Nhắc lại chuyện đi đẻ lần đầu tiên “sướng như vua”, bà mẹ trẻ Nguyễn Ngọc Nga (32 tuổi) hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng Đức là một trong những nước có phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới.
32 tuổi, đã trải qua hai lần sinh nở nhưng câu chuyện
đi đẻ của Nguyễn Ngọc Nga có phần đặc biệt hơn những bà mẹ khác khi hai lần đi đẻ của cô là ở hai đất nước khác nhau: Đức và Việt Nam. Hai lần sinh con là hai lần Nga đề có những kỷ niệm không thể nào quên. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là lần đầu
vượt cạn nơi xứ người với cảm giác “sướng như vua” vì được tận hưởng dịch vụ chăm sóc cực kỳ chu đáo của bệnh viện Đức và kỷ niệm khó phai khi chồng nhận nhầm… vợ trong phòng đẻ.
Vợ chồng Ngọc Nga và con trai đầu lòng trong thời gian Nga mang bầu con thứ 2.
Đẻ thường sau khi vỡ ối 24 tiếng
Lần đầu tiên sinh nở của Ngọc Nga là cách đây 4 năm khi cô đang học kì cuối Đại học tại Đức. Nga bị nghén nặng nên phải tạm gác lại việc viết luận văn. Đến tháng thứ 4 của thai kì, Nga bắt đầu có những cơn gò sớm,
dấu hiệu sinh non. Tuy vậy, cô vẫn hoàn thành nốt 3 môn học cuối và giữ em bé đến gần thời điểm dự sinh.
“Mình nhớ như in lần cuối đến khám, lúc đó chỉ còn cách ngày dự sinh 28 ngày. Bác sỹ khám xong đã chúc mừng mình vì
nguy cơ sinh non chỉ còn rất thấp, có khả năng em bé sẽ chịu nằm yên đến ngày dự sinh. Khám xong, hai vợ chồng mừng quá về báo ngay với gia đình. Cả nhà vừa cười nói rổn rang vừa đùa rằng mình còn được tranh thủ ăn uống thoải mái thêm 1 tháng nữa trước khi “vỡ chum”. Ăn uống xong, hai vợ chồng về nhà đi ngủ bình thường. Đến 5h sáng, đột nhiên mình bị tỉnh giấc vì thấy người ướt sung, chạy vội vào nhà vệ sinh thì mình phát hiện ra đã vỡ ối. Hai vợ chồng gọi xe cứu thương vào đến viện lúc 5h20 và bắt đầu
hành trình đi đẻ”, Nga kể lại kỷ niệm bất ngờ về lần sinh nở.
Dưới đây là câu chuyện đi đẻ đầy thú vị qua lời kể của bà mẹ trẻ xinh đẹp này:
Sau khi vào viện, mình được nằm theo dõi tim thai và siêu âm trong phòng cấp cứu, chồng mình đi làm các thủ tục. Cứ cách vài phút lại có người vào kiểm tra. Sau khi làm xong thủ tục nhập viện thì mình được đưa vào phòng. Bác sỹ đi theo khám và thông báo là mình đã vỡ ối nhưng chưa mở phân nào, có cơn gò nhưng không phải là đau đẻ và đề nghị nằm theo dõi. Nằm nguyên một ngày không thấy có biểu hiện gì nữa nên mình cũng lo và hỏi y tá thì họ trấn an rằng em bé vẫn ổn. Điện thoại thì kêu liên tục vì gia đình hai bên nội ngoại ở Việt Nam gọi hỏi tình hình. Mọi người rất lo lắng vì mình vỡ ối mà không sinh ngay thì em bé sẽ bị ngạt. Nhưng bác sỹ vẫn khẳng định chưa cần thiết phải mổ, họ khuyến khích mình sinh tự nhiên.
Mình được các bác sỹ, y tá giải thích, hướng dẫn và hỗ trợ tối đa, từ việc chỉ định đi dạo để thúc đẩy quá trình chuyển dạ, khuyến khích chồng đi cùng tạo tâm lý thoải mái, đến việc chuẩn bị một bồn tắm nước nóng trong tiếng nhạc nhẹ du dương để bà bầu thư giãn. Họ lại còn nhiệt tình đi xin kem dưỡng ẩm giúp khi thấy mình ngại ngần sợ tắm nước nóng xong không có kem dưỡng. Sau này, mình tìm hiểu mới biết được tác dụng to lớn của việc sinh thường thuận theo tự nhiên cho cả mẹ và bé, mình cảm thấy vô cùng may mắn trong lần đi sinh "đầu không xuôi nhưng đuôi lọt" này.
Sau 3 tiếng đồng hồ nắm tay chồng đi dạo mệt rã rời, mình được vào phòng nằm nghỉ, vừa nằm vừa suy nghĩ vẩn vơ. Bỗng mình nhìn thấy trên trần nhà có treo 10 cái vòng kích cỡ to nhỏ và màu sắc khác nhau. Mình mới hỏi y tá là những chiếc vòng đó có ý nghĩa là gì, cô ấy trả lời là chúng tượng trưng cho độ mở tử cung. Mình hỏi: vậy tôi đang ở vòng nào. Cô ấy trả lời: Chị đang ở vòng đầu tiên. Trời ơi, 18h tiếng sau khi vỡ ối mà cổ tử cung mới mở 1cm!
Hình ảnh Nga thời mang bầu con trai đầu tại Đức.
Đến 12h đêm tình hình vẫn chưa có tiến triển. Mình được tiêm một mũi “kích đẻ” như vẫn hay nói đùa với mọi người khi kể lại. Chỉ đến khi tắm nước nóng xong thì mình mới thực sự đã thấm đau. Vừa lau người vừa run rẩy bôi kem mà mồ hôi toát ra đầm đìa. Lúc đó mình nghĩ “thế là biết đau đẻ rồi đây!”. Nhưng khổ nỗi là cổ tử cung vẫn chỉ mở từng phân một chậm chạp mà các cơn đau cứ tăng dần lên. Y tá khuyên mình đi nằm nghỉ để lấy sức. Nhớ lúc y tá chuẩn bị phòng cho mình, có hỏi chồng mình sẽ ở lại cùng không để họ chuẩn bị thêm một cái giường nữa thì chồng mình ngập ngừng hỏi: "hay anh về xem Bentley và Bella (tên 2 em cún ở nhà – PV) thế nào, khi nào em chuẩn bị sinh thì gọi anh".
Y tá khi nghe nói vậy đã bật cười nói: "quan trọng là lúc đau có chồng bên cạnh để chia sẻ động viên chứ đến lúc gần sinh gọi điện thoại báo thì vào đến nơi vợ đã sinh xong rồi". Nghe thấy có lí nên anh ở lại và... ngủ. Cả quá trình mình đau bụng, đi đi lại lại tập theo cách đã được học ở lớp tiền sản, thở nông thở sâu... chồng không hề hay biết gì.
Đến khoảng 4h sáng, y tá phát hiện mỗi lần mình có cơn gò thì nhịp tim em bé giảm còn một nửa. Lo ngại em bé phát tín hiệu báo có vấn đề, bác sỹ chuyển mình sang phòng sinh để họ kiểm tra. Thế là đã đến lúc lên bàn đẻ!
Mình thấy bác sỹ dùng một chiếc kim to dài để chích một ít máu trên đầu em bé để kiểm tra xem con có bị thiếu oxy không. Lúc đó bác sỹ đã nhìn thấy đầu của em bé rồi, thế mà vừa quay người đi lấy cái kim, quay lại đã không thấy đâu nữa. Bác sỹ nói đùa là anh chàng này nhát gan quá, chắc biết bác sỹ sắp sờ đến mình nên trốn mất. Kiểm tra xong là khoảng hơn 5h. Đến khi chồng vào cùng thì gần 6h sáng. Lúc này cơn đau đến dồn dập hơn.
Cổ tử cung đã mở đến 4cm và nhịp tim em bé tiếp tục giảm theo mỗi cơn gò của mẹ. Đúng 6h kém 5, bác sỹ tiêm mũi đầu tiên vào cột sống của mình để chuẩn bị mổ. Chồng mình vừa đọc xong giấy tờ và chuẩn bị ký đồng ý sinh mổ thì y tá trưởng bước vào. Ngay lập tức, bà nói: có thể sinh thường và động viên mình giữ sức để rặn mỗi khi cơn gò đến. Bà liên tục nói: “tốt lắm, chị làm rất tốt”, “sắp đến đích rồi, cố một chút nữa thôi”… Cứ thế, theo sự hướng dẫn và động viên của bà thì đúng 6h20 phút, em bé chào đời.
Vừa đón em bé và lau khô chất nhầy, y tá chúc mừng hai vợ chồng và đưa con để chồng mình cắt dây rốn. Đây là giây phút hạnh phúc thiêng liêng nhất cuộc đời mình. Mình không còn nghĩ đến cơn đau và trong giây lát quên cả quá trình hơn 20 giờ đồng hồ vừa trải qua. Hai mẹ con được skin to skin ngay trong lúc bác sỹ khâu vết rạch. Hình như được ôm con mà mình không hề thấy đau mặc dù bình thường rất nhát. Sau đó con được y tá lau người sạch sẽ và cân đo. Cân nặng của con chính xác như khi siêu âm lúc mới vào viện. Con được bú sữa non ngay trên bàn đẻ. Xong xuôi thì họ đẩy hai mẹ con về phòng.
Vợ chồng Nga hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Chồng nhận nhầm... vợ và dịch vụ “sướng như tiên” của bệnh viện Đức
Trong số những kỷ niệm về lần
sinh nở đầu tiên, Nga vẫn bật cười khi nhớ lại “sự cố” tai hại khi chồng nhận nhầm vợ người khác trên bàn đẻ.
“Khi mình chuyển vào phòng đẻ, chồng mình vẫn ngủ. Lúc đang nằm trên bàn đẻ thì mới thấy y tá dẫn chồng vào, mặt mũi bơ phờ, ngái ngủ. Sau này chồng có kể lại “giai thoại” tìm vợ mà thấy thê thảm. Hóa ra là chồng ngủ dậy không thấy vợ đâu, tưởng vợ đi đẻ rồi mới lò dò đi tìm. Đến trước cửa một phòng sinh, nghe thấy tiếng Việt Nam thều thào: “ối mẹ ơi, con chết mất”, “cứu con”… lại luống cuống nghĩ là vợ nên yêu cầu y tá dẫn vào. Vào đến nơi, mới nhìn thấy chị sản phụ đang nằm từ bụng trở xuống đã xông tới định nắm tay. Đến khi ngó lại mặt thì hóa ra là vợ… người khác. Sau này mới biết chị này đi sinh con một mình vì chồng đi làm ca chưa về mà cũng tình cờ là người Việt nên mới nhầm tai hại”, Nga kể.
Đến nay, khi con trai lớn đã được 4 tuổi, cả gia đình cũng đã về Việt Nam sinh sống nhưng Nga vẫn vô cùng hài lòng về quãng thời gian bầu bí và sinh nở thuận lợi khi còn ở Đức. Bà mẹ trẻ này hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng Đức là một trong những nước có phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Nga nhận xét: người Đức hơi lạnh lùng nhưng khi làm việc lại rất trách nhiệm. Khi nằm viện, Nga được xếp cùng phòng với một sản phụ người Việt.
Lúc đầu, Nga tưởng nhầm rằng phía bệnh viện xếp như vậy vì người Đức không thích nằm cùng phòng với người Việt vì sợ ồn ào. Người Việt Nam và người Thổ Nhĩ Kỳ có thói quen đi thăm người nằm viện giống nhau: người nhà vào thăm đông, nói to, hay mang đồ ăn vào tiếp tế. Trong khi người Đức họ muốn yên tĩnh và không muốn làm phiền. Sau này Nga mới biết họ cố tình xếp sản phụ đó cùng phòng với mình vì Nga giao tiếp tiếng Đức trôi chảy, có thể phiên dịch giúp sản phụ kia trong trường hợp không hiểu bác sỹ nói gì.
Vợ chồng Ngọc Nga hiện đã có 2 nhóc tì vô cùng đáng yêu.
Lấy bản thân mình làm ví dụ, Nga cũng chia sẻ rằng cô rất ấn tượng về chất lượng các dịch vụ sinh đẻ tại đất nước này: “Toàn bộ quá trình từ khám thai, đến gọi xe cứu thương, vào viện, sinh con... quần áo sơ sinh, tã giấy, khăn... nói chung là tất cả những đồ dùng phục vụ cho mẹ và bé khi ở trong viện, 3 bữa ăn hàng ngày, trà, nước nóng... đều hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, còn có một hộ lý đến tận nhà tư vấn từ lúc mang thai đến khi sinh con, hướng dẫn cách chăm con cho đến khi nào em bé cứng cáp và bà mẹ cũng đã có kinh nghiệm nuôi em bé. Tất nhiên, mình cũng hoàn toàn không phải trả bất cứ một chi phí nào cho việc này vì trước đó mình đã đóng bảo hiểm sức khỏe theo diện sinh viên”.