Mẹ & bé

Nhiều phụ nữ trầm cảm sau sinh vì nỗi lo chồng không chung thủy

Ly hôn sau khi vừa sinh con là một trong những nguyên nhân khiến nhà báo Hải Âu rơi vào trầm cảm sau sinh và chị đã đã vượt qua nó bằng tất cả lý trí và nội lực của một bà mẹ có tình yêu mãnh liệt với con.

Nhà báo Hồ Thị Hải Âu cho rằng, sự vững vàng và chia sẻ của người chồng trong giai đoạn vợ vừa sinh và nuôi con nhỏ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự ổn định tâm lý và sức khỏe tinh thần của người vợ.
Những chia sẻ đầy cảm xúc và thuyết phục của chị trong clip dưới đây có thể sẽ giúp các mẹ đã, đang và sẽ đối diện với hội chứng trầm cảm sau sinh mở ra một cánh cửa tràn đầy ánh sáng và yêu thương để đối diện và vượt qua bằng tất cả sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ của một người trong cuộc.
Nhà báo Hải Âu là một người mẹ được rất nhiều các mẹ hâm mộ và khâm phục. Cuộc hành trình của chị và con gái Lã Hồ Minh Khuê cũng như những chia sẻ của chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người mẹ và giúp họ định hướng cho mình một con đường nuôi dạy con khoa học và tràn đầy yêu thương. 
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu 1
Chị Hải Âu và con gái Minh Khuê.
Tháng 12/2013, Lã Hồ Minh Khuê - con gái của nhà báo Hải Âu trở thành một trong số rất ít học sinh Việt Nam được nhận học bổng lớn từ ĐH danh tiếng Harvard (Mỹ). Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, Minh Khuê còn thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác với một chương trình hòa nhạc “Giai điệu Mùa Hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch mà Khuê là pianist và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác…
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu.
Chị nghĩ rằng, các bà mẹ đừng nên quá lo lắng mà nhầm tưởng về các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Theo chị, "đôi khi, chúng ta, nên nhìn nhận hiện tượng trong cái nhìn "khỏe khoắn" và hợp lý hơn, theo đó, nên gọi là "trầm cảm sau sang chấn" (bao gồm cả những người mẹ sau khi sinh con). Vì sinh nở là một sang chấn điển hình, nên có thể xảy ra đối với một số sản phụ mà ở họ có những yếu tố tạo nên nguy cơ cao. Đương nhiên, không nên "gieo" vào tâm thức những người mẹ trẻ về một chứng bệnh đáng sợ tự nhiên xảy ra sau sinh với bất cứ ai - điều này không đúng, vì phần lớn phụ nữ sau sinh xoay xở khá tốt mọi vấn đề. 
Hiện tượng trầm cảm có những căn nguyên của nó, bắt đầu từ cơ địa người bệnh kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ như người có dạng thần kinh nhậy cảm, người huyết áp thấp, người mơ mộng... cộng thêm sang chấn (sau sinh, sau ly hôn, sau bội tình, sau phá sản, sau mất người thân...) cộng thêm cả thái độ kém hiểu biết, thiếu hợp tác và thấu hiểu của người thân. Tuy nhiên, quan trọng nhất đó là sự thiếu kỹ năng chống căng thẳng của chính người trong cuộc, họ không biết cách tháo gỡ các vấn đề nội tâm, thay vì khư khư ôm nỗi ám ảnh, hoặc chia sẻ không đúng đối tượng tin cậy, hiểu biết, bao dung và tâm lý, thì càng đẩy sự bối rối vào bế tắc.
Trầm cảm là tâm bệnh, vừa khó lại vừa dễ. Vì thế, để sống an vui, để không bị bóng ma "trầm cảm sau sinh" hù dọa, các bà mẹ cần chủ động trang bị những nhận biết sâu sắc về bản thân, hiểu bản thân, quản lý tốt cảm xúc bản thân thông qua sự nhận biết tâm lý nội tâm, khi đã quản lý được diễn biến tâm trạng - biết an tâm trước hiểu biết vô thường ngoại cảnh, biến cố, biết tự tạo cho mình tâm thế bình ổn, thì bệnh sẽ lui, dù bạn là người nằm trong số nguy cơ cao dễ mắc trầm cảm sau sinh. Hãy suy nghĩ tích cực và hãy dành trái tim với tình yêu vị tha tràn đầy, gỡ bỏ dần cái tôi cực đoan, thì bình tâm sẽ luôn đồng hành, dù trong cơn bão tố."

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua” với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu” để các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email mevabe@afamily.vn. Chân thành cảm ơn.

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này.

Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.
aFamily

trầm cảm sau sinh, bệnh trầm cảm, sinh con, chia sẻ của mẹ, clip, sau khi sinh


      © 2021 FAP
        1,240,258       95