Khi chúng tôi nói với con rằng chúng thật hoàn hảo, chúng tôi đã đóng chặt cánh cửa cơ hội khiến một điều vô cùng mãnh liệt không thể xảy ra.
Tôi say sưa ngắm nhìn con trai trong lúc bé đang ngủ, đang mỉm cười hay làm bất cứ việc gì mà ánh mắt một người mẹ đều thấy vô cùng dễ thương. Những tiếng thì thầm đầy hãnh diện: “Con yêu của mẹ, con thật hoàn hảo!” cứ vang dội trong tâm trí tôi như một bản nhạc ngọt ngào không dứt. Tôi chiêm ngưỡng làn mi con vút tuyệt đẹp của con khi con khép đôi mắt ngủ say như thiên thần. Tôi cảm thấy muốn nghẹn thở. Tôi hôn lên hai má bầu bĩnh của con, một bên má có lúm đồng tiền xinh xắn và tự thấy mình đang tan chảy trong cơn mưa những nụ hôn chíu chít con trai dành tặng cho tôi sau đó. Tôi không thể ngăn được suy nghĩ con trai đáng yêu của mình quả thực “không tì vết”.
Tôi muốn nói với con rằng con thật hoàn hảo vì tôi biết, sớm hay muộn, những người có ý định không tốt sẽ nói với con tôi điều ngược lại. Đó là những người luôn thấy thích thú trước nỗi đau của kẻ khác, họ sẽ cố gắng để thuyết phục bé yêu của tôi rằng bé sẽ sớm phải thất vọng, phải đau khổ vì sự tồn tại sẽ không có nhiều ý nghĩa đến thế trong cuộc đời mình.
Con trai tôi sẽ được nghe về tất cả những hạn chế, những khiếm khuyết của mình. Vì vậy, tôi luôn muốn nói với con trai rằng con thật
hoàn hảo, đúng như cái cách con là con bây giờ. Tôi luôn muốn
nói với con hãy phớt lờ những nhận xét của người đời mai sau bởi những chê trách, chỉ trích hay bới móc ấy là do họ không được như con, họ muốn được như con và họ đang phải nỗ lực để đạt được như thế.
Nhưng sự thực đúng là: con trai tôi không phải người hoàn hảo.
Và tôi cũng vậy.
Khi chúng tôi nói với các con rằng chúng thật hoàn hảo, chúng tôi đã đóng chặt cánh cửa cơ hội khiến một điều vô cùng mãnh liệt không thể xảy ra. Đó là điều có thể khiến các con tôi
trưởng thành hơn, thích nghi hơn với thế giới này và có cơ hội thành công nhiều hơn và hạnh phúc thực sự.
Chúng tôi sẽ đóng sập cánh cửa của quá trình tự nhận thức, tự hoàn thiện bản thân, tự ý thức và tính khiêm nhường đối với các con nếu làm như vậy.
Có sức mạnh lớn lao ẩn giấu trong việc chấp nhận chính con người bạn, bao gồm cả những khiếm khuyết, hạn chế. Ở thời đại mà chúng ta có thể chọn lọc, có thể chỉnh sửa chính bản thân mình với vô vàn góc độ khác nhau, luôn hiện hữu vẻ đẹp trong việc nhìn ra những vết nứt, mảnh vỡ giúp chúng ta được là chính mình. Chúng ta đâu cần phải là phẳng, làm mịn những vết nứt vỡ ấy hay giả vờ như chúng không tồn tại, để tìm ra thứ gì đó đáng để ăn mừng.
Tôi không thể ngăn được suy nghĩ con trai đáng yêu của mình quả thực “không tì vết” (Ảnh minh họa).
Các con chúng tôi xứng đáng biết điều đó.
Có sức mạnh lớn lao ẩn giấu trong việc tự hoàn thiện bản thân, trong việc nhìn ra những lĩnh vực mà bạn có thể làm tốt hơn – cho người khác và cho chính bạn. Chúng ta không bao giờ nên hoàn toàn thỏa mãn với con người chúng ta với vai trò mỗi cá nhân trong xã hội bởi thành thật mà nói, mỗi cái tôi đều luôn có thể tốt hơn, đẹp hơn. Sẽ luôn có những lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta – cho dù nó liên quan tới công việc, tới sự ghen tỵ, tới nỗi giận dữ, tới tính bảo thủ hay sự chê bai và bất cứ thứ gì bạn có thể gọi tên – chúng ta đều có thể thay đổi, chấn chỉnh và nâng cấp.
Các con tôi xứng đáng được nhận ra điều đó.
Có sức mạnh lớn lao trong việc tự nhận thức, biết được những điểm mạnh cũng như điểm yếu của bạn. Khi bạn quá quen thuộc với chính mình, đã hiểu rõ con người mình thì việc một người có chỉ tay vào mặt bạn và nói những lời sỉ nhục đi nữa, bạn cũng sẽ không quá kinh ngạc, giận dữ hay đớn đau. Khi bạn biết mình là ai và điều gì khiến bạn làm mà không bao giờ thấy có lỗi với chính mình, cả tốt lẫn xấu, sẽ không có điều gì mà kẻ khác có thể nói với bạn mà bạn không hiểu rõ. Bạn có thể bồi đắp con người mình, từng chút, từng chút một, cùng với thời gian đưa bạn tiến lên phía trước, bạn vẫn sẽ vững bước với một nền tảng của nhận thức và lương tâm chắc chắn.
Các con tôi xứng đáng có đức tin vào điều đó.
Có sức mạnh lớn lao trong đức tính khiêm nhường và việc hiểu rõ ràng bạn không hề hoàn hảo. Để đủ
tự tin hạ mình khi cần thiết, nhờ đó, bạn có thể học hỏi, có thể khôn lớn và mở rộng những tiềm năng mà bạn tin rằng mình có trước đây. Điều này có ý nghĩa sống còn. Bạn sẽ không phải lúc nào cũng là người đẹp nhất hay người giỏi nhất hay người mạnh nhất hay người đủ tiêu chuẩn nhất – và chính trong những khoảnh khắc đó, sự khiêm nhường và tự trọng sẽ giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa “bạn” của khoảnh khắc đó và “bạn” của tương lai luôn muốn nỗ lực để trở thành.
Và các con tôi xứng đáng có được cơ hội đó.
Vì vậy, khi tôi say sưa ngắm nhìn con trai tôi lúc bé đang ngủ, đang cười hay đang làm bất cứ việc gì mà ánh mắt người mẹ đều thấy dễ thương, tôi đều ghi nhớ điều đó.
Tôi cũng sẽ nhớ rằng con trai tôi không phải người hoàn hảo và sẽ không bao giờ là người hoàn hảo.
Tôi sẽ nhớ, nói với con rằng con không hoàn hảo sẽ không giúp chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho con khi phải đối diện với những người có ý định xấu, muốn thuyết phục con điều ngược lại. Nó cũng không giúp con xử lý hay gạt bỏ những nỗi đau, những khổ sở, những dằn vặt trong lòng.
Vì vậy, không bao giờ, tôi sẽ không bao giờ nói với con rằng con thật hoàn hảo.
Bởi vì con trai tôi có là gì, có trở thành gì thì điều đó còn vĩ đại hơn nhiều so với sự “hoàn hảo”.
Đôi nét về tác giả
Danielle Campoamor là một nhà văn và tác giả tự do. Hiện cô đang sống tại Seattle, Washington cùng chồng và con trai. Các bài viết của cô từng được đăng trên The Seattle Ties, BuzzFeed Ideas, Elite Daily, thuộc nhiều chủ đề khác nhau như tình yêu, sự cám dỗ, tình dục, các mối quan hệ, lần đầu làm cha mẹ… Tác phẩm nổi bật của Campoamor là “A twenty something nothing”. |
(Nguồn: Huffington)