Đối với trẻ em, mất kẹo như mất đi thứ vô cùng quý giá, nhất là số kẹo đó là do trẻ phải bỏ công sức ra mới có được. Liệu trẻ sẽ phản ứng như thế nào khi nghe tin "Bố mẹ đã ăn hết kẹo Halloween của con rồi?".
Đa số trẻ em chọn cách khóc lóc, giận dữ, la hét, thậm chí là xông lên đánh cha mẹ của mình, như một cô bé đe dọa “kỷ luật” cha mẹ: “Thời gian tới, con sẽ “trừng phạt” mẹ. Mẹ không chấp nhận điều đó phải không? Được thôi, con sẽ đánh vào mông của mẹ”. Hay như một cậu bé khác, khi nghe cha nói là đã ăn hết kẹo của mình, cậu bé đã chuyển từ thái độ bình tĩnh“Bố đang đùa phải không?” sang “cuộc chiến” với cha khi được khẳng định chắc chắn rằng chẳng còn cái kẹo nào nữa.
Muôn vàn cảm xúc của trẻ khi biết số kẹo của mình đã bị bố mẹ ăn hết.
Bên cạnh đó, cũng có những trẻ cảm thấy tiếc nuối nhưng chỉ than thở đôi chút chứ không phản ứng gay gắt với cha mẹ.
Và đặc biệt, trong những clip cha mẹ gửi đến chương trình, Jimmy Kimmel vẫn tìm thấy những đứa trẻ có những phản ứng chừng mực, cho thấy sự trưởng thành của trẻ. "Con không thấy tức giận”, một cô bé bình thản nói. "Con không hài lòng, nhưng con vẫn yêu mẹ”. Hay có một cô bé khác thì lại sẵn sàng bỏ qua “lỗi lầm” của cha mẹ với một gợi ý siêu thông minh để đền bù cho số kẹo đã bị cha mẹ ăn mất: “Thế thì ngày mai con sẽ mang theo túi và chúng ta sẽ mua nhiều bánh kẹo hơn?”. Có một cô bé vô cùng nhạy cảm đã không kìm chế được cảm xúc khi bị cha mẹ thông báo đã ăn hết kẹo, mặt buồn rười rượi nhìn ra ngoài cửa sổ và cất lời: “Mắt của con tự dưng bị chảy nước rồi”.
Hầu hết những đứa trẻ trong clip được cha mẹ gửi về đều ở trong độ tuổi khủng hoảng tuổi lên 3, nên những cảm xúc, những phản ứng của trẻ vô cùng chân thật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng người lớn không nên nói dối trẻ em và càng không nên mang những tiếng khóc, sự đau khổ của trẻ ra để mua vui. Giúp trẻ em hiểu được sự thất vọng và đối phó với nó là một kỹ năng quan trọng. Nhưng gây thất vọng và nói dối trẻ chỉ để "làm trò" thì không phải là cách tốt để dạy kỹ năng đó cho trẻ.
phản ứng, clip hài hước, tâm lý trẻ nhỏ