Mẹ & bé

"Đọc vị" 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng

Đứa trẻ nào cũng có một số thói quen xấu khiến bố mẹ phát điên. Khó khăn hơn cả là việc thay đổi những thói quen đó chẳng phải việc dễ dàng.

Con bạn có nghịch ngợm như bạn nghĩ hay thực chất là trẻ chỉ đấu tranh để thể hiện bản thân mình? Thay vì phạt trẻ vì những thói quen xấu, bố mẹ hãy tìm hiểu lý do tại sao trẻ hành động như vậy để tìm biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Trèo leo và chơi những trò nguy hiểm

Trẻ thường xuyên nhảy từ trên ghế sofa xuống, leo lên trên bàn, nhào lộn, đôi khi còn chơi trò đánh nhau… khiến cho bạn cảm thấy lo lắng vì sợ có rủi ro sẽ xảy ra.

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 1.

Những pha leo trèo đầy tính mạo hiểm luôn khiến bố mẹ phải "đứng tim" (Ảnh minh họa).

Các chuyên gia cho biết nguyên nhân của những hành động leo trèo này có thể do trẻ bắt chước từ những đứa trẻ khác xung quanh hoặc do trẻ không được tập thể dục, không có cơ hội để tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Trong một nghiên cứu ở Singapore thì phần lớn trẻ em nước này không hoạt động về thể chất suốt 98% thời gian cuối tuần và 90% thời gian của các ngày trong tuần.

Để hạn chế thói quen xấu này, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất như chạy bộ, tập thể thao, đi xe đạp hoặc tổ chức picnic cuối tuần cho cả gia đình. Trẻ em dưới 7 tuổi nên chơi tối đa 3 giờ ngoài trời, trẻ lớn hơn (từ 7 đến 18 tuổi) nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày.

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 2.

Hoạt động thể chất ở ngoài trời vừa giúp trẻ vận động vừa tiếp xúc với không khí trong lành (Ảnh minh họa).

Nói dối

Khi bạn hỏi con đã làm bài tập về nhà chưa, trẻ nhìn thẳng vào mặt bạn và trả lời là cô giáo không cho bài tập ở nhà, nhưng sau đó bạn phát hiện ra sự thật lại không phải như vậy. Liệu đây có phải là lời nói dối của trẻ?

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 3.

Khi nói dối, trẻ thường tỏ ra lo lắng và sợ sệt (Ảnh minh họa).

Điều này xảy ra vì trẻ nhỏ (khoảng 3 tuổi đến 7 tuổi) vẫn đang học cách phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, vì vậy nếu bé của bạn nói những lời không đúng sự thật, đó có thể là do trí tưởng tự nhiên của trẻ. Đến khoảng 5 tuổi, trẻ sẽ dần dần hiểu được khái niệm nói dối và cũng hiểu tầm quan trọng của việc thành thật. Lúc này bé vẫn thường xuyên nói dối thì có thể là do trẻ sợ bị trừng phạt nếu nói sự thật.

Vậy nên bố mẹ cố gắng không tạo ra nhiều tình huống khó khăn cho trẻ và hãy nói với con về tầm quan trọng của việc thành thật. Không được nhanh chóng trừng phạt khi trẻ làm sai vì nếu như thế, lần sau trẻ sẽ rất sợ nói thật.

Vẽ lên tường nhà và đánh vỡ các đồ dùng

Mười nhà thì đến 9 gia đình sẽ có một bức tường sặc sỡ với rất nhiều màu sắc hình thù khác nhau do trẻ vẽ lên. Và trẻ cũng thường xuyên khiến cho bố mẹ ở trong trạng trái “tiếc đứt ruột” vì hay đánh vỡ các đồ dùng gia đình.

Thật ra thì trong nhận thức non nớt của trẻ một bức tường trắng giống như một bức tranh trống rỗng đơn điệu và nhạt nhẽo nên muốn “tô điểm” thêm. Đồng thời vẽ ra bức tường trước mặt sẽ dễ dàng hơn việc vẽ lên giấy đặt trên bàn.

Như chúng ta đã biết thì trẻ rất tò mò nên thường xuyên muốn tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh. Đơn cử như việc trẻ muốn biết vì sao chiếc đầu DVD có thể chạy được và đã tháo tung mọi thứ bên trong ra, vô tình thành thủ phạm khiến cho đầu máy bị hỏng.

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 4.

Tóm được thủ phạm gây vẽ bẩn tường đây rồi! (Ảnh minh họa).

Bố mẹ hãy nghĩ ra những chiêu cao tay hơn như giữ các đồ vật dễ vỡ (bình, khung ảnh, ...) ngoài tầm với của trẻ để đảm bảo sự an toàn cho con cũng như sự toàn vẹn của món đồ vật yêu thích của bạn. Nhớ là nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ không được phép vẽ lên tường nhà. Cẩn thận hơn hãy dán một số miếng giấy lớn lên tường hoặc mua một cái giá vẽ nhỏ để bé vẽ. Mà tốt nhất là nên cho trẻ đến học ở những lớp vẽ để trẻ thoải mái thể hiện niềm đam mê cũng như vẽ những hình mong muốn.

Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thì hình ảnh trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh dán mắt vào một thiết bị điện tử đã quá quen thuộc.

Trẻ em thường bắt chước cha mẹ, vì vậy nếu bạn thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử trước mặt trẻ thì có thể trẻ cũng sẽ có thói quen này. Hay có thể vì trẻ không có việc gì làm nên “giết” thời gian bằng việc xem video hoặc chơi các trò chơi điện tử.

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 5.

Việc "cai nghiện"thiết bị di động cho trẻ đôi khi khiến cho bố mẹ phải bó tay (Ảnh minh họa).

Để hạn chế thói quen xấu này của trẻ thì bố mẹ hãy cố gắng giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử và yêu cầu trẻ phải tuân thủ. Theo dõi và kiếm soát chặt chẽ các chương trình mà trẻ thường theo dõi, tìm một số chương trình giáo dục có ích để thêm vào cho trẻ xem. Bố mẹ nên tải ứng dụng giáo dục để trẻ có thể tiếp thu thêm những kiến thức xã hội cũng như học ngôn ngữ mới. Triệt để nhất là khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời để không có thời gian dùng đến các thiết bị điện tử.

Trêu chọc và đánh nhau với anh chị em ruột

Không bố mẹ nào muốn nhìn thấy các con của mình trêu chọc và đánh nhau nhưng tiếc là điều này lại thường xuyên xảy ra. Nhiều khi bố mẹ cũng đau đầu không biết làm cách nào để có thể ngăn được điều này.

Sở dĩ tồn tại điều này là vì sự cạnh tranh giữa các anh chị em có thể là do cảm giác ghen tuông hoặc muốn chứng minh bản thân, thường để cha mẹ thấy rằng trẻ là "đứa con tốt hơn". Thậm chí một số trẻ không tìm được cách để giao tiếp với anh chị em, do đó, chọn một cuộc chiến dường như là cách duy nhất trẻ tạo được sự chú ý.

Đọc vị 5 thói quen xấu của trẻ và những cách khắc phục dễ dàng - Ảnh 6.

Cãi vã, đánh nhau vì tranh giành đồ là việc thường xuyên xảy ra trong những gia đình đông con (Ảnh minh họa).

Muốn tình trạng đánh nhau hay trêu chọc không xảy ra thì bố mẹ nên dành nhiều thời gian cho mỗi đứa trẻ để tránh cho bé cảm thấy bị bỏ bê hoặc thiên vị. Cố gắng không so sánh "con nhà người ta" hoặc so sánh các con với nhau, vì điều này có thể làm cho trẻ cảm thấy ghen tị và oán giận.

Dạy cho trẻ nhường nhịn lẫn nhau và sử dụng từ ngữ để tạo lên sự giao tiếp tốt hơn. Hoặc bố mẹ cũng có thể giao nhiệm vụ cho bé lớn giúp đỡ em. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những việc mà con lớn làm được đấy.

Trẻ hành động xấu không phải vì cố ý để làm bố mẹ giận dữ mà luôn có một lý do ẩn chứa bên trong nên bạn hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân thật sự. Đừng bao giờ vì quá tức giận mà la mắng hay đánh đập trẻ, điều này chỉ càng khiến cho trẻ sợ hãi và chống đối hơn mà thôi.

Nguồn: Parent

aFamily

Thói quen xấu, thói quen có hại, Tâm Lý Trẻ Nhỏ, dạy con


      © 2021 FAP
        1,335,160       621