Mẹ & bé

5 ngôn ngữ tình yêu dành cho con

Tình yêu là một khái niệm trừu tượng nên trẻ không thể nhìn thấy nó như món đồ chơi hay cuốn sách. Làm sao để con cảm nhận được tình yêu của bố mẹ?

Theo các tác giả Gary Chapman và Ross Campbell - người viết cuốn sách 5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em, con bạn có thể cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ qua 5 cách: Cử chỉ âu yếm, lời động viên, thời gian chia sẻ, quà tặng và sự tận tụy.
Nếu gia đình bạn có nhiều con, rất có thể mỗi em sẽ có một ngôn ngữ tình yêu khác nhau, cũng giống như việc chúng có tính cách khác nhau vậy. Nói cách khác, mỗi trẻ em cần được yêu thương theo một cách thức riêng.
Ngôn ngữ tình yêu 1: Cử chỉ âu yếm
Những vòng tay ôm và những nụ hôn là cách biểu hiện thông thường của ngôn ngữ tình yêu này, qua đó, con cảm nhận được tình yêu của cha mẹ. Cũng tương tự như vậy khi một người cha nhấc bổng con xoay vòng trong không trung, hay khi con được nằm trong lòng mẹ nghe mẹ đọc truyện.
Đây là ngôn ngữ tình yêu dễ sử dụng nhất vì nó không đòi hỏi phải chờ những địp đặc biệt. Nghiên cứu cũng cho thấy những em bé thường xuyên được cha mẹ âu yếm, ôm hôn sẽ phát triển đời sống tình cảm lành mạnh hơn những đứa trẻ bị bỏ rơi mà không nhận được tín hiệu của tình yêu thương.
Ngoài nhu cầu được cha mẹ yêu thương, trẻ còn cần nhận được cử chỉ âu yếm từ ông bà, cô chú, thầy cô giáo và những người có vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ.
5 ngôn ngữ tình yêu dành cho con
Trẻ em cần biết rằng mình luôn được yêu thương mới có thể cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Ảnh minh họa: Internet.
Ngôn ngữ tình yêu 2: Ngôn từ yêu thương
Ngôn từ yêu thương là bảo vật đối với trẻ và theo trẻ đến cuối cuộc đời,đem đến cho trẻ cảm giác bình an và tự hào. Dù những lời nói nhanh chóng qua đi nhưng dấu ấn để lại trong lòng trẻ rất sâu sắc.
Ngôn từ yêu thương bao gồm:
- Nói với con rằng “Cha mẹ yêu con”
- Ghi nhận và khen ngợi khi con có những hành vi đáng trân trọng hoặc nỗ lực để đạt được cái gì đó
- Động viên để con can đảm đương đầu với những khó khăn của cuộc sống; hướng dẫn con một cách tích cực thay vì la mắng.
Ngạn ngữ xưa có câu:  “Lời nói dịu dàng xua tan giận dữ”. Âm điệu ngọt ngào của giọng nói, sự dịu dàng, những tiếp xúc thể chất nhẹ nhàng đều là những biểu hiện của tình yêu mà trẻ em dễ dàng cảm nhận được. Cha mẹ hãy luyện tập để có thể nói năng nhẹ nhàng với con, nói với con những lời yêu thương, động viên. Để được như vậy, bản thân cha mẹ cũng phải khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, cố gắng làm cho bản thân thư giãn và hạnh phúc. Khi đó, chúng ta dễ dàng hơn để nói những lời ngọt ngào với con và người khác.
Ngôn ngữ tình yêu 3: Thời gian chia sẻ
Nhiều đứa trẻ ôm lấy chân mẹ mè nheo mẹ chơi với mình trong lúc mẹ nấu ăn. Dù mẹ gạt ra thì con vẫn tìm cách nài nỉ. Các con chỉ cảm thấy được yêu khi nhận được sự chú ý trọn vẹn của mẹ, được mẹ dành thời gian cho mình. Trong những trường hợp đó, bố mẹ nên gác công việc lại trong 5 phút, ôm con và chơi với con rồi quay trở lại công việc.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ hành động sai trái chỉ để khiến bố mẹ chú ý đến mình, mong muốn bố mẹ ở bên mình nhiều hơn.
Thời gian chia sẻ chính là thời gian bố mẹ cho con sự chú ý tuyệt đối của mình. Thời gian chia sẻ giúp con cảm nhận được rằng: con là người quan trọng với bố mẹ, bố mẹ rất vui khi ở bên con. Nhiều trẻ em thiếu thốn thời gian bố mẹ dành cho mình bởi bố mẹ quá bận rộn, mệt mỏi và căng thẳng với các nhiệm vụ hàng ngày của họ.
Bố mẹ có thể cùng con làm việc gì đó, chơi đùa, đọc sách cho con nghe, chia sẻ cảm xúc và ý nghĩ với nhau, nhìn con bằng ánh mắt yêu thương, trìu mến.
Ngôn ngữ tình yêu 4: Quà tặng
Quà tặng có ý nghĩa là một biểu tượng của tình yêu, nhưng trẻ cũng sẽ rất nhạy cảm với những quà tặng để hối lộ hay mua chuộc để trẻ làm điều gì đó theo ý bố mẹ.
Ý nghĩa của quà tặng không nằm ở giá trị vật chất hay kích thước mà là tình yêu được thể hiện trong đó. Hãy chọn lựa kỹ lưởng để món quà được con yêu thích và có ích với trẻ. Hãy gói quà một cách cẩn thận, trẻ con (và kể cả người lớn) luôn thích cảm giác hồi hộp, thích thú khi mở quà.
Dĩ nhiên, quà tặng không thể thay thế cho cho sự hiện diện của bố mẹ cũng như các ngôn ngữ tình yêu khác như thời gian chia sẻ, lời nói yêu thương... Nhiều  bố mẹ bận rộn, không có thời gian co con, thường xuyên vắng mặt và bù đắp điều đó bằng quà tặng, món đồ đắt tiền. Trong trường hợp này, quà tặng không còn đạt được ý nghĩa chuyển tải tình yêu thương của nó, hoặc khiến trẻ ham mê vật chất, hay đòi hỏi, hoặc khiến con cảm thấy buồn khổ vì thiếu vắng tình yêu thương.
Ngôn ngữ tình yêu 5: Sự tận tụy
Đối với một số trẻ em, sự tận tụy là ngôn ngữ tình yêu cơ bản. Sự tận tụy thể hiện qua sự chăm sóc, những điều bố mẹ làm cho con mình như mẹ nấu cho con bữa cơm ngon, bố sửa cho con chiếc xe đạp. Bố mẹ làm cho cho những điều con chưa làm được và hướng dẫn con làm theo. Khi tận tụy đúng cách, bố mẹ dạy con về niềm vui của sự cho đi, khi chăm sóc và giúp đỡ người khác.
Sự tận tụy cần hợp với độ tuổi của con, như không thể tiếp tục đút cơm hay buộc giây dày cho con khi con đã 6 tuổi. Nếu cha mẹ tận tụy quá mức, làm mọi thứ cho con, sẽ làm thui chột khả năng tự lập của trẻ.
Dù rằng bố mẹ làm mọi việc cho con với tình yêu thương, nhưng đôi khi sự mệt mỏi cáu giận hàng ngày có thể khiến con cảm thấy rằng bố mẹ chỉ làm về trách nhiệm, sự ép buộc. Nếu con cảm thấy bố mẹ giận dữ, coi con là gánh nặng, con sẽ cảm thấy buồn khổ, áp lực. Do vậy, bố mẹ cần chú ý đến cảm xúc và cách biểu hiện của mình để chắc chắn rằng thông điệp yêu thương đang được truyền đi đúng cách.
Khi con cảm thấy được yêu thương và chăm sóc đúng đắn, con sẽ biết cách yêu thương và cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ bố mẹ và những người xung quanh.
aFamily

làm mẹ, dạy con, tình yêu thương, nuôi con, kinh nghiệm nuôi con, kỹ năng làm mẹ, kỹ năng làm bố


      © 2021 FAP
        1,332,818       250