Anh thể hiện tình yêu rất riêng với con trai và con gái. Anh khuyến khích sự mạnh mẽ của con trai, dạy con gái nhiều về vệ sinh, về thói quen ăn uống. Hơn hết, anh dạy con tôi về tình yêu thương, theo cách rất riêng của mình.
Sau khi bài viết
“Lá thư nói lên sự thật khiến mọi ông bố giật mình”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi, chia sẻ của độc giả về “vai trò và ảnh hưởng của các ông bố với các con”. Xin chia sẻ với bạn đọc một trong những bài viết rất ý nghĩa, thêm một lần khẳng định, các ông bố không cần phải dành cho con quá nhiều thời gian, nhưng hãy biến tất cả thời gian ở bên con của mình thành thời gian chất lượng và ý nghĩa nhất.
Những phút giây bên bố thật thú vị và hưng phấn! (Ảnh: Thu Hà) Trong bài khảo sát trước khi bước vào trường mẫu giáo của con gái út tôi, nhà trường có hỏi: Ở nhà bé dành thời gian nhiều nhất với ai – Con bé trả lời: Mẹ và anh trai? Và dành thời gian với ai là ít nhất?
Vâng, tôi là phụ nữ ở nhà làm nội trợ, nên việc con dành đa số thời gian ở bên tôi là điều dễ hiểu. Chồng tôi là người bận rộn, bởi anh là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Khi con mới sinh được 20 ngày, anh trả công tác nợ khi chờ tôi lâm bồn, anh đi bằn bặt hàng tháng. Tôi một mình, không gia đình bên cạnh tự xoay xở để “sống sót” cảnh gái đẻ. Khi con khôn lớn, trung bình mỗi tháng anh đi công tác 1 tuần. Ngày làm việc của anh bắt đầu từ tờ mờ sáng khi con chưa dậy và kết thúc khi con đã ngủ say rồi (con tôi đi ngủ tối rất sớm từ 7 đến 8h tối). Thời gian anh gặp con chỉ trọn vẹn ngày thứ 7 chủ nhật và những ngày nghỉ lễ mà thôi.
Nhưng.
Thời khắc đầu tiên con ra đời, anh run run tay cầm kéo cắt cuống rốn cho con, mắt nhạt nhòa cảm xúc.
Những ngày đầu con ra đời, anh là người
tắm cho con. Anh lóng ngóng nhưng chậm rãi thả con vào bồn, quan sát sự thích thú của con khi được tiếp xúc với nước, tay nhẹ nhàng massage, nói chuyện thủ thỉ đến mức con ngủ gật trong bồn: một điều mà hẳn khi
lần đầu làm mẹ tôi sẽ sợ cuống lên, tắm cho nhanh cho sạch để còn ra.
Khi con được 6 tuần tuổi, khi tôi còn chưa “sạch” dấu vết của phụ nữ sau sinh, anh là người lần đầu cho con xuống bể bơi, để con cảm nhận thêm về cái thích thú của nước. Để con hưởng thụ trọn vẹn cảm giác đầy đủ nước vây quanh, để sống lại cảm giác ở
trong bụng mẹ, bốn bề là nước.
Bố yêu con và dạy con theo một cách đặc biệt rất riêng. (Ảnh: Thu Hà)
Những khi anh về sớm đảm nhiệm việc cho con ăn, từ ăn dặm đến ăn bình, anh đều làm mọi việc chậm rãi bởi ăn là sự thỏa mãn, sự thích thú và là bữa tiệc của vị giác (vâng, ngay từ khi các con tôi mới 8-9 tháng tuổi anh đã dạy con như thế). Bố cho con ăn rất lâu và rất vui, bố hỏi con vị gì, như thế nào, ngon không, con muốn ăn nữa không, con ăn thế đã đủ chưa… Anh là người đầu tiên giới thiệu các món quái dị, từ chanh chua cho đến kem lạnh. Bởi "phải thử mới biết mình có vị giác tốt hay không(?!)" - trích lời chồng tôi.
Con 14 tháng, chúng tôi đi du lịch châu Âu giữa Noel lạnh giá. Anh dành hơn 2 tiếng đồng hồ hì hục dưới tuyết trắng, làm nên một bù nhìn tuyết (xấu không bút nào tả xiết): mắt bằng nho, mũi bằng cà rốt, miệng là quả chuối, đầu đội mũ len. Người tuyết đầu tiên dành cho con, dù con chỉ có thể ở ngoài trời tuyết chưa đến 15 phút.
Khi con lớn lên, thứ 7 chủ nhật là những ngày thực sự thú vị bởi anh thường hay nấu nướng. Khi con nhỏ anh thường nấu súp rau củ tích trữ cho con ăn cả tuần. Lớn thêm chút nữa, anh dạy con nấu nướng. 3 cha con, trong đó 2 đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi hì hục cắt rau củ, làm bánh, làm pizza. Anh dạy con những thứ tưởng chừng như rất đơn giản như làm sao đập trứng không bị vỡ vỏ vào trong bát đến cách nhào bột làm pizza. Anh dành thời gian chờ con “trang trí” cái bánh pizza của riêng con, và dành công sức dọn dẹp mỗi khi con làm xong. Bởi thế, mỗi thứ 7 chủ nhật là mỗi lần con học thêm một cách làm món mới.
Anh là người đầu tiên mua cho con bộ Lego và dành thời gian ngồi hướng dẫn con cách đọc hướng dẫn sử dụng. Anh chờ con tự lắp và chỉ can thiệp khi con lên tiếng nhờ bố giúp. Bộ Lego đầu tiền là chiếc máy bay chiến đấu mà con làm được gần như toàn bộ, tôi hiểu rằng tôi không cần “thúc” hay “đẩy” chỉ cần kiên nhẫn chờ đến khi con cần, đó là chìa khóa giúp con tôi bước thêm một bước đến sự tự lập trong tương lại.
Tôi ghét mèo, và anh, một lần nữa vác về nhà hết con mèo này đến con mèo khác. Để sau này, tôi nhìn thấy sự yêu động vật của những đứa trẻ. Điều đó đã thay đổi suy nghĩ về
làm mẹ của bản thân mình, rằng: đừng vì những hạn chế, khiếm khuyết hay sợ hãi của người làm cha làm mẹ mà giới hạn hoặc tệ hơn là tước đi sự lựa chọn của các con. Bởi thế, dù tôi ghét phô-mai tôi vẫn mua để các con thử. Tôi không biết ăn củ cải đỏ nhưng không có nghĩa là các con sẽ không được ăn. Tôi sợ tất cả các loại động vật nhưng ngược lại, con tôi yêu và tôn trọng động vật như một phần cuộc sống của chúng. Và tôi cảm ơn anh về điều đó!
Nhờ có bố, các con tôi yêu và tôn trọng động vật như một phần cuộc sống của chúng. (Ảnh: Thu Hà) Anh có sự thể hiện tình yêu rất riêng với con trai và con gái. Anh khuyến khích sự mạnh mẽ, sự “tôi có khả năng” từ con trai tôi, anh
dạy con gái tôi nhiều về vệ sinh, về thói quen ăn uống, về kỹ năng bàn tay. Hơn hết, anh dạy con tôi về tình yêu thương, theo cách rất riêng của mình.
Ngày của mẹ, anh đưa 2 đứa trẻ đi. Cả 3 ngồi chụm lại, vẽ lên những tấm thiệp, anh hỏi “Mẹ thích ăn gì? Mẹ thích màu gì? Mẹ thích vị gì? Mẹ thích mùi gì? Mẹ thích làm gì?”, những đặc điểm riêng của mẹ, và bàn bạc những món quà theo sự hiểu biết về mẹ của các con tôi. Bởi thế có lẽ các con tôi cũng học được cách quan tâm đến người khác, để bữa ăn nó hỏi mẹ có thích không, mẹ ăn ngon không? Để thi thoảng không vào dịp nào đặc biệt cả, trên gối tôi là những tấm thiệp màu tôi ưa thích do con trai tôi tự vẽ, khi con muốn nói “con yêu mẹ” một cách không lời.
Chồng tôi thích những việc tự làm, và truyền cho con tôi điều đó. Một sáng chủ nhật trong veo, khi 2 đứa trẻ đề đạt con muốn có một giá để xếp đồ chơi, anh giúp con chọn lựa một bộ bàn ghế gỗ. Nơi tôi ở họ bán bàn ghế gỗ vẫn còn ở dạng thanh/tấm, và việc lắp ghép người mua phải làm tại nhà.
Con trai tôi đã cực kỳ hưng phấn với cảm giác được chinh phục mà mẹ nó đến 28 tuổi mới có được. (Ảnh: Thu Hà) Về nhà, thay vì tự lắp lấy, anh giúp con học cách đọc hướng dẫn tháo ghép. Giúp con từng bước lắp từng cái đinh, con ốc và gõ búa vặn ốc cho đến khi làm nên sản phẩm cuối cùng. Cả 2 bố con hì hục thật lâu là lâu, anh chờ con tự nhận biết, anh gợi ý nhưng không xâm phạm “lãnh thổ”. Anh không bình phẩm, không chê, không khen, công việc của 2 người đàn ông thực thụ bàn bạc về kỹ thuật! Ngày hôm đó, đứa trẻ 5 tuổi có được cái cảm giác chinh phục mà mẹ nó đến 28 tuổi mới có được, cảm giác tự tay lắp nên một sản phẩm thật to thật đẹp cho riêng mình ở trong nhà. Cảm giác: tôi có thể. Và người đem lại cơ hội ấy, không ai khác, là chồng tôi: bố của các con tôi.
Anh dạy con tôi về tình yêu thương, theo cách rất riêng của mình. Vậy mới để nói rằng, nếu một ngày cái bài điều tra ở trường kia có thêm đề mục mới: ai làm giúp con có cảm giác tự tin nhất, thì tôi biết chắc chắn rằng các con tôi sẽ không ngần ngại tô ngay vào mục BỐ. Và tôi hoàn toàn đồng ý!