Mặc dù hầu hết các bố mẹ nghĩ đến việc bảo vệ con mình bằng cách để cao những thứ như thuốc hay các đồ vật nguy hiểm ngoài tầm tay của trẻ. Nhưng những trường hợp ngộ độc thuốc vẫn xảy ra liên tiếp.
60.000 ca trẻ em ngộ độc thuốc mỗi năm
Theo một báo cáo mới của Safe Kids Worldwide, có đến 60.000 ca trẻ em cấp cứu hàng năm vì ngộ độc thuốc. Morag Mackay, giám đốc nghiên cứu của Safe Kids Worldwide cho biết: "9 trong số 10 phụ huynh biết rõ thuốc phải được cất giữ và để xa tầm tay trẻ. Nhưng chúng tôi nhận thấy chỉ có 7 trong số 10 người thừa nhận đã không làm điều đó”.
Đôi khi, những gì cha mẹ biết và những điều trẻ thực sự làm được không hề giống nhau. Một số người đánh giá thấp khả năng của trẻ, nhất là những trẻ mới biết đi bằng cách để thuốc ở nơi họ nghĩ là vượt khỏi tầm với của con mình như trên giá sách, mặt bàn…Tuy nhiên, những đứa trẻ thông minh với sự hiếu động vốn có sẽ tìm cách lấy bằng được.
Mackay cho biết: "Có trường hợp trẻ chưa đầy một tháng tuổi đã phải cấp cứu vì bị nhiễm độc thuốc với một mẩu rất nhỏ”.
Chỉ vài giây chủ quan, con yêu sẽ mất mạng (Ảnh minh họa).
Đối với Shelagh Macdonald, một trong số hàng ngàn bà mẹ đã trải qua tai nạn này, nó chỉ xảy ra trong vài phút. Cô đã cho con trai uống Tylenol khi bé bị đau răng. Sau đó cô cất chai thuốc trên kệ sách và cho con đi ngủ. Khi quay lại phòng, đứa bé hốt hoảng nhìn cô “Mẹ, con đã uống thuốc”.
Trong thời gian ngắn đó con trai cô đã xếp chồng những chiếc ghế đẩu lên nhau để với tới cái chai thuốc. Shelagh kể lại với Today. "Lúc ấy tôi vô cùng hoảng hốt. Trước đó tôi đã chủ quan không đóng chặt nắp chai, thằng bé đã uống gần hết chai Tylenol".
Tiến sĩ Rutherfoord Rose, giám đốc Trung tâm Ngộ độc Virginia, nói với NBC News rằng: "Trẻ em phát triển rất nhanh chóng. Chúng luôn muốn khám phá môi trường xung quanh chúng. Ở những độ tuổi nhất định, trẻ có rất hiếu động, chúng có xu hướng tìm tòi mọi thứ chúng thấy và cho vào miệng những thứ mà chúng tìm được”.
Theo Rose, hầu hết các trường hợp ngộ độc thuốc là trẻ sơ sinh và thường xảy ra ở nhà. Các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng vitamin và chất bổ sung cũng có thể gây nguy hiểm. Vì vậy chúng ta nên để tránh xa tầm nhìn và ngoài tầm với của trẻ.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc thuốc là trẻ sơ sinh và thường xảy ra ở nhà (Ảnh minh họa).
Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thuốc
- Xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dang dở, bao đựng hoặc chai thuốc văng tung tóe.
- Biểu hiện ở đường tiêu hóa: thường xuất hiện sớm nhất, vì thuốc gây ngộ độc sau khi trẻ uống sẽ tác động trực tiếp tại đây khiến trẻ kêu đau bụng nhiều, trẻ buồn nôn, nôn ói nhiều, một số trẻ bị tiêu chảy.
- Biểu hiện ở đường hô hấp: trẻ đột ngột ho sặc sụa nhất là trẻ nhỏ vì tâm lý hoảng sợ, nặng hơn trẻ có biểu hiện thở nhanh, tím môi, thậm chí khó thở.
- Biểu hiện ở hệ thần kinh: với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau như trẻ bị hôn mê hoặc co giật toàn thân, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể gây liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim.
- Biểu hiện tăng tiết: trẻ bị tăng tiết đàm nhớt ở cổ họng hay đường hô hấp, dịch tiêu hóa tăng bất thường, tay chân lạnh vì vã mồ hôi, chảy nước miếng nhiều.
Cách sơ cứu kịp thời
Điều quan trọng đối với các bậc phụ huynh khi trẻ bị ngộ độc thuốc là phải thật bình tĩnh thực hiện biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách.
Khi biết trẻ bị ngộ độc thuốc, phụ huynh hãy giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm để các chất trong dạ dày khi trẻ đang bị nôn ói nhiều không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Kích thích gây nôn cho trẻ.
Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn, quan sát trẻ thấy còn phản ứng tốt, cha mẹ hãy giúp trẻ nôn để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể.
Cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích nhẹ nhàng vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà) giúp trẻ có thể nôn bớt loại thuốc đã uống. Động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ.
Cha mẹ tuyệt đối không được gây nôn trong trường hợp trẻ đã bị hôn mê, trẻ đang lên cơn co giật, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ trẻ vừa bị ngộ độc thuốc vừa uống nhầm hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như axit, bazơ hoặc xăng dầu.
Nếu trẻ than đau rát vùng họng, phụ huynh có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc để làm dịu cơn đau, chú ý cho trẻ uống từ từ để tránh tình trạng trẻ bị nuốt sặc.
Giữ thuốc an toàn cho trẻ
- Khi trẻ cần uống thuốc không dỗ trẻ bằng cách nói “thuốc ngọt lắm”. Dù có tác dụng trước mắt nhưng điều này vô tình sẽ làm bé nghĩ có thể ăn thuốc như ăn kẹo.
- Người lớn không uống thuốc trước mặt bé đang ở độ tuổi biết đi. Ở giai đoạn này trẻ rất hiếu động, thích bắt chước bố mẹ nên tuyệt đối phụ huynh phải cảnh giác.
- Giữ thuốc khỏi tầm của trẻ: xa tầm tay là chưa đủ. Hãy kiểm tra dưới góc nhìn của con mình. Đặc biệt không đựng thuốc vào những hộp bánh kẹo, mứt hay những đồ ăn được làm bé lầm tưởng đó là đồ ăn.
- Luôn đậy chặt nắp các lọ thuốc dù đã để trên cao. Đừng chủ quan vì đối với trẻ con, những cái nắp cứng và khó mở đó chỉ gây trở ngại chứ không phải không thể mở được
- Tạo cho trẻ thói quen hỏi bố mẹ trước khi muốn ăn gì. Bạn nên dạy con hỏi người lớn trước khi ăn thứ gì đó, để bạn có thể giải thích cho con những thứ ăn được hay những thứ nguy hại với con.
- Giải thích cặn kẽ lợi hại của thuốc. Từ 3 tuổi trở lên, bạn phải giải thích cho bé khi nào cần uống thuốc. Thuốc có lợi lúc nào và gây hại lúc nào. Nhưng hãy nhớ rằng không phải bạn nói gì bé cũng sẽ hiểu và sẽ nhớ nên các bậc phụ huynh vẫn cần cất thuốc nơi an toàn với trẻ.
Nguồn: Tổng hợp
ngộ độc thuốc, an toàn cho con, phòng ngừa tai nạn trẻ em