Ngày nay, các bà mẹ trẻ từ khi mới mang thai đã tự trang bị cho mình quá nhiều kỹ năng nuôi dạy con, với mong muốn con mình sau này sẽ có tố chất như người Nhật, hoặc như một thần đồng nào đó. Ngay cả một cái tên đặt cho con cũng chở nặng quá nhiều kỳ vọng.
Trong gia đình tôi, mỗi khi có một đứa trẻ nào đó sắp chào đời là từng ấy con người thi nhau mường tượng. Ai cũng mong đứa trẻ sẽ thông minh, xinh đẹp và sau này phải trở thành bác sĩ, doanh nhân hay nhà khoa học. Dù biết tất cả ước vọng đó đều xuất phát từ tình yêu thương dành cho con trẻ, nhưng có phải đứa trẻ nào sinh ra cũng xinh đẹp, giỏi giang, nên đừng thất vọng khi thấy điểm số của con mình thấp. Đừng buồn vì con mình không múa đẹp, hát hay.
Cũng đừng ép con phải học thêm các môn năng khiếu nếu chúng không thích và cũng không có khả năng. Bởi, không phải cứ có bố làm vận động viên thì con sẽ yêu thích thể thao, có mẹ làm họa sĩ thì con không được phép vẽ xấu. Trẻ em sinh ra không có trách nhiệm nối tiếp hay phát huy nghề nghiệp hoặc truyền thống gia đình. Trẻ sinh ra để được sống cuộc đời của chúng với những đam mê có thể chẳng giống ai. Mỗi lần ngắm con ngủ ngon lành, chị tôi thường nói “chẳng mong gì con thành ông này bà nọ. Chỉ mong sao con mạnh khỏe, ngoan ngoãn và sống vui tươi là đủ rồi”. Con bạn có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ nghề gì cũng được, chỉ xin đừng biến chúng thành con rối.
Tôi luôn nghĩ những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có chưa chắc đã sướng như người ta vẫn tưởng. Trẻ con không cần đến lý trí để lựa chọn cái này hay cái kia, tất cả đều được quyết định bởi trái tim hồn nhiên của chúng. Vì vậy, thay vì bắt trẻ phải răm rắp nghe theo mình, người lớn cũng nên để chúng được phát triển và bộc lộ tính cách và năng khiếu tự nhiên. Người xưa thường nói “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Dạy dỗ thì đã hẳn nhiên nhưng dạy làm sao cho đúng, uốn thế nào là đủ? Đừng nên uốn con mình thành cây cảnh mà hãy để những mầm non được vươn cành tự nhiên.
Cũng đừng dạy con theo một khuôn khổ hay nguyên tắc nhất định nào đó, bởi biết đâu sẽ vô tình nhốt con trong chiếc lồng chật chội khi chúng rất thèm được cất cánh bay. Nên chăng tạo điều kiện để trẻ trang bị cho mình một nền tảng kiến thức, giúp trẻ sống và tích lũy dần từng trải nghiệm. Trẻ sẽ có hành trang vững vàng, sẵn sàng đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Đừng bao giờ mượn danh nghĩa của tình yêu thương để áp đặt theo kiểu “mẹ làm điều này cũng chỉ vì con”, bởi thực chất đó chỉ là tình yêu thương độc đoán.
Có nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con, rằng chúng sẽ làm được những điều mình chưa làm được; sẽ có những thứ mình không thể có; sẽ đi đến những nơi mình chưa từng được đặt chân; hoặc kỳ vọng con đừng bao giờ dẫm chân vào vết xe đổ của cuộc đời như mình. Người lớn cần hiểu rằng ai cũng có đôi lần thất bại, có những đoạn đường đời bắt buộc người ta phải đi qua để có được bài học về sự trưởng thành. Trẻ không phải con rối để người lớn giật dây, cũng không phải là phiên bản hoàn thiện của cha mẹ. Không ai có quyền thao túng cuộc đời người khác, ngay cả khi bạn là cha mẹ chúng, đừng bao giờ “xiềng xích” con mình bằng những kỳ vọng viển vông.
sai lầm của cha mẹ, sai lầm của cha mẹ khi nuôi con, nuôi dạy con