Có một điều có thể gắn kết và lôi cuốn mọi bà mẹ xích lại gần nhau, cùng nhau làm nên nhiều điều ý nghĩa, ngọt ngào và kì diệu, đó chính là những đứa con của họ. Đó cũng chính là câu chuyện về 3 mẹ Việt vừa xuất bản một cuốn sách về nuôi dạy con.
Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi không tìm được điểm gì chung giữa ba bà mẹ trẻ cực kì cá tính này: Thu Hà – Liên Hương và Thanh Hương, có cảm giác như họ chẳng có lý do gì để liên quan đến nhau. Nhưng, khi cầm trên tay cuốn sách
nuôi dạy con có thể nói là đầu tiên được viết bởi những bà mẹ “made in Vietnam” 100% mà tên tác giả là tên của ba bà mẹ vừa kể tên ở trên xếp duyên dáng cạnh nhau, tôi chợt nhận ra rằng, thực ra, có một điều có thể gắn kết và lôi cuốn mọi bà mẹ xích lại gần nhau, cùng nhau làm nên nhiều điều ý nghĩa, ngọt ngào và kì diệu, đó chính là những đứa con của họ. Vì thế, nếu bạn cũng là một người mẹ, thì tôi chắc chắn rằng, bạn cũng sẽ “mê” họ như tôi, bởi khi đồng hành cùng họ, bạn sẽ tìm thấy niềm vui bất tận của việc
làm mẹ và tận hưởng điều đó với một tâm trạng cực kỳ phơi phới và tràn đầy lạc quan.
“Mẹ là người có quyền quyết định lớn nhất khi nuôi dạy con”Liên Hương là một bà mẹ còn rất trẻ và ham chơi, thích nhất là được tám chuyện ăn, chơi, ngủ, ị của các bạn nhỏ. Nghề nghiệp chính là làm mẹ. Ở nhà thuê để “toàn quyền” nuôi dạy con dù cổng nhà ông bà nội ngoại lúc nào cũng mở rộng chào đón.
"Chúng mình là một đội" để sát cánh và chia sẻ mọi điều ngọt ngào trong hành trình cùng con lớn lên. Chào Liên Hương, bạn nghĩ gì khi các mẹ thường có phản ứng: Mẹ ấy ở nhà toàn tâm toàn ý chăm con thì mới làm được như thế, còn các mẹ vẫn phải đi làm, lo toan cuộc sống thì có cố cũng không được?- Ở nhà không có nghĩa là không làm việc, không có nghĩa là không phải lo toan cho cuộc sống. Thường các mẹ đi làm thì ở nhà đều có ông bà hoặc người giúp việc hỗ trợ nhưng khi một người phụ nữ đã chọn ở nhà để lo cho con cái, tức là thường gia đình đó chỉ có một vợ một chồng cùng nhau nuôi dạy con. Một mẹ ở nhà sẽ phải vừa chăm con, vừa nấu nướng, dọn dẹp,
chơi với con, và cũng vẫn kiếm tiền, cũng vất vả và lo toan không kém. Nếu một người mẹ ở nhà cùng với một em bé suốt ngày chỉ bám mẹ, mẹ ở đâu là bám theo đấy, ngủ cũng phải có mẹ nằm cạnh mới ngủ yên, mẹ nấu ăn cũng phải địu con trên lưng thì khi đó, một người mẹ đi làm chắc chắn là thoải mái về cả thời gian và tinh thần hơn một người mẹ ở nhà rất nhiều.
Một người mẹ ở nhà chỉ có thời gian và "nhàn" một khi con của họ có thể tự ăn, tự ngủ, tự chơi để mẹ có thời gian nấu nướng và tìm hiểu các kiến thức nuôi con. Mình nghĩ các bà mẹ
ở nhà chăm con và đã rèn con trở thành một em bé độc lập đều sẽ có thời gian dành cho bản thân và tìm hiểu các kiến thức nuôi con khác. Và họ đều giống như mình, sau khi tìm hiểu xong những kiến thức đó đều dành thời gian tổng hợp, tóm tắt những gì chúng mình cho là đáng giá thành những thông tin ngắn gọn và chắt lọc nhất để chia sẻ cho những người mẹ bận rộn hơn - những người không có thời gian đọc cả quyển sách hay tìm tòi mày mò giữa một rừng kiến thức.
Hành trình nuôi dạy con theo ý mình của các bà mẹ Việt dường như có quá nhiều chông gai và hi sinh?- Chúng ta hô hào về bình đẳng giới, về nữ quyền, về tôn trọng phụ nữ nhưng điều cơ bản nhất “Người mẹ là người có quyền quyết định lớn nhất trong việc nuôi dạy con” thì lại không hề được tôn trọng. Chúng ta có câu "Con hư tại mẹ" để đổ hết mọi trách nhiệm cho người mẹ trong việc nuôi dạy con cái, nhưng ngươc lại người mẹ lại chẳng được toàn quyết quyết định việc nuôi dạy con. Không được toàn quyền quyết định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm là những gì các mẹ ở mình đang phải gánh vác.
Khi trả lời câu hỏi này, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mình chính là hình ảnh của chồng mình. Muốn được nuôi con theo ý mình, dù ít hay nhiều, mẹ Việt vẫn sẽ vẫn vấp phải sự phản đối, sự không đồng tình từ những người xung quanh. Dù ít hay nhiều, vẫn sẽ phải hi sinh và đánh đổi một số thứ, đó có thể là thời gian, là sự nghiệp, thâm chí là cả tình cảm. Nhưng nếu chỉ cần có được sự ủng hộ từ chồng của mình, từ bố của con mình thì dù sẽ còn vấp phải rất nhiều chông gai, chúng mình cũng có được sự tự tin mà vượt qua. Bởi vậy, mình hi vọng, dù cho có rất nhiều người không hiểu và nghi ngờ những người mẹ đang muốn nuôi con theo ý mình, thì chồng của họ vẫn ở bên cạnh, tin tưởng và hỗ trợ họ.
Bé Sâu (bìa trái) nhà mẹ Liên Hương và bé Nhím con mẹ Thanh Hương lần đầu gặp nhau và trình diễn ăn dặm tự chỉ huy trong một chương trình truyền hình. Ở nhà Liên Hương, việc chăm sóc, nuôi dạy con được phân vai như thế nào cho bố và mẹ?- Trong việc nuôi dạy, chăm sóc con chúng mình không phân vai cho nhau mà cùng nhau thực hiện. Chúng mình là một đội!
Ưu tiên của bạn khi nuôi dạy con là gì?
- Mình không có kỳ vọng con mình trở thành một cá nhân xuất sắc. Mình ưu tiên nuôi dạy con trở thành một em bé Tự lập - Biết đi thưa, về chào, cảm ơn, xin lỗi. Thế là đủ.
Làm mẹ - Chia sẻ là cách tốt nhất để ghi nhớThanh Hương là một người mẹ Hà Nội sống ở Sài Gòn, một bà mẹ một con lúc thì dữ dội như bão tố, khi lại dịu dàng như gió mùa thu.
Thanh Hương và con gái - bé Nhím, 2,5 tuổi. Là một người mẹ vừa đi làm, vừa chăm sóc, dạy dỗ con, Hương lấy nguồn năng lượng ở đâu để luôn vui vẻ, hào hứng và tâm huyết với việc làm mẹ (của mình, và của các bà mẹ khác)?- Nhiều người thường nghĩ rằng sinh con, nuôi dạy con là nghĩa vụ, trách nhiệm của cha mẹ. Đối với Hương, việc làm mẹ còn hơn thế - đó là một sứ mệnh và là niềm đam mê. Thực ra, bà mẹ nào cũng mê con của mình, nhưng mỗi người có một cách “mê con” khác nhau. Hương mê con theo một cách hơi khác thường - mê nhìn thấy con lớn lên tự lập, mê nhìn thấy con vấp ngã và tự đứng dậy, mê nhìn thấy con gặp khó khăn và tự mình học cách giải quyết vấn đề, mê thấy con vấy bẩn và học những bài học thực tế từ những vết bẩn. Chính vì vậy ngay từ nhỏ xíu bé đã được trao cơ hội để tự lập, từ việc ăn, ngủ, chơi cho đến việc có những chính kiến của mình với những vấn đề có liên quan tới bé.
Vì bé đã học được cách sống tự lập và có chính kiến từ nhỏ nên việc chăm sóc bé trở nên rất thoải mái, hai mẹ con giống như hai người bạn, có thể cùng vui chơi, cùng học những điều mới mẻ, cùng thưởng thức những món ăn ngon trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng ý kiến và sở thích của nhau. Ban ngày là thời gian mình dành cho công việc, bé cũng đi học, còn khi về nhà buổi tối và cuối tuần mình gần như dành toàn bộ thời gian cho con và gia đình, việc phân chia thời gian cho từng việc rõ ràng khiến mọi thứ trở nên rất đơn giản, không chồng chéo việc nọ lên việc kia. Đôi khi vào cuối ngày, khi bé đã đi ngủ, Hương dành thêm một chút thời gian cho các mẹ đang cần sự giúp đỡ, tư vấn. Chia sẻ là cách tốt nhất để ghi nhớ, và mình thực sự cảm thấy vui khi chia sẻ những kinh nghiệm mình có được để giúp các mẹ cũng như các em bé khác có được những khoảng thời gian vui vẻ, nhẹ nhàng và lý thú như mẹ con mình.
Ba luôn là người khuyến khích cả mẹ Hương và bé Nhím thử thách bản thân với những điều mới mẻ. Hương có nghĩ rằng, sự ra đời của những đứa con làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một người mẹ? Ví dụ, trước đây bạn có từng nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách về nuôi dạy con không?- Hương là một người rất thích đọc sách và rất hâm mộ các tác giả viết sách. Mình không giỏi văn, cũng không biết làm thơ và càng dở việc viết truyện nên việc viết một cuốn sách có lẽ là ý nghĩ điên rồ nhất bản thân có thể nghĩ tới trước đây.
Có lẽ sự ra đời của một em bé luôn luôn là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của mỗi người cha người mẹ, nhưng sự thay đổi ấy một khi có thêm rất nhiều tình yêu thương của cha mẹ dành cho con và thêm một chút nhiệt huyết thì sẽ trở thành một kỷ niệm rất đỗi ngọt ngào.
Hãy miêu tả việc làm mẹ của Hương trong 5 từ?- Tôn trọng, tin tưởng (con), vui vẻ, nghiêm khắc (với con), cương quyết (với người ngoài cuộc).
Nuôi dạy con thực sự là một câu chuyện dài kỳLàm mẹ, Thu Hà từ bỏ công việc tư vấn đầu tư tài chính, chỉ làm bán thời gian để ở nhà chuyên tâm chăm sóc và nuôi dạy con cái. Niềm vui của việc làm mẹ được chị trải nghiệm qua rất nhiều công việc như may vá, vẽ, sơn, đóng tủ đồ…
Phần lớn các kiến thức được chia sẻ trong sách đều là các nguồn tin nước ngoài, hành trình mà chị cùng nhóm tác giả làm cho những thông tin đó phù hợp với cuộc sống, thói quen và môi trường nuôi dạy con ở Việt Nam như thế nào?- Đúng là phần kiến thức khung chúng mình đều nghiên cứu dựa trên các nguồn tại liệu có uy tín về nuôi dưỡng và tâm lý trẻ thơ. Nhưng những ví dụ, những bài học những kinh nghiệm đề cập trong sách là những bài học của các mẹ đã được tư vấn, đã áp dụng và đã có những biến đổi riệng theo hoàn cảnh gia đình ở Việt Nam. Bởi thế sách không là kiến thức khô, mà còn là tổng hợp muôn vàn câu chuyện vui buồn của các bà mẹ khi áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống gia đình mình. Nó thực sự giống như một câu chuyện dài nhiều kỳ thì đúng hơn.
Cùng con trải nghiệm cuộc sống và thiên nhiên luôn là ưu tiên của mẹ Thu Hà khi nuôi dạy con. Luyện ngủ thực ra cũng gặp phải nhiều ý kiến phản đối và cũng có ý kiến cho rằng, bé cần ôm ấp nhiều hơn để cảm nhận được tình yêu của mẹ, chị nghĩ sao về điều này?- Giấc ngủ quan trọng cho cả con và mẹ, mình nghĩ yêu nhau không phải dính tịt với nhau cả ngày, người nọ làm phiền đến người kia. Nhịp sinh học của người lớn ngủ 8h/ngày là đủ, của con là 16-17h/ngày. Khi con ngủ thì mẹ phải nằm cạnh con, hay mẹ tước đi thời gian giấc ngủ của con. Điều này thực tế ảnh hưởng xấu đến cả 2 bên. Chưa kể bất cứ ai ngủ cũng trở mình, rên, nói mê, thậm chí dậy đi toilet... thế cho nên mẹ lựa chọn cho ngủ riêng không phải là ích kỷ, mà là mẹ tự biết mình có thể làm phiền đến con trong những hoạt động khi ngủ (mà mẹ không kiểm soát nổi) của mình.
Hơn nữa, khi một người mẹ mất ngủ kinh niên hay những đứa trẻ quấy khóc vì quá thiếu ngủ, điều này chẳng có lợi cho bất cứ một ai. Ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của con, của mẹ và của tổng thể gia đình. Vì thế, mình khẳng định, quan điểm của mình ngủ riêng “không phải là mẹ ích kỷ”.
Không phải phương pháp hay cách thức nào cũng có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ, lời khuyên của chị dành cho các bà mẹ có con đặc biệt nhạy cảm, tẩy chay mọi quy tắc rèn luyện của mẹ? Họ nên làm gì để có thể thư giãn và bình tĩnh làm mẹ?- Mỗi người là một cá thể độc lập, chẳng ai giống ai. Việc hướng dẫn một qui chuẩn riêng là điều không thể. Với mình, điều quan trọng nhất khi khuyên các mẹ trong quá trình nuôi dạy con là: kiên nhẫn, chờ, quan sát và dành 1-2 phút suy nghĩ hành động trước khi can thiệp. Tôn trọng cái tôi của con: hỏi con liệu con có cần mẹ giúp, hỏi con no chưa, con muốn ăn nữa không, thông báo đến giờ đi ngủ, dành chút thời gian giúp con hấp thụ thông tin, đây là tiền đề tạo ra mối quan hệ bình đẳng, thân thiện và tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Khi mẹ chờ, mẹ quan sát mẹ sẽ học được rất nhiều về con, hơn là đọc sách.
“Nuôi con không phải là cuộc chiến” là cuốn sách đầu tay của ba người mẹ trẻ Thu Hà, Liên Hương và Thanh Hương, cuốn sách là cuốn nhật ký viết chung của những bà mẹ Việt nuôi dạy con theo khoa học, để cùng con tận hưởng niềm vui, sự trưởng thành khỏe khoắn trong từng khoảnh khắc con lớn lên. |