Mẹ & bé

Cha mẹ không nên dạy con "người lạ toàn là kẻ xấu"

Không ít cha mẹ đã gieo vào đầu trẻ suy nghĩ rằng “người lạ toàn kẻ xấu” khiến trẻ nhìn đời bằng ánh mắt đầy nghi ngờ, đố kỵ.

Thạc sĩ Hà Trung Thành (giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM, huấn luyện viên kỹ năng sống) chia sẻ một số kỹ năng giúp phụ huynh trong việc định hướng, trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ mình.

Tất bật với việc mưu sinh, khó thể suốt ngày ở cạnh để bảo vệ con, cha mẹ nên làm gì để trẻ không trở thành “con mồi” của những kẻ xấu, thưa ông?

Để trẻ lớn lên một cách ngay ngắn, không sa vào cạm bẫy, cám dỗ, cha mẹ không nên để trẻ mang nhiều “giá trị” khiến người lạ lợi dụng. Không nên cho trẻ đeo vàng, cầm giữ nhiều tiền, ăn mặc hở hang… Trẻ cần đi với nhiều bạn, với người lớn, không đi một mình, nhất là những chỗ tối, vắng. Trẻ thích được cho tiền, quà bánh sẽ dễ “mắc câu” vì những kẻ có ý đồ xấu luôn dùng “mồi nhử”.

Theo ông, kẻ xấu mang “gương mặt” thế nào?

Mỗi người có những "chiêu" khác nhau, tuy nhiên, kẻ xấu thường có điểm chung là luôn nói lời ngọt ngào, thái độ xởi lởi, nắm bắt tâm lý rất nhanh, dành nhiều thời gian để lân la, trò chuyện hòng đưa trẻ vào tròng. Họ tuy lạ với trẻ nhưng trẻ không hề lạ trong mắt họ, có nghĩa là họ đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu rất lâu, rất kỹ để biết rõ thói quen sinh hoạt của trẻ và gia đình trước khi tung chiêu. Có người giả làm phụ huynh cùng trường để bắt chuyện với cha mẹ khiến trẻ lầm tưởng đó là người quen của cha mẹ và một ngày nào đó, trẻ đã ngoan ngoãn leo lên xe để “người quen” ấy chở về nhà giùm…

Cha mẹ không nên dạy con "người lạ toàn là kẻ xấu" 1
Phụ huynh nên giúp con phân tích, đưa ra cách giải quyết những trường hợp có thể xảy đến, kể cả tình huống xấu nhất. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ có nên ngăn cấm trẻ tiếp xúc với người lạ để loại bỏ nguy cơ bị lừa lọc, gây hại?

Vì “lo xa”, Việc “vơ đũa cả nắm” khiến trẻ có suy nghĩ sai lệch về con người, về cuộc sống và không đủ niềm tin để nhờ sự hậu thuẫn, trợ giúp trước hiểm nguy khi không có người thân bên cạnh. Giao tiếp với người lạ, người ngoài là một kênh quý để trẻ học hỏi, trưởng thành, vì cha mẹ không đủ lạ, khác biệt để dạy trẻ hiểu biết toàn diện.

Để đề phòng nguy cơ từ người lạ, trẻ càng cần được tạo điều kiện giao tiếp với... người lạ. Trong quá trình giao tiếp, trẻ tập quan sát gương mặt, lắng nghe lời nói, nhận biết thái độ, tình cảm, cảm xúc của người lạ để phân biệt, nhận diện mức độ chân thành của họ và có cách ứng xử phù hợp. Đừng sợ trẻ còn khờ, không biết. 

Kỹ năng phân biệt, sự tinh nhạy không hẳn tùy thuộc vào tuổi tác mà tùy thuộc vào quá trình tương tác để rèn luyện và thẩm thấu. Mặt khác, cấm con giao tiếp với người lạ là điều không thể. Khi con tiếp xúc với người lạ, cha mẹ có thể đứng từ xa trông nom và lơi dần sự giám sát. Sau đó cha mẹ nên trò chuyện, chia sẻ, đặt nhiều câu hỏi để khai thác xem con đã học được những gì, cảm nhận như thế nào, nhận định về những biểu hiện xấu – tốt của người lạ ấy và kịp thời định hướng cho con.

Với những trẻ không được lanh lợi, việc nhận diện kẻ xấu, phán đoán nguy cơ tiềm ẩn có quá sức không, thưa ông?

Tôi không quan niệm có trẻ khôn hay chưa khôn, lanh hay khờ. Trừ những trẻ có bệnh lý thực sự về não, còn lại, trẻ thể hiện tất cả những chương trình được cha mẹ “cài” và sẽ bổ sung trên hành trình sống, va chạm. Cha mẹ không chỉ “cài” bằng lời nói mà còn ở hành động, phản ứng thực tế. Từ hai - ba tuổi, trẻ đã biết hỏi “tại sao?”, đã bắt đầu có lý lẽ. Nếu cha mẹ không mắc sai lầm là sớm dập tắt thói quen soi xét, lập luận, phản biện ấy thì trẻ sẽ có sự nhạy cảm và logic để nhận biết người lạ nói dối, nói mâu thuẫn...

Vậy theo ông, những chương trình cơ bản nào cha mẹ cần “cài” để trẻ đủ sức đối phó, chống chọi với cạm bẫy từ người lạ?

- Phụ huynh nên giúp con phân tích, đưa ra cách giải quyết những trường hợp có thể xảy đến, kể cả tình huống xấu nhất. Cha mẹ cần tưởng tượng ra những “kịch bản” và cùng con tìm cách giải. Ví dụ: “Khi gặp một người nam đứng trong nhà vệ sinh nữ ở trường học, là con gái, con không nên vào ngay mà đứng chờ anh ta bước ra. Nếu chờ hoài, anh ta không bước ra hoặc có những cử chỉ thiếu đứng đắn thì con nên báo ngay cho giáo viên”.

Khi dạy con chống chọi với người lạ, cha mẹ cần cẩn trọng kẻo lại nhuộm đen thế giới xung quanh khiến trẻ cảm nhận đâu cũng đáng sợ, ai cũng là ác quỷ. Cha mẹ nên tập cho trẻ cảm nhận về thiên nhiên để biết rằng thế giới vốn đa diện. Cũng là cơn mưa nhưng có những cơn mưa mát lành, có những cơn mưa “phù thủy” gây lũ lụt. Cần nói với trẻ rằng người lạ cũng có người tốt, kẻ xấu. Kẻ sẵn sàng gây hại cho người khác cũng chỉ xấu ở biểu hiện đó chứ chưa hẳn là người xấu, đáng bị vứt bỏ. Dạy con cách ứng xử trước người lạ vừa giúp con tự bảo vệ mình, vừa giúp con sống tự tin, bản lĩnh và có thế giới quan tích cực.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ bổ ích!

aFamily

      © 2021 FAP
        1,309,650       583