Có bước chân ra thế giới, mẹ mới thấy thương con và các bạn ở nhà, nhất là về cái sự đi học.
Môn học quan trọng nhất là… thể dục
Hàng xóm xung quanh ở đây có rất nhiều trẻ con. Tuổi
đi học từ 4-13 tuổi. Hàng ngày lũ trẻ tan học trước 2h40 chiều. Hễ đi học về đến nhà là chúng ra ngoài trời đùa chơi chạy nhảy suốt đến tận bữa cơm chiều. Lũ trẻ thường chơi bóng đá, bóng rổ, hockey, slide (cầu trượt), swing (xích đu), tranpoline (thú nhún), bơi (ở đây hầu như nhà ai cũng có bể bơi)... tất cả những
trò chơi vận động vui vẻ nhất.
Một bạn nhỏ đang đi xe đạp trước cửa nhà. Ảnh: Thảo Vũ
Mình hoàn toàn không thấy trẻ ở đây phải
đi học thêm hay về nhà phải làm bài tập vất vả. Nếu có thì đó là các lớp học năng khiếu mà bố mẹ tự đăng ký cho con tham gia nếu thấy con có khả năng và yêu thích ở môn nào đó như múa, karate... những môn đều mang tính vận động để phát triển thể chất. Mình có hỏi một mẹ có con 10 tuổi và 12 tuổi là cháu làm bài tập khi nào, thì được mẹ ấy trả lời là hôm có hôm không. Nếu có bài tập thì cháu chỉ làm khoảng 30 phút là hết bài, vì ở lớp cháu làm rồi, chỉ là phần nào chưa xong mới mang về nhà thôi.
Sân chơi của các gia đình luôn có sẵn đồ chơi, thiết bị... để lũ trẻ được chơi đùa thỏa sức. Ảnh: Thảo Vũ
Bé lớn nhà mình 5 tuổi đang học chung trường với các trẻ em hàng xóm ở đây (có độ tuổi từ 4-13). Ở trường các bạn cũng học cũng rất ít. Thời gian học ở trường từ 8h30 sáng đến 2h40 chiều thì trong đó thời gian ăn đã là 2 lần (bữa phụ và bữa trưa), mỗi lần 20 phút. Ngày nào học sinh cũng ra sân ngoài trời chơi, tập thể dục thể thao 1, 2 lần rồi lại đến lớp học gym. Vậy thời gian còn lại học các môn trong lớp thì trẻ ở đây học có bao nhiêu? Tính ra như vậy để thấy trẻ em ở đây học rất ít, rất nhàn. Hơn nữa có học cái gì thì cũng như vừa học vừa chơi, chứ không hề có sự căng thẳng hay áp lực...
Ông bà, bố mẹ luôn dành thời gian để vận động và chơi cùng con. Ảnh: Thảo Vũ
Nghĩ sang các bạn các chị nhà mình ở Việt Nam đang học khổ quá. Chị Bống, chị Chíp, chị Bông, Tôm, chị Zôm... Các chị đã
đi học cả ngày rồi mà hễ tan cái là học thêm học nếm đủ các môn. Về nhà rồi lại làm bài tập đến tận 11h đêm mới hết bài và được đi ngủ. Học hành lúc nào cũng bị áp lực, mệt mỏi, không có thời gian chơi như một đứa trẻ bình thường, muốn được chơi mà không biết chơi vào lúc nào.
Lũ trẻ lúc nào cũng được chơi đùa hết mình. Ảnh: Thảo Vũ
Chị Bống ở nhà bên cạnh mới 4 tuổi đã bị đi
học luyện chữ đẹp, đã biết hết mặt chữ. 5 tuổi thì chị ấy như đã hoàn thành mọi cái, viết thành thạo và điêu luyện, chữ thì đẹp ngang cô giáo, học toán cũng giỏi... Mình đã hỏi một mẹ Tây hàng xóm vấn đề này, mẹ ấy bảo "Ôi dồi ôi, ở đây trẻ 5 tuổi
đi học mà viết được vài chữ cái và viết được tên mình là quá nhiều cho một đứa trẻ rồi, không cần phải lo học nhiều quá đâu, tuổi này chỉ chơi và vận động thôi".
Trẻ con luôn về nhà với bộ quần áo… bẩn thỉu nhất
Cũng cần nói thêm rằng, ở đây khu vực mình ở nhà ai cũng có bể bơi và sân vườn trước, sân vườn sau dù to hay nhỏ. Sân nhà nào cũng có gần như đầy đủ các trò cơ bản cho trẻ vận động như gôn bóng, bóng rổ, xích đu, xe đạp, scooter... để con trẻ có thể vận động thỏa sức hàng ngày.
Sau 1 ngày vui chơi thì đứa trẻ nào quần áo cũng nhem nhuốc. Mình có lần lỡ miệng bảo bé con 8 tuổi nhà hàng xóm là muốn làm cái hầm để bò thế thì phải trải cái thảm kia lên khỏi bẩn quần áo. Bạn nhỏ đó trả lời: "Không ạ, mẹ cháu bảo là cứ chơi đi, bẩn quần áo chỉ là chuyện nhỏ".
Có lẽ hàng ngày được vận động nhiều và thoải mái như vậy nên trẻ ở bên này chơi và nghịch rất hăng say và hết mình. Lũ trẻ đã chơi là chơi hết mình, chơi hết năng lượng thì thôi. Bố mẹ thì không có kiểu theo dõi chặt chẽ khi con chơi để nhắc nhở những câu như "cẩn thận kẻo bẩn quần áo", "chạy nhảy ít thôi kẻo ngã" như các mẹ nhà mình vẫn hay nhắc con. Họ không quá theo sát con. Lỡ con có bị ngã, va chạm bị đau thì họ bảo không sao hết, lần sau nó sẽ tự rút ra kinh nghiệm thôi, để con trải nghiệm và tự rút kinh nghiệm, tự nhớ là cách bố mẹ ở đây hay dùng.
Mình rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn nhỏ ngã trày da tróc vảy, hay đứt tay chân, bầm dập... đều không hề khóc lóc mà chỉ tự xít xoa tí rồi lại quên. Điều này chính là do cách phản ứng của bố mẹ lên đứa trẻ. Họ thấy con ngã thì hoan hô và động viên con tự đứng lên để làm cho con mạnh mẽ và thấy việc ngã đau là chuyện nhỏ, chứ không hề có chuyện xuýt xoa chạy sang vỗ về ôm ẵm để cho đứa trẻ không đau mà cũng muốn khóc vì thấy đuợc quan tâm và tưởng là đau thật...
Một điều đặc biệt mà mình rất ấn tượng nữa là các bố mẹ ông bà ở đây đều cố gắng sắp xếp thời gian để
chơi với con khi có thể. Có thể nhìn thấy thường xuyên cảnh cả nhà mỗi người một xe đạp đạp thành 1 hàng từ bé lít nhít 2, 3 tuổi đến ông bà tóc đã bạc để cùng dạo chơi hay đi đâu đó. Đó là một cách đơn giản nhất mà các bố mẹ ở đây làm để vừa có thời gian cả nhà vui vầy bên nhau, vừa dạy con yêu thích vận động cơ thể.
Bài viết trên đây là những chia sẻ của một mẹ Việt đang sống và làm việc ở Canada về những điều mà chị quan sát được trong cách nuôi dạy con của các bố mẹ ở đây.
Nếu bạn cũng là một mẹ Việt ở nước ngoài, bạn có những trải nghiệm về việc cho con đi học, bạn có cơ hội quan sát cách dạy con của cha mẹ các nước mà bạn đang sống hay được học hỏi cách cho con ăn dặm của họ, cách họ chơi với con.... hãy chia sẻ về email mevabe@afamily để được hưởng nhuận bút đặc biệt và trở thành CTV thân thiết của chuyên mục Mẹ&Bé. |