Mẹ & bé

Sửng sốt với ba câu chuyện hết mình vì con của ông bố Nhật

Một ông bố Nhật ăn cơm hộp để lấy tiết kiệm tiền cho con du học Mỹ, 1 ông thuê gia sư nước ngoài dạy con từ 12 tháng tuổi, 1 ông chăm học để nhập tịch cho con vào Canada.

Thuê gia sư dạy con thông minh và giao tiếp từ lúc con 1 tuổi

Hôm trước đi ăn trưa với một đồng nghiệp làm ở lĩnh vực public sector chuyên tư vấn cho chính phủ Nhật, tôi hâm mộ một người trẻ tuổi tài giỏi có nhiều kinh nghiệm đặc biệt và ước mơ lớn. Anh ấy mới đầu 30 mà đã có kinh nghiệm làm việc cho Liên Hợp Quốc, bộ Ngoại giao Nhật, và tương lai muốn trở thành chính trị gia thay đổi Nhật Bản. Anh ấy vào công ty tôi chỉ vì muốn học thêm hoạt động kinh tế của doanh nghiệp để làm chính trị gia tốt hơn. Nhưng, sau buổi nói chuyện, điều tôi hâm mộ hơn cả là anh và vợ đầu tư và hết mình cho con cái.

Hai vợ chồng đều là người Nhật và đang sống ở Nhật. Chị vợ thì sống ở Mỹ từ nhỏ, còn anh đồng nghiệp tôi thì sang Mỹ du học. Họ quen nói tiếng Anh với nhau từ lúc yêu nhau ở Mỹ, đến giờ sống ở Nhật rồi vẫn dung tiếng Anh ở nhà. Hai vợ chồng đều đi làm, và họ rất tiết kiệm để lo cho con môi trường tốt nhất để phát triển.

Tôi bất ngờ lắm khi nghe kể họ thuê gia sư người Mỹ ở Nhật dạy cho họ từ lúc bé 12 tháng tuổi. Ở Nhật có dịch vụ này, và thường chị những người nổi tiếng hoặc chính trị gia giàu có mới thuê dịch vụ này. Gia sư dạy bé bằng cách chơi với bé, và áp dụng các kĩ năng để bé phát triển não bộ, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Bây giờ bé nhà họ mới 2 tuổi nhưng đã rất nhanh nhẹn và hòa đồng với cả những người không phải bố mẹ.

Anh đồng nghiệp kể với tôi, anh ít khi đi ăn trưa ở nhà hàng như mọi nhân viên công ty. Anh ăn bento để tiết kiệm cho con, và sau này dự định để con sang Mỹ. (Vì đứa bé sinh ra ở Mỹ nên mang quốc tịch Mỹ).

Tôi liên tưởng đến mẹ của em Nhật Nam thần đồng ở Việt Nam. Gia đình em Nhật Nam không thuê gia sư cho con mình từ lúc 1 tuổi, nhưng mẹ Nhật Nam chắc hẳn đã hi sinh rất nhiều để dạy con hơn cả những chuyên gia được đào tạo để Nhật Nam được như bây giờ.

Bố Nhật
Ảnh minh họa.

Học thật chăm chỉ để lấy quốc tịch mới vì con

Chuyện về một anh đồng nghiệp người Nhật khác trong công ty. Anh này có vợ người Trung Quốc. Anh ấy mới vào công ty nên còn trẻ và chưa có nhiều thành tích. Nhưng khi nói chuyện với anh, tôi luôn cảm thấy ở anh có một dự định lớn lao, và tất cả là vì con.

Anh muốn nuôi con đa ngôn ngữ và muốn cho con nói được tiếng Anh, nên đã tìm hiểu nhiều cơ hội để xin quốc tịch mấy nước nói tiếng Anh. Anh dự định lấy quốc tịch Canada hoặc Úc vì hai nước đó có chương trình cho người nước ngoài Nhập quốc tịch với một điều kiện nhất định.

Nghe nói, có một số tiền nhất định thì sẽ mua được quốc tịch của 2 nước này, tuy nhiên anh chọn con đường học tập vì con.

Ông bố Nhật này lên kế hoạch học tập lấy 1 số chứng chỉ chuyên gia rất khó vì 2 quốc gia này có chương trình khuyến khích các chuyện gia giỏi nước ngoài nhập quốc tịch. Kế hoạch của anh là trước khi con 5 tuổi, nhập được quốc tịch nước ngoài. Và hai vợ chồng chuyển ra nước đó sống. Một cách nghĩ khá thú vị và đáng tham khảo.

Chơi với con là công việc

Đây là tuyên ngôn của sếp tôi. Anh là người lãnh đạo một bộ phận quan trọng trong công ty. 40 tuổi. Anh là người luôn truyền cảm hứng cho các nhân viên khác vì sự thông minh và lòng quan tâm của mình. Anh kể:

Một ngày bình thường chị ngủ 4,5 tiếng thôi vì công việc rất nhiều. Nhưng cuối tuần thì anh chỉ ngủ 3,4 tiếng thôi và cuối tuần là thời gian anh bận rộn nhất. Lí do, cuối tuần thì lượng công việc vẫn nhiều như vậy, nhưng còn thêm 1 công việc nữa là chơi với con. Chơi với con với anh cũng là một công việc. Khi con còn nhỏ thì đặc biệt công việc này quan trọng hơn cả. Bình thường các sếp thường hay đi uống với nhau có khi uống thâu đêm. Nhưng các sếp khác kể rằng, không ai rủ được sếp này ra khỏi nhà sau 9h tối mà không vì công việc. Vì anh tự đặt cho mình cam kết dành nhiều nhất thời gian cho gia đình có thể.

Tôi không cổ xúy việc ít ngủ làm việc. Nhưng tôi rất ngưỡng mộ những con người vừa bận rộn với công việc vừa coi trong gia đình như vậy. Đây là trường hợp hiếm hoi có thể vẹn toàn gia đình và công việc- rất hiếm hoi trong cái xã hội Nhật Bản có một luật lệ ngầm rằng người đàn ông phải coi trọng công việc hơn gia đình.

Ngẫm ra một điều: dù bạn không giàu có, nhưng mọi gia đình, mọi người cha mẹ đều có thể dành cho con những gì tốt đẹp nhất, quan trọng là có quyết tâm hay không.

Chia sẻ 3 câu chuyện này với mọi người, cũng là bởi vì muốn đàn ông Việt Nam nên nghĩ nhiều cho con cái hơn một chút cùng với vợ mình. Và cũng là muốn ghi nhớ những con người này, để làm hình mẫu cho chính mình, thành một người mẹ thật tốt sau này.

aFamily

bàn tay của bố, làm bố, bố là tất cả, bố chăm con, dạy con kiểu nhật, làm cha


      © 2021 FAP
        1,309,650       959