Mẹ & bé

Sinh con ở Úc: Bác sĩ giục đi tắm ngay sau sinh và cho ăn đồ lạnh

Sinh anh Đậu ở Việt Nam, mẹ được bao bọc trong sự hỗ trợ ấm áp của hai bên nội ngoại, còn lúc sinh con ở Úc, mẹ thấy mình tự chủ, độc lập và... mạnh mẽ hơn.

Cả thai kỳ, chỉ được siêu âm 3 lần
Một lần sinh con ở Việt Nam, một lần sinh ở Úc, mẹ có được những trải nghiệm rất thú vị về sự khác nhau của 2 lần vượt cạn. Nếu ở nhà thông tin chăm sóc phụ nữ có thai chủ yếu là... trên mạng,  thông qua trao đổi của các mẹ bầu thì ở Úc, bệnh viện phát cho mẹ một quyển sách, trong đó có thông tin về sự phát triển của thai kỳ, chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ, những việc cần chuẩn bị trước, trong và sau khi sinh nở. Những đồ ăn có thể ăn, những đồ ăn cần tránh, những thứ cần chuẩn bị mang đi bệnh viện khi sinh, những ngày đầu tiên nên chăm sóc con thế nào?...
Ngoài ra còn có thông tin an toàn cho bà mẹ mang thai trong lao động, và một quyển sổ tay những thông tin ngắn gọn cho các ông bố về những biến đổi của mẹ và những lưu ý khi chăm sóc mẹ và bé.
Trong suốt thai kỳ của Na ở bên này, mẹ chỉ được siêu âm 3 lần. Lần đầu tiên khi thông báo cho bác sĩ có thai để biết chính xác tuổi của thai nhi, lần thứ 2 lúc 12-13 tuần tuổi để đo độ mờ da gáy, và lần cuối vào 19-20 tuần tuổi để kiểm tra cấu trúc và chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ đo huyết áp, đo tim thai, vòng bụng, hỏi thăm sức khỏe và tâm trạng của mẹ. 
Ngoài ra, bác sĩ nhắc mẹ bổ sung thêm vitamin dành cho phụ nữ có thai và Vitamin D, không khuyến khích bổ sung canxi và sắt như ở Việt Nam. Bác sĩ nói Vitamin D sẽ giúp cơ thể tự tổng hợp mọi thứ có khả năng chuyển hóa thành canxi theo nhu cầu, nếu uống trực tiếp canxi có thể bị thừa, không tốt cho cơ thể. 
Đẻ xong rồi, đi tắm nhé!
Trước dự sinh một ngày, mẹ mới bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Bố vẫn đi làm, anh Đậu vẫn đi học, mẹ ở nhà quanh quẩn với bà ngoại. Đến giữa trưa, mẹ gọi điện cho bố đề nghị bố về nhà vì mẹ khá là hồi hộp và lo lắng. Bố đồng ý ngay, còn kịp chạy qua siêu thị mua mấy tảng thịt bò về làm bít tết cho mẹ ăn lấy sức đi đẻ. 
Lúc đau đến mức gần như không đứng nổi. Bố mẹ mới nghiêm túc trịnh trọng chào bà và anh Đậu để đi đón em Na về. Vào đến bệnh viện thì mọi hồ sơ sinh và hồ sơ bảo hiểm của mẹ đã sẵn sàng, chỉ cần mẹ ký giấy là vào trong phòng đẻ. 
Phòng đẻ rộng mênh mông, có ghế, có giường, có đài mở nhạc, trong nhà tắm có bồn tắm nếu mẹ nào muốn chọn sinh con dưới nước. Mẹ đi lại rồi nằm trên giường, thỉnh thoảng hít gas giúp giảm đau, y tá, các đoàn nghiên cứu sức khỏe bà mẹ trẻ em lần lượt vào hỏi thăm, động viên, chia sẻ. 
Sinh con ở Úc: Bác sĩ giục đi tắm ngay sau sinh và cho ăn đồ lạnh 1
Em bé sơ sinh được đặt nằm riêng trong cũi ngay từ lúc mới sinh ra. (Ảnh: Mẹ Đậu Na)

Vào bệnh viện khoảng 3 tiếng thì mẹ sinh Na. Bố luống cuống cắt rốn cho con và reo lên vì “con nhiều tóc quá”. Bà đỡ nhắc bố chụp ảnh cho con và cho mẹ, khi lau còn đếm từng ngón tay, ngón chân của con. Sau đó, cho con nằm trên ngực, ti mẹ ngay lúc mới ra đời. 
Hoàn thành mọi công đoạn, bà đỡ bảo mẹ: “Đi tắm nhé!”. Mẹ mệt đến không thở nổi, nói muốn xin nằm nghỉ một chút. Bà đỡ đồng ý, sau đấy mang đến cho bố mẹ 2 suất bánh mì kẹp và 2 cốc sữa lạnh mà bố mẹ cảm thấy thật ấm dạ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 
Khoảng một tiếng sau, khi mẹ vừa lơ mơ chợp mắt được một chút thì bà đỡ lại chạy vào hỏi: “Đỡ mệt chưa? Đi tắm nhé!”. Mẹ lại phải ngượng ngùng xin cho ngủ một tý vì đang buồn ngủ lắm. Đến lần thứ 3 bà đỡ vào phòng giục đi tắm thì mẹ không dám trì hoãn nữa, lóp ngóp mò dậy đi tắm. Bà đỡ vào chỉ chỗ mẹ đứng, chỉ chỗ bố đứng để cần thì hỗ trợ mẹ hoặc gọi y tá đến hỗ trợ, sau đấy đi ra làm việc khác. 
5 phút sau mẹ tắm xong gọi y tá vào thông báo đã tắm xong, bà ngạc nhiên bảo: “Mày có chắc là chỉ cần tắm thế thôi không?” làm bố mẹ chỉ biết nhìn nhau cười.
Mẹ hãy tự chăm sóc mình và chăm sóc con
Sinh con ở Việt Nam, bố mẹ có một “lực lượng hỗ trợ” hùng hậu và tất bật suốt ngày đêm. Bà nội bón cho mẹ từng thìa cháo, bà ngoại ôm Đậu những giờ đầu tiên cho con ngủ ngon, bố nửa đêm dậy pha sữa cho con trong lúc mắt mũi kèm nhèm thiếu ngủ, các bác hai bên giúp bố mẹ từ việc nhà cửa, chăm con đến hướng dẫn mẹ cách cho con ti sao cho đúng. Mẹ chỉ có mỗi việc duy nhất, ngủ khì khì lấy sức và ăn hết mức để lấy sữa cho con.
Ở đây, khi mẹ về phòng ổn định, bố được... mời về nhà, còn lại mẹ và em tự xoay xở với nhau. 
Mẹ sinh xong lúc nửa đêm, 7h sáng có người đến phòng thông báo là bữa sáng đã sẵn sàng, mời mọi người ra lấy đồ ăn về. Mẹ còn run run chân chưa đi được, y tá mời mẹ... uống thuốc giảm đau để đi lại cho đỡ vất vả! 
Đồ ăn ở bệnh viện rất phong phú và cũng rất... khác biệt. Đủ các loại hoa quả theo mùa, nước ngọt, nước hoa quả, sữa, sữa chua, phô mai (đều lạnh), khoai tây nghiền, mỳ ý, thịt bò, thịt gà, cá các loại. Mẹ có thể chọn các loại thức ăn tùy thích. Chỉ không có cháo móng giò và thịt kho nghệ như ở nhà thôi. 
Giờ thăm mẹ và bé là 10h sáng đến 4h chiều, ngoài ra mẹ phải tự lo cho mình và lo cho em bé. Khoảng 1-2 tiếng y tá lại vào hỏi thăm xem mẹ có khỏe không, em bé có ngoan không, em bé có tè, ị, khóc, khó chịu, thức bao lâu, ngủ bao lâu, ti bao lâu... và ghi cẩn thận vào sổ theo dõi.
Bên cạnh giường có một chiếc chuông, bất cứ khi nào mẹ cần giúp đỡ, từ việc... thiếu giấy ướt cho con, đến việc mẹ cần hỗ trợ để mẹ nằm cho em ti sao cho đúng tư thế, sau khi bấm chuông, y tá gần như ngay lập tức sẽ có mặt. 
Trong bệnh viện, bố mẹ ngỏ lời muốn học lại việc tắm cho bé sơ sinh. Con được mang đến phòng y tá, các cô chuẩn bị sẵn nước và... đứng bên cạnh giúp bố thực hành. Thế nên khi về nhà, lúc Na mới 3 ngày tuổi, bố đã có thể tắm cho Na một cách tự tin và thành thạo.
Sinh con ở Úc: Bác sĩ giục đi tắm ngay sau sinh và cho ăn đồ lạnh 2
Hai anh em Đậu và Na cùng đọc sách. (Ảnh: Mẹ Đậu Na)

Sau 2 đêm ở bệnh viện, bố mẹ quyết định đưa Na về nhà, sớm hơn một chút so với thời gian được lưu lại bệnh viện (48 tiếng). Một tuần sau khi ra viện, ngày nào mẹ và Na cũng được y tá bệnh viện đến nhà thăm khám, cân đo sức khỏe, theo dõi phát triển của con. Có khi chỉ là đến nói chuyện phiếm với mẹ để xem tâm trạng của mẹ có “bất ổn” sau khi sinh con không. Rồi tư vấn cặn kẽ, cụ thể cho bố mẹ những hội/ nhóm miễn phí nào để tham gia, những nơi nào có thể trợ giúp, những tình huống khẩn cấp phải làm gì.  
Kết thúc đợt thăm khám, bố mẹ dường như đã vững dạ và sẵn sàng để chăm em bé sơ sinh với ít nguồn lực giúp đỡ hơn ở nhà. Con được phát cho một quyển số theo dõi sức khỏe, có đánh dấu các thời điểm bố mẹ cần đưa con đi kiểm tra, có biểu đồ để theo dõi sự phát triển của con, có thông tin về các loại vắc xin và thời điểm con phải tiêm. Như vậy, bố mẹ có công cụ để lưu giữ và theo dõi sức khỏe của con trong suốt 6 năm đầu đời. 
Môi trường và hoàn cảnh dẫn đến những khác biệt khi đón các con ra đời, chỉ có những hồi hộp, lo lắng, vui mừng và hạnh phúc khi gia đình có thêm một thành viên mới, thì ở đâu, và lúc nào, cũng ấm áp và ngọt ngào giống nhau. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,312,930       321