"Hãy thơm bố trước khi ra khỏi nhà" là quy tắc mà một người cha "yêu cầu" cô con gái của mình, từ lúc con còn bé xíu.
Cuối tuần trước tôi đến chơi nhà một người bạn, cô con gái 14 tuổi của anh ấy chuẩn bị đi chơi, sau khi chuẩn bị xong cô bé chạy lại gần, thơm kêu thật kêu lên má bố rồi cười híp mắt “Con xin phép bố con đi chơi!”, nhìn hai bố con anh ấy thật tình cảm và gắn bó biết bao. Anh bạn nói “đó là quy ước của bố con anh, quy ước thơm nhau mỗi khi tạm biệt, nó giúp anh cảm thấy con gái mình mãi bé bỏng và giúp con gái cảm thấy bố sẽ mãi là người bao bọc, chở che cho con”.
"Hãy nhớ thơm bố trước khi ra khỏi nhà!" (Ảnh minh họa)Nghe anh bạn nói thế, tôi cứ tủm tỉm mãi, bởi tôi chợt nhớ ra những “quy tắc gia đình” hết sức thú vị, đáng yêu mà tôi đã trải qua, đã chứng kiến hay được chia sẻ, chỉ là trước đây, vì bận rộn, tôi đã không nhìn ra, những “quy ước” đó có sức mạnh gắn kết các thành viên trong gia đình đến thế nào và đôi khi còn mang lại những điều kì diệu.
Tôi nhớ một chia sẻ tôi đọc được đã khá lâu, câu chuyện xảy ra ở Mỹ, một bé gái 8 tuổi một hôm bỗng nhiên được một người đàn ông tự nhận là bạn thân của mẹ đến đón. Người lạ mặt biết rõ tên, tuổi, số điện thoại của mẹ cô bé và dường như thuyết phục được tất cả những người có trách nhiệm giám sát việc đưa đón cô bé ở trường. Khi người đàn ông lạ mặt tiếp cận được cô bé và nói rằng “chú sẽ thay mẹ đón cháu về nhà, mẹ cháu có việc bận và nhờ chú đến đón giúp” thì cô bé hỏi “Mật mã là gì?”.
Người đàn ông lạ mặt bắt đầu bối rối nhưng tiếp tục thuyết phục cô bé bằng cách đọc tên và số điện thoại của mẹ cô bé, tuy nhiên, bé gái chỉ một mực hỏi “Mật mã là gì?” thì mới đồng ý đi theo khiến hắn ta – thực chất là một kẻ mạo danh để âm mưu bắt cóc phải bỏ cuộc. Thì ra, giữa cô bé và mẹ đã có một “quy ước” về việc này, hai mẹ con đã thỏa thuận rằng, nếu có điều gì bất thường xảy ra, khi có người lạ muốn tiếp cận con và nói rằng bố mẹ đã nhờ họ làm việc đó thì con chỉ cần hỏi họ “mật mã” mà chúng ta đã bí mật thỏa thuận với nhau. Nếu mẹ thực sự nhờ ai đó, thì mẹ sẽ nói cho họ mật mã, còn nếu không, cho dù họ có là người thân quen của gia đình, con cũng không được phép đi theo hay làm theo những điều mà họ nói.
Thật tuyệt vời, chỉ với một “quy ước mật mã” nho nhỏ mà bạn có thể dạy cho con rất nhiều điều về những quy tắc để tự bảo vệ mình, về giao tiếp với người lạ và học cách giữ cho mình một bí mật.
Bữa cơm gia đình là cơ hội tuyệt vời để cả nhà chia sẻ và gắn bó với nhau hơn. Tôi nhớ “quy ước ăn tối cùng nhau” của gia đình mình. Việc tạo ra một “quy ước” như vậy giúp cả nhà cùng cố gắng thu xếp việc của cá nhân mình để có thể quây quần với nhau trong bữa ăn tối. Đó luôn là khoảnh khắc tất cả chúng tôi vui nhất, chờ đợi nhất và chia sẻ được với nhau nhiều điều nhất. Những bữa ăn tối đầm ấm giống như chiếc mỏ neo, neo giữ con thuyền của gia đình chúng tôi qua những trận sóng gió chòng chành và thêm trân quý hơn những giây phút được ở bên nhau.
Và còn rất nhiều những “quy ước” đáng yêu nữa mà bạn có thể thiết lập cho gia đình mình, những “quy ước” nhỏ có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn thêm chút phiền toái, nhưng sự phiền toái ngọt ngào ấy sẽ nhắc nhớ bạn rằng, luôn có một sợi dây liên kết gắn bó giữa bạn và những người thân yêu hay đơn giản là giữ trong tim mình một “cam kết”, một “bí mật” để có thể mỉm cười bất cứ lúc nào cho dù nó nhẹ nhàng như một nụ hôn của cô con gái lên má người cha, hay kì cục như cách mà cô con gái 3 tuổi của tôi “quy ước” với ba mẹ: “Khi nào muốn gọi con dậy, mẹ phải thơm vào gót chân con cơ!”.