Nếu ai đó nói rằng, điều quan trọng nhất với các tỷ phú là tiền hay khối tài sản kếch xù của họ thì có lẽ người đó đã nhầm, hoặc có thể họ chưa biết đến các ông bố tỷ phú coi việc ở bên con cái là ưu tiên số 1 của mình.
Cách đây mấy ngày, giới tài chính khá “chao đảo” khi hay tin Mohamed El-Erian – CEO của Quỹ đầu tư Pimco – một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, người có công việc thu nhập tới 100 triệu USD/năm, đã quyết định từ bỏ vị trí nhiều người mơ ước để làm một ông bố tốt hơn. Không chỉ mình El-Erian lựa chọn làm một ông bố tốt, nhiều CEO của những công ty, tập đoàn lớn của thế giới cũng quyết định “công việc có thể chờ, nhưng con cái thì không”.
Bỏ việc triệu đô vì con
Sự việc xảy ra khi một ngày, ông bố Mahamed El-Erian bận rộn nhắc đi nhắc lại con phải đi đánh răng trước khi đi ngủ, nhưng cô bé con bướng bỉnh không chịu nghe lời. Bố sẵng giọng: “Trước đây bố nói một lần con nghe ngay, sao bây giờ con để bố phải nói đi nói lại mãi một việc?”.
Cô bé không nói gì, chạy vào phòng mình rồi chạy ra đưa cho bố một mảnh giấy nhỏ, trong đó liệt kê ra 22 sự kiện quan trọng trong cuộc đời cô bé mà ông đã vắng mặt như
ngày đầu tiên bé đi học, trận bóng đầu tiên bé tham gia, buổi diễu hành nhân dịp lễ Halloween đầu tiên cô bé có mặt… Ông bố đọc xong, rồi ngẩn người ra, cho dù ông có bao nhiêu lí do, nào bố phải đi họp, công tác, phải điện thoại, email… để biện minh cho mình thì ông cũng không thể đẩy lùi cảm giác mình là một ông bố quá tệ.
Tỷ phú Mahamed El-Erian.
Và thế là ông đã quyết định nghỉ việc, chọn cho mình một công việc ít thời gian hơn, như ông nói “chỉ chiếm 50% thời gian” của mình để trở thành một ông bố tốt hơn, không bỏ lỡ mọi cột mốc quan trọng trong đời con. Hiện tại, ông hoàn toàn hài lòng với một công việc bán thời gian, mỗi ngày được đánh thức con dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho con và chở con tới trường. Hai cha con cùng nhau trải nghiệm nhiều thứ, trò chuyện thật nhiều, và họ đang lên kế hoạch cho một chuyến đi chỉ có hai cha con.
Khoảnh khắc “cao su” và “pha lê”
Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng cho tới bây giờ, Brad Smith – CEO của Intuit, Công ty toàn cầu về các giải pháp quản lý tài chính kinh doanh – vẫn không thôi hối tiếc về việc ông đã bỏ lại vợ và con vừa mới sinh được 1 ngày để đi công tác, và tất bật với công việc liên miên mà bỏ qua quá nhiều thời gian khi các con còn bé.
“Các con gái là lí do để tôi cố gắng làm mọi việc. Nhưng có những phút giây mà tôi luôn cảm thấy hối tiếc và ước gì mình có thể quay lại và làm khác đi những việc mình đã làm.”
Có những thời khắc trong cuộc đời mà Brad Smith gọi là thời khắc “cao su” và thời khắc “pha lê”. Thời khắc “cao su” là những lúc ta có thể làm lại, gặp lại, như một buổi biểu diễn hay một trận bóng của con ở trường, nhưng có những thời khắc “pha lê” như lễ tốt nghiệp của con, hay ngày con được sinh ra là những thời điểm “một đi không trở lại” và những người
làm cha, dù bận rộn đến mấy cũng không thể bỏ lỡ.
Và vì thế, khi nhận vị trí CEO, ông đã nói với con gái rằng các con vẫn luôn là mối quan tâm đầu tiên của bố, và ông đã hiện thực hiện lời nói đó bằng việc lên lịch ăn sáng cố định với hai cô con gái vào cuối tuần – cô cả sáng thứ 7, cô út sáng chủ nhật. Trong buổi “hẹn hò” ăn sáng này, bố và con gái có cơ hội chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Và đến giờ, “nghi thức” này đã được bố con ông duy trì trong 7 năm liền.
Brad Smith chụp ảnh cùng hai cô con gái (ảnh trái) và Gia đình hạnh phúc của CEO Mark Weinberger.
“Xin phép” con khi nhận chức CEO
Khi Mark Weinberger - CEO của tập đoàn Ernst&Young “xin phép” các con để nhận vị trí CEO, ông đã phải cam kết công việc không làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thử thách đầu tiên đến vào ngày ông có bài diễn văn với tư cách CEO tại Trung Quốc. Khi được hỏi liệu ông có muốn chụp ảnh selfie trên Vạn Lý Trường Thành cùng với hàng ngàn nhân viên không, Weinberger đã trả lời không, vì ông còn phải đáp chuyến bay về Washington D.C để kịp đi cùng con gái thi lấy bằng lái xe vào sáng hôm sau.
“Sau đó, tôi đã nhận được hàng trăm bức email: không một ai nhớ tới bài diễn văn ấn tượng mà tôi đã đọc, nhưng mọi người đều nhớ tôi đã về nhà để có mặt bên con gái vào đúng lúc con cần. Điều đó cho tôi thấy sức mạnh của việc làm gương cho người khác là như thế nào. Có lẽ sẽ không một nhân viên nào của tôi lại tin họ có thể lựa chọn gia đình thay vì cống hiến toàn bộ thời gian, sức lực cho công việc nếu như những người lãnh đạo của họ không làm việc ấy.”