Những chia sẻ nuôi dạy con của những người nổi tiếng như nhà văn Trang Hạ, Hoàng Anh Tú về những vấn đề nóng của xã hội đã được đông đảo bố mẹ chia sẻ tuần qua.
Giáo dục giới tính cho trẻ từ không tuổi – Facebook Mẹ Tao Bien Wakame
Không nên đợi đến khi con lớn mới quan tâm đến vấn đề
giáo dục giới tính cho con. Ngay từ giai đoạn dưới 1 tuổi, khi con bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình và của người lớn, cha mẹ đã cần cung cấp cho con những kiến thức sơ đẳng nhất về giới tính. Tùy theo độ tuổi của con mà cha mẹ cần tìm ra cách đề cập đến vấn đề phù hợp.
Trong bài
chia sẻ này, mẹ Tảo Biển Wakame đã đưa ra các câu trả lời cho các thắc mắc của phụ huynh về vấn đề giáo dục giới tính cho nhóm tuổi từ 0-3 và từ 4 tuổi trở lên. Bài viết với những câu trả lời súc tích, đúng đắn, có thể sẽ là một hướng dẫn tốt cho các phụ huynh vẫn còn mù mờ về việc giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn bé.
Ảnh chụp màn hình chia sẻ của tác giả.
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp nhất mẹ Tao Bien Wakame giải đáp trong chia sẻ của mình:
"Để nuôi con khoẻ mạnh, phát triển toàn diện và có thể bảo vệ con khỏi những tội phạm liên quan tới sex, giới tính... thì bố mẹ phải chuẩn bị tư tưởng một cách cơ bản như thế nào?
Trong vấn đề giáo dục con, thì việc dạy con tiếp xúc với người khác, dạy con tin tưởng người khác, dạy con phân biệt người tốt kẻ xấu là điều cần thiết. Việc tin người và việc phân biệt người tốt kẻ xấu không có gì là mâu thuẫn với nhau. Những đứa trẻ mà sẵn sàng tin người lạ ngược lại rất đáng lo. Trẻ trở lên như thế phần nhiều là do lỗi giáo dục của người lớn.
Bố mẹ cần phải dạy cho con biết rằng: Có người tốt thì cũng phải có kẻ xấu, không phải ông nào bà nào cho kẹo cũng là người tốt. Để trẻ có thể phân biệt được, thì bố mẹ cần thiết phải dạy cho trẻ cách nhìn nhận và phân biệt: thế nào là tốt, thế nào là xấu, thế giới bên ngoài ra sao, và bước đầu tiên của việc đó chính là từ việc dạy cho trẻ về cấu tạo của cơ thể."
Nói với con về bài học “trả phí với những thứ miễn phí ở đời” - Facebook nhà văn Hoàng Anh Tú
Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang sục sôi về
thảm họa xảy ra ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội. Nhân câu chuyện về sự miễn phí ấy, nhà văn Hoàng Anh Tú đã chia sẻ một bài viết về cách anh dạy con gái "trả phí với những thứ miễn phí ở đời", kể cả tình yêu thương của cha mẹ.
Anh cũng dạy con gái về giá trị con người, về lòng tự trọng của mỗi người để biết được gía trị của mình là gì cũng như học được cách trả phí sòng phẳng với cuộc đời.
Ảnh chụp màn hình chia sẻ của tác giả.
Trong chia sẻ của mình, nhà văn Hoàng Anh Tú viết: "Thế nên việc bố dạy các con trong cuộc đời không có gì là miễn phí không phải là các con không tin vào sự miễn phí mà chỉ là biết giá trị của mình đến đâu? Và học cách trả phí sòng phẳng hơn!... Bởi vì, ngay với những cái like trên Facebook cũng không phải là miễn phí!
Nếu con không biết giá trị bản thân mình thì những cái like ấy sẽ khiến con ảo tưởng sức mạnh. Trong nhiều trường hợp đã thấy trên Facebook: nhiều cô gái sẵn sàng hở nhiều nhất để câu like. Bởi giá trị của họ tính bằng số like. Còn với người hiểu giá trị của mình, họ sẽ biết họ cần phải sống tốt đẹp hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa với những quan tâm đó!
Hãy học cách trả phí trước khi nhận đồ miễn phí! Bằng không khi chưa học được cách trả phí, rất có thể các con sẽ phải trả giá với những gì các con được nhận miễn phí trong đời!”
3. Niềm tin của bố mẹ là “liều thuốc” tự tin của con - Nhà văn Trang Hạ
Nhà văn Trang Hạ đã kể một câu chuyện về một cậu bé học sinh lớp 7 có người bố rất oai hùng nhưng lại là một cậu bé vô cùng nhút nhát và sợ người khác. Dù được bố cho đi học võ, cậu bé vẫn không cải thiện được sự sợ hãi của mình. Hóa ra nguyên nhân sâu xa là vì bị người lớn trong gia đình so sánh và chửi mắng là kém cỏi. "Mỗi ngày bố nó đều kèm chặt nhưng càng kèm chặt thì con càng yếm thế." Sau đó, cậu bé biến chuyển, tự tin lên nhiều nhờ đã tìm được đúng người để chia sẻ và tâm sự cũng như gia đình đã chịu để cậu tự lập hơn nhiều.
Ảnh chụp màn hình chia sẻ của tác giả.
"Vậy vấn đề là, bố mẹ ở bên con và chăm con bao nhiêu cũng là chưa đủ, nhưng nếu không vứt con ra xã hội, cho con tự giao tiếp, tự nói lên mình nghĩ gì, tự để ý thái độ người khác, tự lựa chọn thái độ cho mình và ứng xử v.v... thì không khéo, lợi bất cập hại. Một sàng khôn của bố mẹ chưa chắc đã vào đầu trẻ bằng một sàng khôn ngoài đường.
Bố mẹ có thể sợ con mình ra đường sẽ bị bắt nạt, gặp người lạ sẽ bị ăn hiếp, chơi ngoài trời bẩn thỉu sinh bệnh lây lan tật xấu, tiếp xúc với người khác sẽ mắc tật chửi tục, ra ngoài dính mưa là ốm... Nhưng nếu không cho con ra ngoài xã hội, thoát khỏi cái bóng của bố mẹ, thì chắc gì con đã khôn lớn và vui vẻ được?"