đây có chắc chắn là lịch trình hoàn hảo dành cho mọi trẻ nhỏ?
Trái ngược với quan niệm thông thường, một chuyên gia sữa mẹ mới đây đã khẳng định rằng, lịch trình trên hoàn toàn không phù hợp. Theo Meg Nagle, một chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ người Úc được cấp chứng chỉ của Hội đồng tư vấn sữa mẹ quốc tế, đồng thời là người sáng lập blog The Milk Meg, nơi chia sẻ kiến thức về cho con bú, giấc ngủ của con cũng như các vấn đề làm cha mẹ khác, ăn-chơi-ngủ "không có ý nghĩa gì với bé sơ sinh bú mẹ", đồng thời cũng chẳng có nhiều ý nghĩa với phần lớn trẻ sơ sinh, bất kể có bú mẹ hay không.
Lịch trình ăn-chơi-ngủ là gì?
Lịch trình này xuất hiện trong các cuốn sách, trên các blog và qua hình thức truyền miệng từ vô số người mà bạn sẽ gặp trong suốt thai kỳ và khi có con nhỏ.
Rất nhiều mẹ hiện nay đang áp dụng lịch trình ăn-chơi-ngủ để xây dựng thói quen sinh hoạt nề nếp cho trẻ từ nhỏ (Ảnh minh họa).
Cụ thể, lịch trình này diễn ra như sau: Khi bé thức, bạn sẽ cho bé ăn. Xong xuôi, bạn sẽ khuyến khích bé chơi đùa. Nếu bé nhà bạn còn khá nhỏ, việc này đồng nghĩa với đọc cho bé 1 cuốn sách hoặc chỉ bé cách sử dụng xúc xắc hay bất cứ hoạt động kích thích nào khác. Sau 1 khoảng thời gian và khi đã đáp ứng một số nhu cầu khác như thay tã/bỉm, bạn ru bé ngủ. Tuy nhiên, khi ru bé ngủ, bạn không nên cho trẻ bú nữa.
Kỳ vọng của lịch trình này là bé sẽ có giấc ngủ dài hơn so với trường hợp cho bé bú theo nhu cầu trước, trong và sau thời gian ngủ.
Tại sao lịch trình này lại chẳng có nghĩa lý gì với một bé sơ sinh bú mẹ?
Dưới đây là những lý do chuyên gia sữa mẹ Meg Nagle đưa ra:
- Một trong những lý do là lượng sữa mẹ được tiết ra theo quy luật cung - cầu. Khi trẻ được bú theo nhu cầu, bé và cơ thể bạn sẽ hợp tác với nhau để đảm bảo nguồn cung sữa đầy đủ (với điều kiện không có các vấn đề sức khoẻ nào ảnh hưởng tới việc này).
- Một lý do khác: bé của bạn là một cá thể độc nhất. Không phải mọi bé sơ sinh đều ăn giống nhau, ngủ giống nhau, có thể tích dạ dày, sự trưởng thành về cảm xúc, cảm giác an toàn… giống nhau, để có thể vui vẻ trải qua 3-4 tiếng giữa các cữ ăn và gắn bó với một lịch trình cụ thể.
- Cho bé bú không chỉ là việc cho ăn. Cho bé bú là đáp ứng nhu cầu tiếp xúc, tìm kiếm hơi ấm, sự an toàn, sự kết nối, sự giải trí và nhiều hơn thế nữa giữa bé với bạn. Hoạt động cho bé bú giúp xoa dịu đau đớn và sợ hãi. Nó có thể lập tức giúp một bé đang bị kích thích thái quá trở về trạng thái bình tâm trong nhiều trường hợp.
Giới hạn việc cho bú vào những khoảng thời gian nhất định trong lịch trình hàng ngày là giới hạn một trong những công cụ làm mẹ tuyệt vời nhất mà Mẹ Tự nhiên ban tặng cho chúng ta.
Lịch trình ăn-chơi-ngủ có ảnh hưởng gì tới việc cho con bú?
Như đã nêu ở trên, sữa mẹ được tiết ra theo quy luật cung - cầu. Nếu mẹ giới hạn việc cho con bú vào những khoảng thời gian nhất định, rất có thể, cô ấy sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn sữa quý giá của mình. Ở Australia, 96% các bà mẹ cho con bú ngay từ đầu. Điều này cho thấy phần lớn các mẹ đều hi vọng sẽ trao cho con nguồn sữa tốt lành của mình.
Tuy nhiên, khi nhắc tới vấn đề cho bú theo từng tháng tuổi, con số này nhanh chóng giảm xuống qua mỗi tháng, chỉ có 39% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong khoảng 4 tháng và chỉ có 15% được tận hưởng đặc ân này tới 6 tháng. Trong khi nhiều tổ chức y tế đã khuyến nghị cho con bú ít nhất 1 năm (cùng với thức ăn đặc sau khi bé được 6 tháng), chỉ có 28% các bà mẹ Australia thực hiện việc này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn đưa ra lời khuyên, mẹ nên cho con bú tối thiểu 2 năm.
Có nhiều yếu tố tác động tới tỷ lệ cho con bú sữa mẹ. Trong đó, lịch trình cho bé bú là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng tới khả năng mẹ và bé duy trì việc bú theo nhu cầu và dẫn tới khả năng bé bước vào giai đoạn ăn dặm sớm hơn so với mong đợi của người mẹ.
Mọi đứa trẻ cần được bú theo nhu cầu (Ảnh minh họa).
Áp dụng một lịch trình cụ thể cũng có thể tác động tới sự tự tin của mẹ. Khi dành phần lớn thời gian trong ngày để cố gắng trong tuyệt vọng nhằm giúp bé con tuân thủ lịch trình chỉ để rồi nhận thấy, bé không hề hợp tác, người mẹ hẳn sẽ băn khoăn tự hỏi: "Mình đã làm gì sai? Có chuyện gì với con mình thế?".
Việc cứ nhất nhất tuân thủ lịch trình cụ thể với trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng, sự thoải mái và tương tác giữa mẹ với con.
Có phải mọi lịch trình đều xấu?
Lịch trình thực sự là một điều tuyệt vời và lành mạnh cho trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ. Khi một đứa trẻ có rất ít quyền kiểm soát mọi thứ diễn ra trong một ngày của mình, việc biết những gì chuẩn bị diễn ra có thể giúp bé cảm thấy an tâm.
Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh bú mẹ, lịch trình hạn chế khả năng tiếp cận của bé với sữa mẹ nên sẽ không đáp ứng được mọi nhu cầu của bé.
Bạn vẫn có thể sắp xếp lịch trình hàng ngày đồng thời đảm bảo cho bé bú theo nhu cầu. Việc này có thể được thực hiện trong lúc bé chơi, trong khi bé ngủ. Không cần phải giới hạn việc bé bú mẹ chỉ để tạo ra một lịch trình nề nếp cho trẻ sơ sinh.
Chuyên gia sữa mẹ Meg Nagle khẳng định: "Hãy nhớ rằng, con bạn là một con người bé nhỏ. Và con người bé nhỏ này cần thường xuyên được bú mẹ, thường xuyên được mẹ ôm ấp. Bạn đang thực hiện thiên chức làm mẹ qua việc cho bú, không phải tạo ra một chiến binh cho lớp tốt nghiệp kế tiếp của học viện quân sự. Hãy thư giãn và chỉ đơn giản là tận hưởng khoảng thời gian bên bé yêu của bạn".
Nguồn: Belly
trẻ sơ sinh, Chăm sóc trẻ sơ sinh, cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ