Mẹ & bé

Bộ phim "Gone girl" và sự hoảng hồn của một người mẹ

Xem phim Gone girl với tâm thế của một bà mẹ, tôi hoảng hồn bởi sự khốc liệt của một cô bé chưa từng bị thất bại và luôn chiến thắng.

Xem phim Gone girl, thấy thông điệp vợ chồng chán nhau sau khi cưới quá bình thường, nhiều phim khác khắc họa cái chán nhau còn ám ảnh hơn hơn Gone girl. Nhưng ở đây, với tâm thế của một bà mẹ, tôi hoảng hồn bởi sự khốc liệt của một cô bé chưa từng bị thất bại, luôn chiến thắng, luôn đứng trên đỉnh của vinh quang, cô bé Amy Huyền Diệu, thông minh, hoàn hảo, tuyệt vời, là con cưng của nước Mỹ và truyền thông.

Quen nếm trái ngọt của chiến thắng, quen là tâm điểm chú ý và tung hô, nên chỉ cần chàng người yêu lơ là, tỏ ý muốn thoái lui là cô nàng đẩy chàng ta vào cảnh lên bờ xuống ruộng, đi tù vì tội hiếp dâm, sống thảm bại suốt cuộc đời. 

Quen được chăm sóc, quan tâm cưng chiều, cô nàng đại học Havard đâu có để yên khi ông chồng nhạt nhẽo dần và có bồ. Với trí thông minh huyền diệu cộng với sự giáo dục hoàn hảo tới chân răng, tới tận cuối phim, chẳng ai, chẳng một cơ quan nào, dù là bà cảnh sát dày kinh nghiệm hay ông luật sư siêu đẳng có thể đánh bại được cô ấy. Chỉ có duy nhất chính cô nàng đánh gục mình!!! 

Thắng tất cả, nhưng thua chính mình. Trọn đời, cô ấy sẽ không có ngày nào sống bình thường vui vẻ, thanh thản và hạnh phúc!

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện tối qua, một chàng trai lớp 4 đòi mẹ cho nói chuyện điện thoại với tôi, giọng chàng vô cùng giòn giã: 

- Cô Hà ơi, trường cháu thi đấu bóng rổ xong rồi. Tụi cháu thắng 1 trận thua 1 trận!

- Woa! Đẹp quá, cô cũng thích thắng 1 thua 1 đấy. Chúc mừng cháu! 

- Tụi cháu thắng tỷ số 12-0, thua tỷ số 0 - 24!
xz
- Ối, Hahahah, vui thế! Chúc mừng nha! 


Chàng hân hoan trao điện thoại cho mẹ chàng, và khi đó mẹ chàng mới kể, một trận thắng trường người ta là đội tuyển nữ, còn trận thua người ta là đội tuyển nam của chàng. Mà chàng cũng chỉ toàn ngồi ghế dự bị, có được sờ tới bóng quái đâu! 

Tỷ số thì hơi thảm, nhưng mà một chàng trai tuyệt vời! Tới bao giờ tôi mới có thể học được cách tuyên bố mình thua cuộc một cách rộn ràng đến thế? 

Bộ phim "Gone girl" và sự hoảng hồn của một người mẹ 1
Cái hay nhất con nhận được từ những cuộc thi đua thể thao là con biết rằng thua hay thắng chỉ là cuộc chơi. (Ảnh minh họa)

Cảm giác thắng và thua, vinh quang và và thất bại, ngọt ngào và cay đắng, đỉnh cao và đáy vực, giàu có và thất nghiệp… luôn tồn tại như đêm và ngày, như hai mặt của một bàn tay, như hai mặt cuả một tờ giấy. Không ai chỉ có thể suôt đời nếm vị này mà không nếm vị kia. Vậy tại sao không tập cho con ngay từ nhỏ? 

Con tôi kể, bạn Quỳnh Nh., học sinh giỏi số 1 của lớp con, luôn luôn từ lớp 1 môn gì cũng đứng đầu. Bạn là ngôi sao hát, ngôi sao múa, ngôi sao học tập. Giờ Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài thường cả lớp chia làm mấy tổ để chơi trò chơi thi đua, những lần tổ bạn Quỳnh Nh. thắng thì bạn ấy nhảy lên la hét "Zê…!Zê…" Còn thỉnh thoảng, tổ khác thắng thì bạn ấy xầm xị mặt xuống, quay sang gièm pha, sỉ vả: “Xí, tổ mày ăn may!”, “Hứt, có gì hay đâu, tổ mày được thầy nhắc mới thắng đó”. Thậm chí tới tận giờ ra chơi bạn ấy vẫn quay sang công kích đội “không may đã lỡ thắng” kia. 

Làm chi vậy? 

Hai nhóc nhà tôi không được học chữ trước khi vào tiểu học. Tôi nín lặng và vui mừng theo dõi con lóp ngóp dưới đáy lớp suốt những tháng đầu tiên cuả lớp Một. Con thua cả lớp, chỉ chiến thắng có chính mình mà thôi. Con chậm hơn cả lớp, chỉ nhanh hơn chính mình ngày hôm qua. Bài học đó thật là tuyệt vời! 

Chính vì thế, tôi nhiệt tình đóng tiền và tập cho con chơi bóng rổ, bơi lội, chạy nhảy. Tôi rất muốn con mê thể thao. Tôi nghĩ, ngoài sức khỏe, thì cái hay nhất nhận được từ những cuộc thi đua thể thao là con biết rằng thua hay thắng chỉ là cuộc chơi. Thua hay thắng chỉ là nhất thời. Tại sao không vui mừng chào đón nó? 

Đáng lo nhất là kiểu học hành vì điểm số, vì thành tích từ nhà trường tới phụ huynh, đang giết chết đi những cảm xúc cân bằng và đẹp đẽ với việc thua cuộc.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,245,434       781