Một người mẹ có con 6 tuổi tâm sự với tôi: “Mình phải cố gắng học tập, để không bao giờ phải trả lời con là: “Mẹ không biết!”. Đã làm mẹ thì không thể để con nghi ngờ về hiểu biết của mình!”
Tôi rất thích quyết tâm đó. Tôi cực kỳ kính trọng những ông bố bà mẹ luôn tự nâng cấp mình để cùng con lớn lên. Nhưng, nếu không được nói rằng: “
Mẹ không biết!” chắc tôi xỉu mất! Tôi chỉ muốn nói với con rằng, mẹ đôi khi cũng không biết…
Con nghĩ đi! Bạn tôi có
con vào lớp 1. Bé hay bị mất bút chì, thước kẻ, rồi gôm tẩy… như tất cả những bé lớp 1 khác. Có lần bé đã tìm ra cây bút chì quen thuộc của mình đang ở bàn trên, mà bé không đòi lại được, vì bé kia cũng bảo “cây bút đó của tớ”.
Bé về mách mẹ. Bà mẹ là thạc sỹ, thừa sức nghĩ ra một cách hiệu quả để con không làm lẫn bút chì nữa. Nhưng cô ấy chỉ nói: “Con nghĩ đi!”, “Làm thế nào bây giờ? Con hãy suy nghĩ đi!”.
Và thằng bé 6 tuổi chật vật suốt cả giờ đồng hồ rồi nghĩ ra một giải pháp đơn giản mà bà mẹ nào cũng biết thừa: Đánh dấu tên lên đồ dùng!
Nhưng tôi nghĩ bà mẹ đó đã dạy con được thêm 1 bài học tốt. Cậu bé phải biết vận dụng đầu óc để tự giải quyết những vấn đề của mình!
2 con gái của tôi cũng hay tranh giành nhau lắm, cũng hay thưa gửi mách tội nhau. Nhưng chỉ ngày nhỏ xíu tôi mới can thiệp, còn giờ chủ yếu là bắt con tự nghĩ cách thương lượng và dàn xếp, mẹ chỉ quan sát và làm trọng tài vào phút cuối thôi.
Nhiều mẹ kể rằng con đã ghen tỵ: “Con ghét học lắm, làm người lớn không phải đi học nữa, thích hơn”. Không con ạ, biển kiến thức vô vàn ngoài kia, sự học là vô cùng, làm người lớn cũng phải học tối ngày, học mọi nơi, học mọi lúc, mọi chỗ, người lớn còn bị chấm điểm khắc nghiệt hơn con nữa cơ. Làm sai, người lớn phải trả bằng những con điểm rất khắc nghiệt, rất thiệt hại và tốn kém, làm sai người lớn bẽ bàng hơn con nhiều.
Hãy cho con quyền được tự tìm hiểu những thắc mắc và suy nghĩ của mình về cuộc sống và thế giới xung quanh. (Ảnh minh họa) Làm quen với việc đi tìm câu trả lờiKhi con khoảng 5 tuổi, cái tuổi bắt đầu hay hỏi vì sao, thế nào, tôi đi mua về 1 cuốn từ điển Tiếng Việt lớn đẹp đẽ nghiêm trang, để lên giá sách. Khi bé hỏi, nếu có thời gian, tôi vẫn ngồi lần giở từng trang từ điển để tìm rồi đọc to lời giải thích cho bé. Tôi hi vọng cách giở từ điển của mình trước mặt con sẽ tập cho con một cung cách tự đi tìm lời giải. Vài năm sau, hi vọng bé sẽ tự giở từ điển cho mình, rồi Google cho mình.
Đặt câu hỏi và biết tìm lời giải của câu hỏi là một kỹ năng quan trọng. Do đó, tôi nghĩ, thứ nhất, không bao giờ gạt phăng câu hỏi của con, thứ hai, ngay từ bây giờ hãy tìm những câu phù hợp để đặt ngược lại cho con: “Con nghĩ xem cái này thì mình sẽ hỏi ai”. Một nhà báo đã nói với tôi: “Cái được lớn nhất sau chục năm làm báo của mình, là giờ mình đã biết hỏi. Biết đặt câu hỏi, và biết tìm câu trả lời ở đâu, hỏi ai”. Chắc bé nào cũng cần có kỹ năng đó.
Tôi cũng không lăn tăn khi phải khai thật với con rằng: “Mẹ phải suy nghĩ một chút”. Tôi muốn con làm quen với việc “suy nghĩ”. Và chờ đợi.
Nhìn những HS phải đi chạy sô học thêm sáng chiều ở trường, tối ở trung tâm, cái lo nhất của tôi là ba mẹ bé đã tước mất của con mình thời gian tự suy nghĩ. Lúc nào cũng có thầy cô bên cạnh, hướng dẫn, đôn đốc, thúc đẩy con đi từng bước. Bé không được tự đặt ra nhiệm vụ suy nghĩ, không còn cơ hội tự đặt ra deadline cho mình. Ngày sau khi đi làm, nếu sếp không dắt tay từng bước, nếu không thúc vào đít mỗi ngày thì bé có còn nhiệt tình nữa không?
Mẹ đôi khi cũng… dởTôi muốn khai thật với con rằng mẹ không biết, với những điều thực sự là mẹ không biết. Và tôi cũng sẽ nói luôn: “Mẹ sẽ suy nghĩ, để tìm xem nên hỏi ai câu này. Hôm nào mẹ hỏi được, mẹ sẽ trả lời cho con nha!” Con phải biết thông cảm với những hạn chế của mẹ. Con phải chấp nhận mẹ đôi khi… cũng dở!
Theo tôi, từ nhỏ tập nói mình không biết một cách đơn giản như thế sẽ làm con thôi đòi hỏi mình hoàn hảo. Ngày sau, khi đi học, khi đi làm, hẳn con sẽ đối mặt với nhiều vấn đề mà mình không biết xử trí ra sao, thì khi đó con vẫn còn tự tin thấy mình là người bình thường, và tự động đi tìm lời giải từ cố vấn, chuyên gia của vấn đề đó.
Thú nhận mình hạn chế, xin lỗi con vì mình hạn chế, là một cảm giác khó khăn. Nhưng con sẽ hiểu đúng hơn về con người. Ai cũng phải có quyền được sai. Ai chẳng có lúc lầm lẫm. Ai chẳng có hạn chế. Có sai lầm mới là bình thường, có va vấp mới là bình thường, còn hoàn hảo mới là bất thường.
Chỉ trong những xã hội lạc hậu và bất ổn mới có quan niệm “all or nothing”. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những cô giáo thầy giáo, thầy giám thị khe khắt với HS từng ly từng tý, phạt từng lỗi nhỏ, như làm bài sai, viết lệch ô, lem mực, tính nhầm, quên làm bài, nói chuyện riêng… đều bị nâng lên thành quan điểm đạo đức, tư cách quá cao. Rồi trách mắng,nhiếc móc học sinh trước cả lớp, làm thui chột lòng tự tin và tình yêu của trẻ với sự học.
Bài toán khó của con sau này không còn giống bài toán suốt đời của ông bà ta: “tìm miếng ăn”. Xã hội đã phức tạp lên rất nhiều, chẳng còn mấy người chết vì đói, mà nhiều hơn là những người chết vì thất vọng về mình và về người khác. Đọc tin về Hàn Quốc, mỗi ngày có tới 40 người tự tử, mà tôi sợ hãi. Tôi cũng chỉ ước mơ rằng sau này con sẽ nhân từ hơn với những sai lầm của con và của người khác thôi!