Mẹ & bé

Mách mẹ cách bổ sung chất béo cho trẻ béo phì

Vì cơ thể không thể tự tổng hợp được những loại chất béo cần thiết cho quá trình phát triển thể chất và trí não của trẻ nên trẻ béo phì vẫn cần được bổ sung chất béo.

Hiện nay, nhiều bà mẹ có con mắc bệnh béo phì đã loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm chứa chất béo ra khỏi thực đơn dành cho bé. Cách làm này theo TS - BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia là hoàn toàn sai lầm vì các mẹ chưa thực sự hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.

Hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bệnh béo phì ở trẻ

Thừa cân béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao.

Khẩu phần ăn hàng ngày chứa nhiều chất béo bão hòa, chất đạm, chất đường bột là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ mắc bệnh béo phì. Bên cạnh đó, những trẻ lười vận động, dành quá nhiều thời gian chơi game, xem tivi sẽ có nguy cơ thừa cân, báo phì hơn những trẻ thường xuyên vận động, vui chơi ngoài trời.

Trẻ béo phì vẫn cần được bổ sung chất béo

Chất béo là nguồn dự trữ và sinh năng lượng quan trọng, tham gia cấu tạo mô, tế bào và nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Chất béo có nhiều loại khác nhau nhưng có thể chia ra hai nhóm chính:

- Nhóm chất béo có hại cho cơ thể, bao gồm các chất béo bão hòa, các transfat và cholesterol. Nếu ăn quá lượng cho phép những loại chất béo này sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ, kể cả ung thư...

- Nhóm chất béo có lợi cho cơ thể, bao gồm các chất béo chưa bão hòa đơn, các chất béo chưa bão hòa đa đặc biệt là các chất béo Omega 3, DHA và EPA, Những loại chất béo này không mang theo nguy cơ gây bệnh cho cơ thể.

TS - BS Phan Bích Nga: “Trẻ béo phì vẫn cần được bổ sung các loại chất béo Omega, đặc biệt là DHA, EPA.”

Theo TS – BS Phan Bích Nga, các loại chất béo Omega, đặc biệt là DHA, EPA có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và trí não của trẻ, không loại trừ trẻ béo phì. Đặc biệt, ở những năm đầu đời, thiếu các chất béo thiết yếu như DHA, Omega 3, Omega 6, Omega 9…sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và khả năng nhận thức của trẻ, trẻ thiếu tập trung, thường xuyên thay đổi cảm xúc, hay cáu gắt …

Tuy nhiên, cơ thể không thể tự tổng hợp được những loại chất béo này mà phải được bổ sung qua nguồn thực phẩm. Nếu loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ béo phì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Cách bổ sung chất béo cho trẻ béo phì

Theo TS. BS Phan Bích Nga, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng để khắc phục tình trạng thừa cân đồng thời cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho quá trình phát triển thể chất và trí não của trẻ béo phì:

Hạn chế cho trẻ ăn những loại thực phẩm chứa nhiều chất đường, chất bột, chất béo bão hòa, transfat và cholesterol như các đồ ăn nhanh, nước có ga, bánh ngọt, bánh kem, bánh snacks, mỡ động vật, dầu dừa…

Đảm bảo lượng chất béo cung cấp cho trẻ béo phì qua khẩu phần ăn hàng ngày chỉ bằng ½ so với nhu cầu của lứa tuổi. Trong thực đơn dành cho bé, cha mẹ nên hạn chế các món xào, rán, tăng cường các loại thực phẩm chứa chất béo có lợi, chất xơ, canxi, các loại vitamin… để khắc phục tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ.

Cha mẹ nên ưu tiên chọn lựa những thực phẩm chứa nhóm chất béo có lợi cho cơ thể của bé như các loại cá nước lạnh, dầu cá hồi, dầu ô-liu, dầu đậu nành, sữa không đường, sử dụng các loại dầu ăn dinh dưỡng trong chế biến món ăn cho trẻ…

v



aFamily

dầu ăn cho trẻ em, dha, dinh dưỡng ăn dặm, omega 3 6 9


      © 2021 FAP
        1,309,656       1,116