Mẹ & bé

"Trầm cảm sau sinh, đã có lúc tôi muốn chết"

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của một bà mẹ về hội chứng trầm cảm sau sinh cùng quá trình điều trị gian nan của cô ấy để vượt qua và thấu hiểu cùng các bà mẹ.

Trầm cảm sau sinh là một bệnh CÓ THẬT nhưng vẫn chưa được nhiều người nhận thức đúng đắn để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời nên đã để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Mới đây nhất là sự việc người mẹ sát hại con 4 tháng tuổi vì trầm cảm sau sinh khiến rất nhiều người đau lòng. 

Dưới đây là những tâm sự kể về chứng trầm cảm sau sinh của một bà mẹ đang sống ở Mỹ - Cô Kelly được chia sẻ trên Pacific Post Partum Support Society (Hội hỗ trợ những bà mẹ sau sinh khu vực Thái Bình Dương). Cô đã ghi lại hành trình đầy khó khăn và nghị lực để vượt qua chứng trầm cảm sau sinh của mình. Đã có lúc muốn chết và không muốn nhìn thấy con... nhưng bằng nghị lực, tình yêu và sự giúp đỡ của chồng, cô đã vượt qua tất cả. Kelley hiện đang sống cùng chồng và con gái ở Vancouver, Canada.

"Tôi đã luôn phải đấu tranh với chứng trầm cảm. Đó là bệnh di truyền trong gia đình tôi và lúc 14 tuổi, bác sĩ đã chẩn đoán tôi bị mắc bệnh trầm cảm. Tôi đã phải kiềm chế nó bằng cách dùng rất nhiều loại thuốc. Khi chồng tôi và tôi bắt đầu nói chuyện về việc có con, tôi quyết định mang thai mặc dù biết rằng nguy cơ trầm cảm sau sinh sẽ làm bệnh tình của tôi thêm trầm trọng.
Chúng tôi gặp một chuyên gia trước khi tôi mang thai và quyết định rằng tôi sẽ được điều trị bằng một liều thuốc chống trầm cảm thấp, an toàn trong suốt thai kỳ. Khi con gái tôi sinh ra, tôi cảm thấy sự biến động nội tiết tố, căng thẳng và mệt mỏi, nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Sau 3 tháng, chứng bệnh trầm cảm của tôi đỡ hơn một chút. Và sau 6 tháng, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng chứng bệnh trầm cảm sau sinh chỉ đến khi con gái của tôi được 9 tháng tuổi, và cũng trùng với thời gian bắt đầu cai sữa. Tôi cảm thấy như tôi đã thay đổi chỉ qua một đêm.Tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm với việc đó. Tôi không thể ngủ được. Tôi không thể ăn. Tôi thực sự thấy ngứa ngáy, khó chịu và cứ đi lòng vòng trong phòng.
Tôi không thể thở và không thể ngừng khóc. Tim tôi đập nhanh và tôi không thể ngồi yên. Tôi không thể ở cùng phòng với con gái, không phải vì tôi sợ làm tổn thương con bé, mà là vì tôi không thể bình tĩnh và không muốn cô bé thấy tôi như vậy. Cảm giác ấy hoàn toàn đột ngột. Tôi thậm chí nghĩ rằng tôi cần phải chết, như vậy chồng và con gái tôi sẽ sống tốt hơn.
Sau khi sinh con, chứng bệnh trầm cảm của tôi càng trở nên trầm trọng. (Ảnh minh họa)
Cơn trầm cảm sau sinh đến với tôi từ rất sớm vào buổi sáng, khi tôi phải nhảy ra khỏi giường vì cảm thấy như mình không thể thở được. Tôi đi ra ngoài, dạo quanh bếp và chồng tôi tìm thấy tôi, cuộn tròn trên sàn nhà trước bồn rửa nhà bếp, đang thổn thức khóc. Tôi nói với anh ấy tôi không muốn sống. Ngày hôm đó, tôi đã đi đến một phòng khám chăm sóc khẩn cấp và đã được bác sĩ cho điều trị bằng một liều cao thuốc chống trầm cảm, cùng với một loại thuốc để giảm bớt sự lo lắng, và một loại thuốc ngủ. Tôi được hẹn kiểm tra lại với bác sĩ gia đình một tuần sau đó, và tôi còn nhớ lúc đó tôi thậm chí đã nghĩ rằng có thể tôi sẽ không thể sống được thêm một tuần.
Thật may mắn, tôi được kết nối với một chương trình thông qua các bệnh viện chuyên về trầm cảm và lo lắng sau sinh. Tôi gặp một bác sĩ tâm thần và bắt đầu tham gia một nhóm hỗ trợ hàng tuần với các bà mẹ khác, những người đã trải qua chứng trầm cảm sau sinh. Chồng tôi hầu như đảm nhiệm hết việc trông con, công việc gia đình và chăm sóc cho tôi. Yêu cầu duy nhất của tôi là anh chăm sóc con gái và chắc chắn rằng cô bé phải khỏe mạnh.
Cuối cùng tôi bắt đầu điều trị ra và điều tôi cần là anh phải chăm sóc con gái của chúng tôi cho đến khi quá trình điều trị kết thúc.
Mỗi ngày tôi đều cố gắng. Tôi đã rất cố gắng để có thể được ra khỏi giường, uống thuốc, tham gia nhóm hỗ trợ, và điều trị chức năng. Tôi muốn mọi thứ tốt hơn trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng tôi cũng biết rằng cách duy nhất để đi đến đích là phải đi qua mỗi ngày. Tôi có một câu châm ngôn: "Cách duy nhất để đến đích là đi hết con đường đó."
Sau quá trình điều trị, tôi cảm thấy tốt hơn và có thể kiểm soát được căn bệnh trầm cảm của mình. (Ảnh minh họa)
Tôi thức dậy một ngày và cảm thấy giống như tôi đang quay trở lại thời kỳ trầm cảm. Tôi nhớ một người nào đó trong nhóm hỗ trợ nói với tôi rằng quá trình điều trị không hề dễ dàng như thế, và điều đó khiến tôi cảm thấy rất thất vọng.
Phục hồi không hề dễ dàng, nhưng tôi cần phải tiếp tục. Đã trôi qua 18 tháng kể từ cái ngày tôi bị trầm cảm nặng nhất. Tôi chỉ biết rằng đã có những ngày tâm trạng tôi rất tốt và những ngày tâm trạng tôi thật tồi tệ.Cuối cùng những ngày tốt đẹp bắt đầu nhiều hơn. Có những lúc tôi cảm thấy bực bội và lo sợ nhưng tôi nghĩ tôi đã đạt được sự tiến bộ và tôi đã luôn luôn đi đúng hướng.
Con gái tôi hiện nay là gần hai tuổi rưỡi. Cô bé là tình yêu của cuộc đời tôi. Vẫn có những ngày tôi phải đấu tranh với chứng bệnh trầm cảm và sẽ luôn luôn là như thế. Khi đó, tôi sẽ áp dụng những gì mà tôi học được qua quá trình điều trị chứng trầm cảm sau sinh. Tôi đã có những ngày tháng thật khủng khiếp, tự mình cô lập trong cảm giác mà mình tạo ra. Nhưng nhóm đã kết nối và hỗ trợ tôi. Tôi vẫn nghĩ về những câu chuyện, tư vấn, và những khoảnh khắc gặp mặt nhóm và những người phụ nữ, và tôi thấy sức mạnh trong đó để vượt qua. Và giờ mọi thứ đã ổn."
(Nguồn: Postpartum.org)
aFamily

trầm cảm, trầm cảm sau sinh, bệnh trầm cảm, chứng trầm cảm, bà mẹ sau sinh


      © 2021 FAP
        1,332,620       406