Mẹ & bé

Lý do một ông bố không cho con tiền đi học

Vai trò của bố mẹ là hãy giúp các con nhận ra thứ chúng muốn, và làm việc chăm chỉ để đạt được điều mình muốn, kể cả việc ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Đó là chia sẻ của David T.Fagan, một ông bố của 8 đứa con, cô con gái lớn sắp tốt nghiệp cấp 3, và anh không dành một đồng nào cho con vào đại học. Trái với nhiều phụ huynh, anh Fagan không mặn mà lắm với việc các con đi học đại học. Tám đứa con của anh được bố mẹ khuyến khích bắt đầu việc tự kinh doanh kiếm tiền từ khi còn học tiểu học, và nếu chúng có muốn vào đại học, chúng sẽ phải tự tìm cách trả các chi phí.

Cách dạy con này được vợ chồng T.Fagan chia sẻ trong một cuốn sách sắp được xuất bản có tên Guerrilla Parenting. Định hướng này được Fagan tin tưởng vì chính anh là người đã trải nghiệm nó.

Sinh ra trong một gia đình đông con, không lấy gì làm giàu có, ý thức tự lập của anh Fagan được bố mẹ rèn luyện từ sớm, nếu muốn gì anh sẽ phải tự kiếm lấy. Bươn chải từ khi chưa tốt nghiệp cấp ba, anh Fagan không mấy tin tưởng vào hệ thống giáo dục đại học, anh tin rằng cuộc đời là trường học tốt nhất. Dưới đây là những gì ông bố này chia sẻ về cách dạy con về tiền bạc, cách sống tự lập và những giá trị của trải nghiệm từ sớm.

Lý do một ông bố không cho con tiền đi học 1
Ông bố David T.Fagan và 8 người con. (Ảnh: The Washington Post)

"Tôi là một người sống rất tự lập. Cha mẹ tôi luôn để tôi tự làm rất nhiều việc, kể cả tự kiếm tiền. Năm lớp 11 tôi chán học và quyết định đi làm. Tôi nghĩ  vào tuổi ấy, tôi đã tự làm khó mình nhưng cũng từ đó mà tôi biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và biết cách tự kiếm sống. Vấn đề của nhiều thanh thiếu niên hiện nay là họ dễ bị vỡ mộng. Họ mơ ước, họ có ý tưởng nhưng thay vì được nuôi dưỡng và thử nghiệm chúng lại bị ném sang một bên. Khi cơ hội thực hiện ước mơ đến, họ lại vướng bận quá nhiều thứ khác. Vì thế tôi cho rằng, bọn trẻ cần thử nghiệm mọi thứ từ sớm.

Tôi biết các con mình không đứa nào giống đứa nào nhưng chúng đều cần trải nghiệm. Chúng đã từng học phổ thông tại nhà nhưng phần lớn là tại trường học. Tuy nhiên tôi cho rằng rất nhiều điều bạn không thể học được ở trường, không kể đang có rất nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Tôi đã để con gái đầu học ở nhà sau khi kết quả học ở trường không tốt và giáo viên không biết phải làm gì hơn. Con bé cùng tôi đến văn phòng làm việc, tôi hướng dẫn con bắt đầu kinh doanh và cháu đã kiếm được một khoản nhất định. Sau đó con bé lại quay trở lại trường. Năm nay cháu học lớp 11 và tôi để con tự quyết định bước đi tiếp theo.

So với các bậc cha mẹ khác, tôi nghĩ mình có lợi thế là có thể chỉ dạy cho các con, có thể đặt các con vào nhiều môi trường trải nghiệm khác nhau. Nhưng không có nghĩa là những người khác không làm được.

Cô con gái 13 tuổi của tôi rất có năng khiếu bán hàng. Một lần con bé đến một văn phòng và nói: “Ngày mai cháu sẽ mang bánh tới đây. Có ai muốn ăn không ạ?”. Chiều hôm ấy, nó bán được 30-40 cái bánh. Sau một ngày, con bé kiếm được cả trăm đô. Tôi nhìn thấy tiềm năng kinh doanh của con. Trường học không dạy con bé điều mà tôi cho là con bé cần để phát triển tiềm năng này, nên tôi đã tự dạy con. 

Tôi để các con ý thức về tiền bạc từ rất sớm, từ năm 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi. Vấn đề không chỉ đơn giản tiền là gì, kiếm thế nào mà là cách tư duy về nó. Tôi dạy con tự thân vận động để có được điều mình muốn. Ở nhà hàng, nếu các con tôi muốn yêu cầu gì, chúng sẽ cần tự hỏi người phục vụ. Nếu không tự hỏi, chúng sẽ không có thứ chúng muốn.

Có một vấn đề với các ông bố bà mẹ thành công hiện nay là họ không nỡ để con cái trải qua những gì mình đã trải qua, trong khi chính những điều đó giúp họ thành công. Bằng việc cung cấp mọi điều kiện thuận lợi cho con, không để chúng cố gắng, họ đã gán con mình vào một đời sống tầm thường.

Bạn hãy giúp bọn trẻ nhận ra thứ chúng muốn, và để chúng thực hiện phần việc của mình để có được nó, kể cả việc ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Các con của tôi đều hiểu một điều rằng, nếu chúng muốn đi học đại học, chúng phải tự trả tiền, tôi sẽ không chi tiền cho ai đi học đại học cả. Để làm được, con phải đạt học bổng và các điểm số tốt.

Tôi cho rằng chúng ta đang đặt sai sự quan tâm. Vấn đề không phải là “con phải vào được đại học” mà là “con phải tự lo được cho mình”. Để hướng dẫn bọn trẻ chọn con đường sự nghiệp, tôi sử dụng công thức bản đồ Venn: Bạn vạch ra ba đường tròn mô tả việc bạn thích làm, việc bạn làm tốt và việc người ta sẽ trả tiền để bạn làm, 3 đường tròn này giao nhau ở đâu thì đó chính là nơi bạn có thể thành công. Điều tôi quan tâm là làm sao giúp các con vẽ ra ba đường tròn này. Đại học cũng có thể giúp nhưng nó chỉ là phương pháp, là quá trình, là công cụ, chứ không phải mục đích. Chẳng vì thế mà nhiều người cố sống cố chết vào đại học, ra trường xong lại nằm dài ở nhà, bố mẹ nuôi.

Người ta cho rằng, tốt nghiệp đại học thì cơ hội có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền sẽ cao hơn. Anh vào đại học để được đảm bảo tài chính sau này nhưng nó không đảm bảo niềm hạnh phúc. Sự an toàn không phải là xấu, nhưng chúng tôi (vợ chồng tôi và các con) muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại, chúng tôi không gác lại ước mơ vì lo cho ngày mai. Thêm vào đó nền giáo dục đầy đủ và một công việc ăn chắc mặc bền không có nghĩa là ổn định, mọi thứ đều đang thay đổi. Giáo dục thay đổi, thị trường lao động cũng thay đổi.

Vì thế, để có được hạnh phúc khi bạn có thể trang trải cuộc sống, có nhiều bạn bè, đi du lịch đều đặn và duy trì đam mê, sở thích bạn cần học cách biến kiến thức và trải nghiệm của mình thành giá trị và học cách sống cuộc sống tự mình vẽ nên.

Với tôi, đó mới chính là bài học cuộc sống quan trọng nhất mà các con cần phải học được từ rất sớm".

(Nguồn: The Washington Post)
aFamily

      © 2021 FAP
        1,245,375       402