Một cuốn sách vải 100% handmade bằng tất cả trái tim là món quà mẹ Ổi thực hiện như một món quà đặc biệt dành tặng con dù con chưa chào đời.
Lần đầu
làm mẹ, mẹ Ổi cũng như tất cả các bà mẹ khác cảm thấy hồi hộp và mong ngóng con từng ngày. Những cảm xúc ngọt ngào của lần đầu làm mẹ đó, mẹ Ổi dồn vào những món đồ xinh xắn, dễ thương để dành tặng con, trong đó có một cuốn
sách vải rất độc đáo và đáng yêu.
1. Chào mẹ Ổi, vì sao bạn nghĩ đến ý tưởng làm tặng con 1 cuốn sách vải ngay từ khi con còn chưa ra đời?
Trong thời gian mang bầu, bên cạnh việc theo dõi và tìm hiểu các kiến thức
dinh dưỡng cho bà bầu thì mình có tìm hiểu một chút về thai giáo và nuôi dạy trẻ sơ sinh, nhất là từ sau ba tháng đầu hết ốm nghén, mình hay lang thang các trang web về nuôi dạy trẻ…
Mình phát hiện ra các bạn nhỏ nước ngoài em bé nào cũng sở hữu một quyển "quiet book" (sách vải) do mẹ làm, hoặc đặt mua từ khi con còn rất nhỏ. Gần như đó là một “món đồ phải có” cho các bạn nhỏ trong nhiều năm đầu đời. Lúc đầu mình rất thắc mắc là vì sao chất liệu lại bằng vải mà không phải bằng giấy (rõ ràng cắt dán bằng giấy thì đỡ mất công hơn may khâu bằng vải rất nhiều) và Ổi nhà mình là con trai, vậy có phù hợp với mấy trò vải vóc tỉ mẩn như vậy không (cũng là “quan ngại” của bố Ổi khi nghe mình trình bày là muốn làm quyển sách vải cho con, vì nghĩ chắc là con sẽ không chơi mấy trò con gái vậy đâu).
Tìm hiểu dần thì bản thân mẹ cũng thấy “mê” các
ý tưởng làm sách vải này vì nó có tác dụng khá “tích hợp” đối với việc chơi của trẻ nhỏ (các bé chỉ có "ăn - chơi- ngủ - bắt chước thôi mà), giúp phát triển các giác quan và tư duy của trẻ theo nhiều cấp độ. Ví dụ như tầm 2 tuần tuổi thì các màu sắc cũng có tác dụng nhiều đối với phát triển thị giác của trẻ (có nhiều mẹ làm quiet book cho các bé sơ sinh chỉ là các trang vải hoa nhiều màu ghép lại với nhau); sờ vào một “đồ vật” nhiều hình thù, nhiều đặc điểm khác nhau (sờ vào cúc, sờ vào băng dính gai…) cũng giúp phát triển xúc giác.
Lớn lên chút nữa, các kỹ năng sử dụng cúc bấm, cúc áo, dính băng dính gai… (được sử dụng trong nhiều trang sách vải của mình) cũng là các trò vận động tinh khá cơ bản. Lớn hơn nữa, các trò xếp hình phù hợp về màu sắc, hình dáng; đan long mốt – long đôi; xâu các bông hoa từ 1 đến 10… giúp trẻ phát triển về lo-gic; hoặc đơn giản là giúp khám phá những điều bình thường như gà mẹ ấp trứng – trứng lại nở ra gà con; hoặc đi ô tô trên đường đến đèn đỏ thì dừng lại cho người đi bộ sang đường, hoặc có trang về một hộp dụng cụ của một bác thợ mộc hay những “hiệu ứng” nho nhỏ khiến các bé thích thú như trò câu cá…
Sách vải có ưu điểm hơn hẳn khi làm một quyến sách cắt dán bằng giấy: Bền hơn (con có cấu, xé thì cũng không lo bị nhầu hay rách, cùng lắm mẹ chỉ mất công khâu lại chút thôi); Dễ dùng với nhiều phụ kiện, và do đó dễ tạo ra hiệu ứng (ví dụ như dùng với cúc bấm, băng dính gai…); vải nhiều chất liệu khác nhau cũng có những kích ứng khác nhau tới xúc giác của của con…
Nói chung là nhắc tới "quiet book" mình rất mê, nhất là xem các quiet book của các bạn nước ngoài làm, nghĩ ra được rất nhiều trò hay ho cho các bạn nhỏ. Và mình muốn Ổi nhà mình cũng phải có một quyển do mẹ làm.
2. Thời gian mẹ Ổi làm cuốn sách vải này mất bao lâu? Bố Ổi có giúp mẹ Ổi chút nào không?
Từ lúc mình bắt đầu làm đến lúc làm xong mất hết khoảng 1 tháng, nhưng mình chỉ tranh thủ một chút buổi tối và cuối tuần thôi. Có khi cả buổi tối không làm xong 1 trang, nhưng cứ từng tí từng tí một, cuối cùng cũng xong. (Cười)
Bố Ổi hỗ trợ mình rất nhiều, nhất là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, cứ lắt nhắt mỗi thứ một ít, mà mình thì cả mấy tháng bầu không tự đi xe được. Có hôm gửi email cho bố Ổi 1 danh sách dài bao nhiêu mảnh vải màu này màu khác để bố Ổi đi mua. Trong thời gian làm mình cũng tham khảo ý kiến bố Ổi nhiều. Đến giai đoạn đục oze vào gáy để đóng quyển thì phải nhờ đến bố Ổi rồi.
3. “Thử thách” lớn nhất của mẹ Ổi khi làm cuốn sách này là gì?
Cái băn khoăn lớn nhất của mình khi bắt đầu làm là sợ mất khá nhiều thời gian, sợ không đủ kiên trì, sợ mình không đủ khéo tay… Nhưng vì quá thích nên cứ đâm đầu làm, phát hiện ra chỉ cần tỉ mẩn một chút, không cần khéo tay lắm (mình toàn khâu tay hết); và mỗi hôm làm xong một trang thấy bản thân mình cũng thích thú như trẻ con nên rất thích làm, không hề thấy chán nản tí nào.
4. Mẹ Ổi mong ước khi sinh ra Ổi sẽ là một em bé như thế nào?
Mình chỉ mong Ổi ra đời sẽ cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày, kể cả khi con ăn, tắm, hay chơi đùa. Muốn vậy, bố mẹ phải tương tác con thường xuyên để “hướng dẫn”, chuyện trò và đồng hành với con. Hình như bà mẹ nào cũng mong muốn thế.
5. Điều khiến mẹ Ổi hồi hộp nhất trước khi chính thức làm mẹ và đón Ổi chào đời là gì?
Mọi người bảo “sinh con mới sinh cha mẹ” rất đúng. Mọi thứ đối với mẹ Ổi đều rất mới, đang phải học từng tí một, và đang phải chuẩn bị hành trang tốt nhất. Từ lý thuyết đến thực hành là cả một quãng dài, chỉ mong mình nghiên cứu được 10, sau này áp dụng được 8, áp dụng thành công 6, như vậy là vui rồi.
6. Mẹ Ổi đã “phân công” cho bố Ổi những việc gì để đồng hành cùng mình sau khi con ra đời?
May mắn là bố Ổi là người rất yêu con và không ngại làm việc nhà. Trong thời gian
mang bầu và lúc con mới ra đời, có thể mẹ sẽ là người tương tác trực tiếp với con nhiều nhất, ảnh hưởng nhiều đến phát triển của con, nhưng rất cần chia sẻ của bố, để mẹ đỡ vất vả, và để con “làm quen” với bố. Trừ việc ti mẹ trực tiếp ra, tất cả những việc khác bố đều có thể chia sẻ với mẹ.
Cảm ơn mẹ Ổi và chúc hai mẹ con sẽ "về đích" khỏe mạnh.
Một số hình ảnh sinh động về cuốn sách vải mà mẹ Ổi làm tặng con trai.
Sáng tạo với miếng băng dính gai sẽ giúp các bé có thể chơi trò câu cá thật vui.
Mẹ gà mái đang ấp trứng và trứng nở ra những chú gà con đáng yêu.
Những dụng cụ "cơ khí" bé xíu để bé Ổi học cách trở thành một công nhân thực thụ.