Mẹ & bé

Giúp con vượt qua đợt dịch viêm não nhờ phòng bệnh đúng cách

Dù mới vào đầu mùa hè nhưng số trẻ nhập viện do viêm não đã tăng nhanh ở nhiều bệnh viện khu vực phía Bắc. Trong đó, khá nhiều trẻ bị biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao do đến viện muộn.

Để phòng tránh và phát hiện kịp thời khi trẻ mắc bệnh viêm não, các mẹ cần có những hiểu biết để phòng bệnh cho con đúng cách. 
Nhiều trẻ nhập viện do viêm não
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 280 ca mắc viêm não (cả viêm não Nhật Bản), trong đó bốn trẻ tử vong. Tuy có thể xuất hiện ở các mùa trong năm, nhưng tại khu vực phía Bắc, mùa hè là thời điểm của bệnh viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. 
Từ cuối tháng 5 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã ghi nhận hàng chục bệnh nhi viêm não nhập viện, trong đó nhiều ca viêm não Nhật Bản. Còn tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư thời điểm này đang điều trị cho gần 20 ca viêm não trong đó có cả viêm não Nhật Bản.
Giúp con vượt qua đợt dịch viêm não nhờ phòng bệnh đúng cách 1
Thấy cậu con trai gần 12 tháng tuổi sốt cao và bỗng nhiên bỏ bú, chị Hạnh (Hưng Yên) nghĩ rằng con bị sốt virut như mọi khi. Sau 3 ngày thấy con vẫn không hết sốt, chị đưa đi khám tại bệnh viện huyện, làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị viêm não. Sau hơn một tuần điều trị vẫn không đỡ mà còn có biểu hiện co giật, co cứng toàn thân nên cháu bé được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Theo các bác sĩ đang điều trị, vì não tổn thương nặng nên nếu may mắn sống được thì sau này cháu bé cũng khó phát triển bình thường về trí tuệ. 
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi - BV Bạch Mai), nhiều bệnh nhi không được phát hiện sớm, khi vào bệnh viện đã chuyển sang thể nặng, rơi vào trạng thái hôn mê sâu, co giật nên để lại những di chứng sau này. 
Chủ động tiêm phòng để phòng bệnh
Cũng theo bác sĩ Dũng cho biết, bệnh viêm não rất dễ bùng phát trong mùa hè do thời tiết nóng ẩm, muỗi phát triển nhiều, trong khi nhiều người ngại mắc màn khi ngủ đã tạo điều kiện cho muỗi đốt nên nguy cơ viêm não càng cao. Bệnh viêm não có thể để lại di chứng nặng nề như hôn mê, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não, có thể gây tử vong. 
Một trường hợp viêm não điển hình, bệnh nhi thường có các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe và nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê....
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm não ở trẻ nhỏ là do virus. Viêm não ở trẻ nhỏ thường có những triệu chứng không điển hình và khó phát hiện. Vì vậy khi trẻ bị sốt trên 39°C cần dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc thay đổi tư thế, gồng cứng người. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1 -  3 tuần, nếu hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng, bệnh nhi mới hồi phục được chức năng tối đa. 
Vì rất khó phát hiện bệnh nên khi trẻ bị sốt cha mẹ cần theo dõi sát những biểu hiện của con. Trường hợp trẻ bỏ ăn, bỏ chơi, không nói, người chậm chạp, lờ đờ... nhất là khi trẻ kêu đau đầu nhiều, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não và  phải được đưa đi khám, không được tự tiện điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm vì nếu điều trị muộn có thể dẫn đến tử vong, còn nhẹ thì nhiều khả năng bị di chứng ảnh hưởng thần kinh, trí não kém phát triển, thậm chí tâm thần. 
Giúp con vượt qua đợt dịch viêm não nhờ phòng bệnh đúng cách 2
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi - BV Bạch Mai) cho biết, nhiều bệnh nhi không được phát hiện sớm, khi vào bệnh viện đã chuyển sang thể nặng, rơi vào trạng thái hôn mê sâu, co giật nên để lại những di chứng sau này.
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhi và chữa triệu chứng. 
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm não là tiêm vaccine. Với viêm não Nhật Bản, cha mẹ bắt đầu đưa trẻ đi tiêm chủng lúc 12 tháng tuổi, hai mũi đầu cách nhau 1 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Do vậy, nếu trẻ chưa được tiêm phòng, cha mẹ cần chú ý cho con đi tiêm vaccine trước mùa dịch tại các trung tâm y tế. Tốt nhất cần tiêm trước mùa dịch từ 2 - 3 tháng, có như vậy cơ thể mới đủ sinh ra kháng thể chống lại căn bệnh này. 
Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm phòng, cha mẹ cũng cần cho trẻ ngủ màn, vệ sinh ngoại cảnh hạn chế muỗi sinh sôi, vệ sinh ăn uống và thân thể cho trẻ; vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi…  
Tới đây trong 2 ngày (22-23/6), Hà Nội sẽ tiêm miễn phí vaccine phòng viêm não Nhật Bản mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên. Cùng với Hà Nội sẽ có 62 tỉnh, thành khác cũng sẽ đồng loạt triển khai kế hoạch tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ thay vì chỉ tiêm ở khu vực nguy cơ cao như trước đây.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,333,973       736