Khi bạn đang chuẩn bị đóng bài báo này lại và shopping cho con, hãy nhớ đến câu này!
Một cô bạn của tôi sẵn sàng chi tới những đồng tiền cuối cùng trong túi để mua cho con gái những bộ quần áo hàng hiệu đẹp nhất. Cô nói, (cũng giống như tâm sự của hàng ngàn bà mẹ khác): “Đồ của mình thì mình còn hạn chế được, chứ mua cho nó là mình không cầm lòng nổi”! Váy áo, giày, tới nơ cột tóc của bé cũng đi theo tông với nhau, đẹp lắm. Mỗi ngày bé vào trường, nổi bật như một ngôi sao, xinh xắn, dễ thương. Bé được nhiều người khen ngợi, được các thầy cô cưng chiều, bé vui vẻ và tự tin.
Một cô bạn khác có con trai 7 tuổi cũng nói: “Mình không thích mua quần áo đắt tiền cho nó. Nhưng mình nhận thấy nếu nó ăn mặc đẹp, nó sẽ được mọi người yêu quý hơn, cô giáo cũng yêu quý nó hơn!”.
Bố mẹ nào chẳng muốn con mình được như vậy? Bao nhiêu cố gắng làm lụng của chúng ta ở công sở, trên thương trường… cũng là muốn mang tới cho con những điều tốt đẹp nhất, để con có thể nhận về những cảm xúc tốt đẹp nhất!
Nói thật, tôi cũng khó cưỡng được sự thèm muốn mua con con quần áo chất lượng cao, hàng hiệu, bởi nó không chỉ là một bộ quần áo đẹp, nó còn an toàn, không có hóa chất độc hại, không dễ dàng bung chỉ sứt nút, làm con mắc cỡ giữa đám đông. Và quan trọng hơn, hầu như mọi người đều tin rằng mặc bộ quần áo đẹp cho con mình còn làm con mình được yêu thương, làm con mình tự tin và biết yêu bản thân!
Có đúng vậy không? Thạc sỹ cộng đồng Nguyễn Thị Oanh lại nói khác. Trong một buổi học về kỹ năng làm cha mẹ, bà nhiệt tình ngăn các bậc cha mẹ trong lớp đừng quá mua, và đừng quá khen khi con có đồ đẹp, quà đẹp.
Khi bạn mặc cho con một bộ váy đẹp, bạn khen con, ông bà khen con, thầy cô giáo khen con, hàng xóm khen con… Thì cái đầu non nớt, trong veo của con hiểu được rằng: Cái đáng khen này là từ bộ quần áo đẹp, niềm vui này là có từ bộ quần áo đẹp, khi mình có bộ quần áo đẹp mình sẽ được tung hô.
Điều đó làm bé nhận được thông điệp sai về những giá trị của cuộc sống. Quan trọng hóa những giá trị bên ngoài, và coi nhẹ giá trị bên trong, vốn thường bền vững hơn, quý giá hơn. Hôm nọ tôi gặp một đoàn nhà báo Thụy Điển, họ nhìn tờ báo của tôi, với cái bìa đẹp long lanh mà cả êkip làm bìa đã phải lao tâm khổ tứ, làm việc cật lực, từ nhiếp ảnh chọn góc máy, stylist chọn trang phục, rồi đạo cụ, ánh sáng, rồi photoshop chỉnh sửa cho nhân vật sáng choang, không tỳ vết. Thì đúng, chúng tôi phải làm cho tờ báo được nổi bật, để ai cũng muốn ngắm, muốn mua. Họ hỏi tôi môt câu mà làm tôi ngẩn ra: “Chúng tôi đang có một cuộc tranh cãi về việc chỉnh sửa tút lại hình ảnh trên báo và các phương tiện truyền thông. Hình ảnh đã chỉnh sửa đẹp tới mức thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tâm trạng phụ nữ? Mặt đẹp dáng thon, mọi chi tiết đều quá hoàn hảo, thì người xem sẽ phải tự hỏi: “Mình phải làm thế nào để mình cũng được giống như thế?” Các bạn có nghiên cứu về những tác động tiêu cực khi mang những bìa báo này tới các bạn trẻ không? Chúng tôi đang làm những cuốn phim về công việc ở các tòa soạn, để giải thích cho trẻ em hiểu được rằng những tấm ảnh long lanh này đã được chỉnh sửa như thế nào. Chúng tôi nghĩ đó là bài học quan trọng!”.
Đúng vậy, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, phụ nữ trầm cảm hơn khi xem những hình phụ nữ khác quá đẹp! Khi nhìn những cô người mẫu long lanh ngực tròn căng, eo thon, chân dài miên man, làn da nuột nà, mũi cao, mắt to, tóc mượt… thì bạn dễ thấy mình xấu xí, chẳng được một nét gì khả dĩ! Nhớ hồi dậy thì, tôi và bạn bè, đứa nào cũng than thở về cơ thể mình. Hầu hết đều có những bất như ý, chỉ mong ước ngày sau có tiền phẫu thuật thẩm mỹ, hay có cây đũa thần vẩy một cái để biến đổi. Đến ngay cả cái tên, hồi đó, cũng luôn mơ ước mình có một cái tên khác, và cộng đồng teen nói chuyện với nhau toàn bằng nickname…
Vậy là, khi bé của bạn quá chú ý tới mặc đẹp, có thể sẽ không tốt cho bé và cả cho con của những bà mẹ khác!
Mặc khác, nguy hiểm hơn, khi dần dần bé nhận ra rằng, khi mình mặc đẹp, mình mới được khen, được vui vẻ, tự tin, hạnh phúc… Mà quần áo đẹp là do bố mẹ mua, ông bà cho…
Và có nghĩa là những cảm giác hạnh phúc, tự tin bé nhận được nhiều nhất trong đầu đời là do những món đồ mà người khác mang tới cho bé. Khi bé không tự tin, không thấy hạnh phúc, bé sẽ tiếp tục chờ đợi xem có ai mang tới cái gì khác nữa không để giúp mình lại yêu đời. Điều này sai về bản chất! Làm sao để ta có thể dạy bé rằng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, yêu đời phải tự chính trong bản thân con tạo nên?
Mỗi khi nhìn thấy người trầm cảm, oán trách chồng con, đối tác, đồng nghiệp… Mỗi lần đọc tin tức về một người nào bất hạnh tới mức tự tử… tôi đều lo lắng tự hỏi là sao để con mình tìm thấy niềm vui ở chính nó.
Con muốn tự tin, con phải làm những việc để con tự tin, con muốn hạnh phúc, con phải học cách làm con hạnh phúc. Con muốn tự hào, con sẽ phải tự tìm cách đạt được những thành quả để mình có thể tự hào. Những cảm giác đó, không ai nợ nần, cam kết phải tạo cho con, không có ai có nghĩa vụ phải mang sẵn tới cho con, dù người đó có trách nhiệm với con (như vợ -chồng), dù người đó yêu con nhiều (như ba mẹ), dù người đó sẽ trả tiền cho con (như sếp)…
Khi con nắm chắc được điều đó, con cũng sẽ không chờ đợi bị động, con cũng không ỷ lại, con cũng sẽ không đổ tội cho người nào đó, và con sẽ không từ bỏ nếu gặp khó khăn! Điều này quan trọng hơn cảm giác tự tin được xây dựng trên một bộ quần áo đẹp.
Tuy nhiên, khen một bé có bộ quần áo đẹp khi mới gặp bao giờ cũng dễ dàng. Hơn là khi phải tìm để khen bé có những cư xử đẹp (ít nhất phải chơi với bé một lúc lâu mới biết).
Nhưng là một bà mẹ của 2 con gái nhỏ, tôi vẫn mong mọi người nhận xét, khen ngợi con mình ở những cử chỉ đẹp, những câu nói hay, những cung cách lễ giáo tốt mà bé có. Khá đánh đố, nhưng không phải là không làm được, đúng không?
Cho nên, nếu nhìn thấy một em bé xinh xắn, ăn mặc long lanh, tôi cũng vẫn khen, khiếu thẩm mỹ cũng cần khen chứ? Nhưng tôi không dành hết tất cả sự trầm trồ tán thưởng cuả mình vào bộ váy, tôi khen ngợi bé vừa phải, rằng bộ váy áo đẹp và hợp quá. Rồi tôi sẽ để dành cung bậc trầm trồ cao hơn cho bé khi bé biết chào hỏi, cám ơn, xin lỗi, biết chơi với bạn bè, biết cất dọn đồ chơi, biết phụ ba mẹ việc nhà, biết đọc sách, biết cố gắng trong việc gì đó…
Bài viết "Làm thế nào để nói chuyện với con gái nhỏ" của Lisa Bloom đạt 300.000 lượt thích, gần 100.000 lượt chia sẻ và khoảng 6.000 email truyền nhau, trở thành một trong những bài viết được yêu thích nhiều nhất trên Facebook năm 2011, viết hay hơn tôi về vấn đề này.
“Cuối tuần trước, tôi đến dự bữa tiệc tối tổ chức ở nhà một người bạn. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi gặp bé gái 5 tuổi nhà cô ấy. Cô bé Maya có mái tóc xoăn nâu, đôi mắt đen, ngây thơ như nai. Maya rất đáng yêu trong chiếc áo ngủ hồng bóng. Tôi muốn thốt lên: “Maya, cháu thật đáng yêu! Hãy nhìn cháu xem! Xoay tròn và khoe chiếc áo choàng có đăng-ten tuyệt đẹp ấy đi! Cháu thật lộng lẫy!”. Nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi tự chặn họng mình. Tôi luôn cắn lưỡi khi gặp các cô bé, kiềm chế chính mình ngay từ những cảm xúc bộc phát đầu tiên – những lời khen các bé thật dễ thương, xinh xắn, quần áo đẹp đẽ.Tại sao thế? Liệu đó có phải là những câu mở lời chuẩn mực theo văn hóa của chúng ta khi nói chuyện với các bé gái không? Và tại sao lại không dành cho các bé lời khen chân thành để nâng cao lòng tự trọng của các em? Vì chúng quá đáng yêu đến mức tôi chỉ muốn òa lên khi gặp.Hãy kìm nén suy nghĩ đó một lát….… Hãy thử khi lần sau bạn gặp một cô bé. Lúc đầu, cô bé ấy có thể sẽ ngạc nhiên vì ít người hỏi về suy nghĩ của cô, nhưng hãy kiên nhẫn. Hãy hỏi xem cô bé đang đọc gì. Cô bé thích và không thích cái gì, tại sao. Không có câu trả lời sai.Bạn chỉ cần tạo ra một cuộc trò chuyện thông minh, một cuộc trò chuyện tôn trọng bộ não của cô bé. Đối với những cô bé lớn tuổi hơn, hãy hỏi chúng về những vấn đề hiện tại như: ô nhiễm, chiến tranh, ngân sách trường học giảm. Cô bé sẽ giải quyết nó như thế nào nếu có một cây đũa thần? Bạn có thể nhận được một số câu trả lời hấp dẫn. Hãy nói với cô bé về ý tưởng của bạn, những thành tích và những cuốn sách yêu thích của bạn. Làm mẫu cho cô bé điều mà một người phụ nữ biết suy nghĩ nói và làm.”Tôi cũng like mạnh với bài của Lisa Bloom!