Dù là sinh mổ, bạn vẫn sẽ bị chảy máu ở âm đạo, bị run rẩy toàn thân, bị đau khi ho, hắt hơi và sẽ phải làm quen với người bạn mới - thuốc làm mềm phân.
1. Vẫn sẽ có những bàn tay đặt vào âm đạo của bạn
Ngạc nhiên không? Nếu câu trả lời của bạn là "có", hãy nghe chia sẻ của một bà mẹ: "Sau lần sinh mổ thứ hai, một y tá tới phòng tôi vào giữa đêm và thực hiện việc mà giờ tôi có thể gọi là "rửa xe âm đạo".
Đúng là như vậy, ngay cả khi không phải đường ra của em bé, âm đạo vẫn liên quan tới quá trình sinh mổ và hồi phục của bạn. Về cơ bản, "rửa xe âm đạo" sẽ được tiến hành tại một thời điểm nào đó sau khi bạn sinh mổ, bao gồm việc rửa nhẹ nhàng "cô bé", sau đó lau khô bằng khăn mềm - mục đích là làm sạch bất cứ vết máu nào bị rỉ ra ngoài sau phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần vì y tá sẽ luồn ống thông đường tiểu vào người bạn trước khi phẫu thuật (nhưng thường là sau khi bạn được gây mê, do đó, bạn sẽ không cảm thấy gì hết).
2. Bạn có thể bị run rẩy toàn thân
Nếu bạn được gây tê tủy sống khi sinh mổ, bạn có thể mất một khoảng thời gian, run rẩy toàn thân một cách không chủ tâm. Carolyn Eskridge, bác sĩ phụ khoa tại New York, cho biết: "Đó là một cảm giác lạ lùng đối với một vài bệnh nhân khi họ tự động run rẩy cơ thể nhưng không có gì quá mức, chỉ là một cơn rùng mình nhẹ và hoàn toàn bình thường. Nó sẽ giảm rất nhanh và gây tê tuỷ sống thường mất tác dụng sau vài giờ".
3. Bạn vẫn có cảm giác khi bé được kéo ra khỏi bụng
Tin tốt là bạn hoàn toàn mất cảm giác từ bụng trở xuống trong quá trình sinh mổ nên bạn sẽ không thấy đau. Tuy nhiên, một số sản phụ khẳng định rằng họ cảm nhận được cảm giác bị ấn và kéo khi em bé được đưa ra khỏi bụng mình.
4. Bạn có thể cảm thấy lạnh cóng trong khi sinh mổ
Đã có vô số bà mẹ phàn nàn về cảm giác lạnh như băng mà họ phải chịu đựng trong quá trình sinh mổ. Nhiều người cho rằng, nhiệt độ quá lạnh trong phòng phẫu thuật là nguyên nhân khiến họ cảm thấy như thế. Nhưng bác sĩ Eskridge giải thích: phòng sinh mổ thực tế được tăng nhiệt độ để thích hợp với sự chào đời của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc bị mất cảm giác từ eo trở xuống và nằm yên trong vòng 30 phút trong tình trạng bán khỏa thân chính là nguyên nhân khiến sản phụ cảm thấy lạnh cóng.
5. Bạn sẽ được thưởng thêm dịch vụ "mát-xa chân"
Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ mang vào một thiết bị có tên SCD để cải thiện tuần hoàn và ngăn ngừa tình trạng cục máu đông. Thiết bị này được đặt lên chân khi bạn ngủ và vẫn còn mất cảm giác sau phẫu thuật. Do đó, nếu bạn tỉnh giấc và thấy chúng trên người mình, đừng vội hoảng. Chúng trông giống như một đôi ủng dành cho phi hành gia và có thể nhìn hơi kỳ cục lúc đầu (vì chúng liên tục căng lên rồi xẹp xuống). Nhưng ngay khi máu lưu thông bình thường khắp cơ thể bạn, bác sĩ sẽ cất chúng đi.
6. Thuốc làm mềm phân - người bạn mới tốt nhất của bạn
Đại tiện có thể là rắc rối chính với bạn sau khi sinh mổ bởi vì thật khó để rặn khi bụng bạn căng và đau. Sử dụng thuốc làm mềm phân sau sinh sẽ tạo điều kiện cho bạn đi đại tiện và giúp bạn thoải mái hơn. Chỉ cần nhớ phải uống nhiều nước và đi lại ngay khi có thể để đường ruột hoạt động. Và tuyệt đối an tâm nếu bạn lo sợ việc đại tiện làm bung chỉ khâu vì "Chúng sẽ không bung ra. Chắc chắn là thế".
7. Ho và hắt hơi có thể khiến bạn đau
"Tôi về nhà và bị một trận ho vào một chiều nọ. Lạy Chúa tôi, nó đau không thể tả!", một bà mẹ chia sẻ trên mạng. Bác sĩ Eskridge - từng trải qua 2 lần sinh mổ - cũng có trải nghiệm tương tự và vài lời khuyên dành cho các bà bầu: "Dùng một chiếc gối áp vào bụng phía trên đường rạch sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ngăn ngừa cảm giác đau đớn khi ho/hắt hơi/cười".
Đai bụng hoặc những đồ nén bụng khác cũng có thể hỗ trợ cơ bụng bởi tạo áp lực lên cơ sau khi chúng bị rạch ra sẽ giúp chiến đấu với cơn đau bắt nguồn từ tình trạng co rút cơ. Bác sĩ Eskridge tiết lộ, phần lớn các bà mẹ thấy đau nhất trong tuần đầu tiên sau sinh nhưng mọi thứ sẽ được cải thiện dần sau vài tuần tiếp.
8. Tập luyện có ý nghĩa quan trọng
Tất nhiên, không phải là những bài tập vận động như bình thường mà là ngồi dậy, đứng lên, đi lại nhẹ nhàng ngay khi có thể. Bác sĩ Eskridge nhấn mạnh: "Một khi thuốc tê hết tác dụng và bạn có cảm giác trở lại trong các chuyển động ở vùng dưới, việc đi lại sẽ không gây rắc rối gì. Ngoài ra, nó còn giúp ruột hoạt động trở lại và ngăn ngừa đau do đầy hơi". Nó còn giúp ngừa cục máu đông nữa. Vì vậy, chớ viện cớ đau mà nằm lâu trên giường, các bà mẹ sinh mổ!
9. Sẽ có máu chảy
Một bà mẹ kể lại: "Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy máu chảy sau sinh". Tuy nhiên, máu sẽ không ra nhiều như sinh thường (khoang âm đạo đã được lau rửa sạch tại thời điểm phẫu thuật). Hơn nữa, thành tử cung của bạn phải tự lành lại sau khi nhau thai đứt rời ra và mạch máu sẽ phản ứng với tình trạng lượng hormone suy giảm. Không những thế, lớp niêm mạc dày lên để hỗ trợ cho em bé trong suốt thai kỳ cũng cần bong ra trong vài tuần sau sinh. Đừng lo lắng - việc chảy máu nếu có cũng sẽ nhẹ nhàng và chỉ kéo dài tối đa là 6 tuần mà thôi.
10. Vết sẹo mổ có thể khiến bạn hoảng sợ
Một số bà mẹ thú nhận rằng, ban đầu, họ không hề nhận thấy vết sẹo mổ rõ nét tới mức nào. "Tôi cảm thấy hoàn toàn biến dạng", bà mẹ tên Bump Lori chia sẻ. "Nhưng theo thời gian, vết sẹo mờ dần và phẳng đi rất nhiều. Giờ thì tôi thực sự yêu nó. Đó là vết sẹo đánh dấu trận chiến làm mẹ của tôi".
Nếu bạn muốn sẹo mờ nhanh hơn, bác sĩ Eskridge gợi ý có thể bôi một số loại thuốc mỡ làm mờ sẹo nhưng chỉ áp dụng sau khi bạn để vết mổ lành sau 6 tuần.
11. Bạn có thể bị đau do đầy hơi ở hai vai
Sau sinh, hai vai bạn có thể bị đau do tình trạng đầy hơi. Khi ruột vẫn còn trì trệ sau phẫu thuật, cơn đau do đầy hơi có thể tạo áp lực lên cơ hoành và lan đến vai.
Bác sĩ Eskridge cho biết, đôi khi, các bà mẹ cảm thấy "cơn đau chuyển hướng" – đau thực sự do một bộ phận trên cơ thể gây ra (trong trường hợp này là tử cung) nhưng lại cảm thấy ở một nơi khác. Đó là do cách phản ứng của dây thần kinh. Điều đáng mừng là cơn đau sẽ giảm dần trong một vài ngày.
Nguồn: Bump
sinh mổ, Đẻ mổ, mổ bắt con