Để con không chỉ yêu mình mẹ, và mẹ có thời gian đi cà phê với hội bạn thân còn bố sẽ có thêm cơ hội để chơi với con và con cũng sẽ yêu bố hơn.
Con trai tôi 8 tháng tuổi. Mỗi chiều, tôi về nhà để thấy bé ra tận cửa, níu lấy tay tôi, trèo lên lòng tôi... Mỗi sáng sớm, chúng tôi nằm bên nhau, tận hưởng niềm vui của riêng hai mẹ con khi cu cậu lướt nhẹ những ngón tay xinh xinh trên má, trên mũi và dừng lại ở môi - đợi một nụ hôn từ mẹ...
Tôi đã luôn cho rằng, con tôi biết rằng mẹ yêu nó nhất trên đời, vì thế, con cũng yêu mẹ nhất... Nhưng tôi chợt giật mình khi đọc được lời khuyên của ông M. Frost, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Boston, Mỹ:
“Dù là con trai hay con gái, có những năm tháng, trẻ đặc biệt thân với mẹ, thích trò chuyện và luẩn quẩn bên mẹ, vì ở giai đoạn đó chúng có nhu cầu cao về xoa dịu tinh thần, muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Ở một giai đoạn khác, trẻ lại có nhu cầu về thể chất, chúng thích đùa nghịch với bố hơn. Tuy nhiên, không bao giờ nên tạo điều kiện cho trẻ thiên vị quá bố hoặc mẹ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng của trẻ”.
Hoá ra, việc đứa trẻ thích bố hay mẹ sẽ thay đổi theo thời gian và theo các trường hợp cụ thể.
Cách tốt nhất để con yêu bố hơn là bố hãy dành nhiều thời gian hơn để chơi với con. (Ảnh minh họa)
Ví dụ, em bé ở độ tuổi của Bin, thường thích mẹ trước vì mẹ cho em bé ăn, thay quần áo cho em, chăm sóc em suốt từ khi sinh ra cho đến giờ… Tuy nhiên, cũng có nhiều đứa trẻ lại thích bố, vì chúng ít có cơ hội gặp bố và thời gian ở bên bố bỗng trở nên quý giá với chúng. Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy các mẹ – là bạn bè mình kêu lên “con tớ, nó chỉ quấn bố thôi!”.
Khi em bé biết đi, chúng sẽ thích các trò chơi vận động và tất nhiên, chơi với bố sẽ rất thích. Lúc này, đứa trẻ sẽ chuyển từ thích mẹ sang bố.
Thế nhưng, như bác sĩ tâm lý học người Mỹ nói, để trẻ thiên vị bố hay mẹ mà phớt lờ người còn lại sẽ khiến cho trẻ bị lệch lạc về tâm lý.
Tôi đã thử đổi vai với bố Bin. Buổi sáng, thay vì chỉ có hai mẹ con trò chuyện, tôi nắm tay Bin, dạy bé cách vuốt ve khuôn mặt bố và bảo: Bố ơi, bố dậy đi, bố dậy chơi với Bin đi!
Bố Bin cũng không thể cưỡng nổi sự đáng yêu của Bin và nắm lấy tay bé, vuốt lên mặt bé và bắt đầu trò chuyện với bé. Nhưng Bin vẫn quay về mẹ, nên tôi quyết chuyển vị trí, sang cùng phía với bố Bin để cháu chỉ cần nhìn một phía. Tôi núp ra phía sau bố Bin và bố dạy Bin cách tìm mẹ… Cứ thế, Bin đã bắt đầu xoay sang cả hai người mỗi buổi sáng sớm.
Mỗi chiều tối, bố Bin thường cố gắng xong việc sớm, về nhà và chơi tung bóng với Bin. Ban đêm, khi Bin giật mình tỉnh dậy và khóc, bó sẽ bế bé, còn mẹ thì chỉ vỗ vỗ nhẹ vào lưng và thì thào “Bố yêu em, mẹ cũng yêu em”…
Giờ thì Bin đã thân với bố hơn, đến mức, đôi khi tôi không giấu nổi sự “ghen tị”, tôi hỏi Bin: Bin không chơi với mẹ, mẹ đi đây, mẹ đi đây… và đáp lại lời tôi, là một nụ cười toét miệng với hai chiếc răng trắng xinh xinh
Theo tôi hiểu, điều chỉnh càng sớm việc trẻ “thiên vị” bố hoặc mẹ, thì trẻ càng sớm cân bằng hơn. Nếu ngoài bố mẹ, bé được tiếp xúc với ông bà, và cả hàng xóm nữa, thì mẹ sẽ nhàn hơn và quan trọng, bé sẽ lớn lên đầy đủ về tình cảm hơn, ý thức về bản thân và các mỗi quan hệ cũng tốt hơn. Cách tốt nhất để trẻ yêu bạn là dành nhiều thời gian hơn để chơi với bé.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi bé đã biết nghe lời, thì cố gắng tạo điều kiện để hai bố con chơi với nhau, càng nhiều càng tốt. Lúc đầu bé có thể bám riết lấy mẹ, nhưng các mẹ cần phải kiên quyết. Ví như: Chủ nhật, bạn muốn đi cà phê với hội bạn, còn bố thì đưa bé đi chơi, nhưng bé lại khóc đòi: “Con muốn đi với mẹ!”. Hãy nói với con: Con phải đi với bố, mẹ cần đi có việc! Bé sẽ thôi khóc ngay khi vừa ra khỏi cửa và sẽ… quên bạn lập tức.