Trong cuộc sống hiện đại với chỉ toàn tin nhắn điện thoại hay mạng xã hội như bây giờ thì có vẻ nghệ thuật lắng nghe dường như đã mất dần. Tôi biết tôi đã có lỗi khi nhìn điện thoại nhiều hơn nhìn đứa trẻ đang nói chuyện với tôi. Bởi vậy, bất cứ khi nào con tôi có chuyện để nói, tôi liền bỏ điện thoại sang một bên để việc xem điện thoại không làm tôi phân tâm. Khi chúng tôi ở trong xe nói chuyện, tôi sẽ hỏi những câu hỏi liên quan đến những gì con kể cho tôi, thay vì chỉ gật đầu vô tâm “Con giỏi lắm”, “Con ngoan lắm”. Nếu tôi bị căng thẳng vì một việc gì đó và không thể đối phó được, tôi sẽ xin vài phút được nghỉ ngơi. Tôi sẽ nói : “Con à, mẹ cần 5 phút nghỉ ngơi, sau đó mẹ con mình lại chơi cùng nhau nhé.”. Ngay lập tức dạy con trở thành một người biết lắng nghe là điều không thể, nên tôi cố gắng cho con thấy bằng những ví dụ, cho con biết khi có một người thực sự lắng nghe mình thì cảm giác sẽ ra sao.
Tôi dạy chúng biết quan tâm đến cảm giác của người khác
Một ngày nọ, con gái tôi nói chuyện về một người bạn nó quen.
Sabrina – con gái tôi nói: “Bạn đó đúng là lắm chuyện, chẳng ai thích chơi cùng bạn ấy cả”
Tôi đáp lại: “Hãy tưởng tượng ai đó nói về con như vậy, con sẽ cảm thấy thế nào?”
Sabrina trả lời: “Bạn ý không nghe con!”
"Con à, ý mẹ là bạn đó chắc hẳn sẽ buồn lắm nếu biết được mọi người nghĩ về mình như thế, con thấy có đúng không?", tôi đáp.
Sabrina miễn cưỡng đồng ý. Cuộc nói chuyện của chúng tôi có lẽ không hoàn toàn thuyết phục con bé, nhưng tôi tin phần nào đó nó sẽ nuôi dưỡng lòng cảm thông trong con bé.
Tôi khuyến khích con thể hiện lòng biết ơn
Trẻ con thường có xu hướng coi những thứ mọi người làm cho chúng là điều hiển nhiên. Tôi cũng không hy vọng gì đến những tờ giấy ghi lời cảm ơn, nhưng tôi muốn con biết rằng, tôi đã dành rất nhiều thời gian để lên kế hoạch cho kì nghỉ, và tôi rất muốn nghe những câu nói tỏ lòng biết ơn từ chúng. Điều đó cũng giúp chúng hiểu rằng, việc đòi hỏi một điều gì đó giúp bản thân thấy vui không phải điều sai trái. Nếu một người hàng xóm hay bất kì ai đó giúp đỡ con tôi, tôi bảo con hãy nói với người đó điều đó tuyệt vời thế nào, hoặc giúp con biết cách thể hiện lòng biết ơn đối với họ.
... Và tôi cũng dạy con biết thể hiện tình yêu
“Mẹ yêu con”, “Bố yêu con”, “Em yêu anh”, “Anh yêu em”... chúng tôi nói với nhau những câu như vậy vô số lần trong một ngày. Chúng tôi thường ôm hôn con. Giành thời gian để giải thích những hành động đó có nghĩa là tình yêu không chỉ khiến chúng vui, mà còn dạy chúng cách biểu lộ sự trìu mến một cách có ý nghĩa. Đêm hôm nọ, tôi rúc vào chăn, nằm cạnh con trai và để con hiểu được làm mẹ tuyệt vời dường nào. Tôi nói với con tôi thật may mắn khi có một đứa con trai ngọt ngào và tốt bụng với mọi người. Tôi nói với con con thật thông minh và giỏi chơi bowling (môn thể thao yêu thích của thằng bé). Tôi nói với con con đã mang lại hạnh phúc cho mẹ. Max – con trai tôi nghe những điều này mỉm cười rạng rỡ.
Tôi giúp con hiểu cách xin lỗi thật lòng
Một hôm. tôi đang thay đồ trên tầng thì nghe thấy tiếng khóc gào từ phòng bếp. Sabrina đang đọc mấy cuốn sách thì có vẻ Max đã ra giật lấy và xé rách bìa.
Sabrina nức nở: “Max làm hỏng sách của con!”
Max trông có vẻ đã biết lỗi.
Tôi nói: “Max, xin lỗi đi con.”
“Xin lỗi.” thẳng bé nói một cách miễn cưỡng, như bao đứa trẻ khác.
Nhưng câu xin lỗi không vẫn chưa đủ. Tôi tìm cuộn băng dính và bảo Max giúp tôi dán lại bìa sách. Bằng cách đó, Max phải thực sự nghĩ về những gì nó đã làm, và đó cũng là một cách thể hiện sự hối lỗi, tốt hơn là chỉ nói suông.