Mẹ & bé

"Cận cảnh" 3 giai đoạn của quá trình sinh nở mẹ bầu cần biết

Vượt cạn là một cuộc hành trình đầy đau đớn nhưng vô cùng kỳ diệu khi vào cuối quá trình sinh nở, bạn sẽ được đón một thiên thần nhỏ chào đời.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu khám phá một cách rõ ràng và chi tiết 3 giai đoạn quan trọng nhất của quá trình sinh nở.


Ba giai đoạn của quá trình sinh nở.

1. Giai đoạn 1 - Chuyển dạ

Giai đoạn chuyển dạ sớm:

Các cơn co thắt diễn ra một cách đều đặn, cổ tử cung của bạn bắt đầu mở dần dần. Đây là lúc bạn chính thức bước vào quá trình sinh nở thực sự. Nếu bạn chuyển dạ đột ngột từ không có cơn co thắt nào sang co thắt liên tục thì lúc này sẽ rất khó để dự tính xem khi nào bạn sẽ sinh. Tuy nhiên, nếu chưa đủ 37 tuần và bạn thấy xuất hiện những cơn co thắt hoặc một số dấu hiệu chuyển dạ, đừng đợi để theo dõi tiến độ co thắt tiếp theo là gì, nên gọi cho bác sĩ của bạn hay nhập viện ngay lập tức để xác định xem bạn có nguy sơ sinh non hay không.

Giai đoạn chuyển dạ bắt đầu khi cổ tử cung giãn ra khoảng 4cm và các cơn co thắt bắt đầu dồn dập hơn.

Với lần đầu sinh con, giai đoạn này có thể mất từ 6 đến 10 hoặc 12 tiếng, thời gian có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tuỳ từng sản phụ. Nếu cổ tử cung đã mở tốt hay đây không phải là lần sinh đầu tiên của bạn thì thời gian có thể rút ngắn đi nhiều.

Giai đoạn chuyển dạ tích cực:

Cổ tử cung giãn nở thêm 4-7 cm. Đây là lúc chuẩn bị cho việc sinh thường nên bắt đầu. Các giai đoạn của sự giãn nở kéo dài khoảng từ 3-6 tiếng với các mẹ sinh con lần đầu tiên, bạn có thể cảm thấy các cơn co thắt dữ dội và dần dần, mỗi 3-5 phút.

Giai đoạn chuyển dạ siêu tích cực:

Đây là chu kỳ cuối của chuyển dạ tích cực, giai đoạn này diễn ra từ 20 phút đến 2 tiếng. Khi cổ tử cung nở được 8 đến 10cm, bạn sẽ bước vào kỳ chuyển tiếp. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất của quá trình sinh nở. Các cơn co thắt chuyển dạ diễn ra rất mạnh, cứ hai phút rưỡi đến ba phút một lần và mỗi lần kéo dài một phút hoặc hơn. Bạn có thể bị buồn nôn, cơ thể run rẩy và mệt mỏi cùng với hiện tượng nóng rát hoặc ngứa ở vùng âm đạo.

2. Giai đoạn 2 – Sinh nở

Kỳ cuối của giai đoạn chuyển dạ với những cơn co thắt mạnh cứ 5 phút một lần, mỗi lần 60 giây và dồn dập hơn trong suốt 1 tiếng. Vào thời điểm này, cổ tử cung của bạn sẽ giãn nở nhanh hơn cho đến khi nó giãn ra hoàn toàn khoảng 10cm.

Khi bắt đầu vào giai đoạn thứ 2 của quá trình sinh nở, các cơn co thắt có thể giãn ra một chút cho bạn cơ hội để dồn sức vào phút cuối. Ở giai đoạn này, với sản phụ sinh con lần đầu sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng. Cổ tử cung giãn hoàn toàn, bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội ở vùng đáy xương chậu và âm đạo.

Sự di chuyển xuống dưới của bé có thể diễn ra nhanh chóng ở giai đoạn cuối của quá trình sinh nở. Tuy vậy, đối với việc sinh con lần đầu, việc này diễn ra chậm hơn. Nếu bạn tích cực rặn, tự nhiên sẽ gây sức ép làm cho bé tiếp tục di chuyển xuống dưới. Thời điểm này nếu bạn gặp khó khăn thì bác sĩ có thể đề nghị rạch một đường nhỏ ở khu vực giữa âm đạo và trực tràng để mở rộng đường cho em xuống một cách dễ dàng.

Sau một khoảng thời gian, đáy xương chậu của bạn, phần mô giữa âm đạo và trực tràng bắt đầu phình ra cùng mỗi lần rặn đẩy. Không lâu sau đó, đầu của em bé sẽ lộ ra ngoài – đây là một khoảnh khắc tuyệt vời và cũng là dấu hiệu cho thấy quá trình sinh nở đã sắp kết thúc.

Đầu em bé vẫn tiếp tục đi xuống phía dưới cùng mỗi lần bạn dùng lực rặn đẩy bé xuống cho đến khi đầu bé lọt ra ngoài. Bác sĩ sẽ kéo bé ra dần dần rồi lần lượt hút chất nhầy trong mũi và miệng cho bé. Tiếp đó, họ kiểm tra dây rốn có quấn cổ bé hay không, nếu có, bác sĩ sẽ kéo nó qua đầu bé hoặc kẹp và cắt khi cần thiết. Đầu của bé sẽ quay sang một bên khi vai bé bắt đầu xoay bên trong xương chậu của bạn để chuẩn bị đi ra. Với cơn co thắt tiếp theo, bạn sẽ được hướng dẫn để dùng lực đẩy lúc vai bé ló ra, rồi đến cơ thể của bé được đẩy ra ngoài. Quá trình sinh nở đã hoàn tất!



3. Giai đoạn 3 – Sau khi sinh

Giai đoạn này kéo dài khoảng 5 đến 10 phút. Vài phút sau khi sinh, tử cung của bạn bắt đầu co thắt một lần nữa để tách nhau thai ra khỏi thành tử cung. Khi bác sĩ thấy có dấu hiệu bóc tách này, họ sẽ yêu cầu bạn rặn nhẹ để tống nhau thai ra ngoài. Việc này thường chỉ cần một cú đẩy ngắn, không khó khăn và có thể chỉ đau nhẹ hoặc bị chuột rút. Sau khi nhau thai được đẩy ra ngoài, tử cung của bạn cần co thắt trở lại và trở nên săn chắc hơn.  Bác sĩ sẽ định kỳ kiểm tra xem tử cung của bạn đã đàn hồi lại chưa. Nếu chưa, bạn cần được mát-xa và xoa bóp.

Hãy cho con bú ngay sau khi bé chào đời càng sớm càng tốt. Cho con bú sớm sau khi sinh sẽ rất tốt cho bé và bạn vì khi đó, cơ thể sẽ được kích thích sản xuất ra oxytocin, một loại hóc-môn có khả năng giúp tử cung co bóp và đàn hồi trở lại.

Và bạn nhớ nhé, hãy thật thoải mái và bình tĩnh trong suốt quá trình sinh nở dù rằng điều này thật khó khăn. Nhưng hoảng sợ và lo lắng sẽ không giúp ích được gì mà chỉ làm bạn thêm căng thẳng, mệt mỏi mà thôi! Hãy nghĩ đến gương mặt của bé yêu, khoảnh khắc kỳ diệu khi lần đầu tiên bạn được gặp bé và nghe thấy tiếng khóc chào đời của bé! Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

(Nguồn: momjunction)
aFamily

      © 2021 FAP
        1,334,298       557