Đã có lúc chị Nga gần như tuyệt vọng khi không biết tìm đâu ra máu hiếm để cứu đứa con trai bé bỏng mới sinh.
Ngày 4/6, một đoạn thư ngắn với vài chục nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội facebook đã lôi kéo được sự chú ý của cư dân mạng. Trong đoạn viết là lời cầu cứu của một bà mẹ với nội dung như sau: “Cả nhà ơi, mình mới sinh con được 1 ngày, con mình thuộc nhóm máu ORH+, con cần truyền máu, mình ở Hà Nội, con đang ở bệnh viện Nhi, cầu xin mọi người giúp mẹ con mình. Mình mất 2 cháu rồi, đây là cơ hội làm mẹ còn lại duy nhất của mình!”. Gần như ngay lập tức, đoạn thư trên đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên khắp mạng xã hội và nhận được vô số lời động viên, chia sẻ cũng như ý định giúp đỡ từ mọi nơi.
Chủ nhân của lời cầu cứu này là chị Nga (Xuân Đỉnh, Hà Nội). Đã có một bé gái 6 tuổi và trải qua 2 lần làm mẹ tiếp theo không thành công, chị Nga và gia đình hiện đang dồn toàn bộ nỗ lực cho đứa con thứ mới sinh hiện vẫn đang được cách ly theo dõi tại bệnh viện.
Hai lần đau đáu vì con
Gặp chị Nga tại Khoa điều trị tự nguyện, viện Phụ sản TW, sức khỏe chị tuy vẫn còn yếu nhưng có khá hơn, mọi sinh hoạt, đi lại đều có sự hỗ trợ của mẹ đẻ và mẹ nuôi chị. Chị Nga cho biết, mấy ngày chị nằm viện, cả gia đình ai cũng lo lắng, chồng chị thì tất tả đi lại giữa phòng chị nằm và phòng cách ly để chăm cho cả hai mẹ con và làm những thủ tục xét nghiệm bác sỹ yêu cầu. Cũng may là có hai bên nội ngoại cùng giúp sức, chứ không thì hai anh chị không biết xoay sở ra sao.
Sau giờ tiêm, chị Nga từ tốn kể về quãng đường đầy chông gai mà anh chị vừa trải qua trong hành trình cứu con đầy cảm động của bậc làm cha mẹ, thi thoảng vẫn không che được đôi mắt đỏ hoe vì xúc động. Chị Nga và anh Công kết hôn năm 2006, ít lâu sau thì chị sinh bé gái đầu lòng. Khi ấy chị cũng kề cận tuổi 30. Con gái đầu sinh thường và trộm vía rất khỏe mạnh. Chính vì thế, khi quyết định sinh thêm con, hai anh chị rất tự tin và gần như không có chuẩn bị gì cho trường hợp bất ngờ xảy đến. Anh chị không khi nào nghĩ rằng có ngày mình lại rơi vào tình cảnh trớ trêu như thế này…
Vợ chồng chị Nga - anh Công và con gái đầu lòng
Lần thứ hai sinh con, chị đánh mất cơ hội làm mẹ chỉ sau khi sinh vẻn vẹn 3h đồng hồ. Lần thứ 3, nỗi đau chồng nỗi đau khi đứa con chị dứt ruột đẻ ra vẫn chỉ kéo dài sự sống được sau một thời gian ngắn ngủi không kém. Kết luận của bác sỹ về sự ra đi của 2 cháu chỉ là suy hô hấp cấp hoặc do rối loạn chuyển hóa. Sự mất mát quá lớn đã khiến gia đình chị Nga cảm thấy rất hụt hẫng và đau buồn tưởng chừng như không thể vượt qua. Tuy vậy, qua cơn suy sụp, chính chị Nga lại là người động viên chồng để anh thêm lạc quan và cùng chị tiếp tục nỗ lực vì con.
Nhắc tới hai lần
vượt cạn đau đớn mà vẫn mất con, chị Nga không giấu nổi ánh mắt đượm buồn “Buồn lắm chứ em, cháu thứ hai chỉ ở bên cạnh chị được 3h đồng hồ
sau khi sinh, cháu thứ 3 chào đời buổi trưa thì cũng chỉ cố gắng được đến buổi tối. Chị và anh còn quyết định không sinh thêm nữa, đến cháu thứ 4 này là nằm ngoài kế hoạch của anh chị. Ai có ngờ…”.
"Biết tìm đâu ra máu để cứu con..."
Sau hai lần sinh con đầy buồn bã lần trước, chị Nga và anh Công lại tự dặn lòng mình càng thêm thận trọng, tuyệt đối thực hiện đầy đủ tất cả các yêu cầu của bác sỹ ngay từ khi chị
mang thai. 14h20 ngày 3/6/2014, tròn 8 năm kỷ niệm ngày cưới của anh Công – chị Nga, bé trai (tên ở nhà là Cún) đã cất tiếng khóc chào đời, trong sự vui mừng tột độ của bố mẹ, người thân và cả bạn bè. Mừng mừng tủi tủi, niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, chị Nga chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo con chị cần truyền máu gấp, oái oăm thay bé lại thuộc nhóm hiếm ORH +.
Cả gia đình trong sinh nhật cô con gái nhỏ đầu lòng.
“Biết tìm máu ở đâu ra đây, khi biết mười mươi rằng mình không thuộc nhóm máu hiếm ấy?”, đó là câu hỏi thường trực trong đầu chị Nga lúc bấy giờ.
Sinh con ra trong đau đớn, vậy mà khi tỉnh dậy được biết con đang tiếp tục theo dõi trong phòng bệnh, chị Nga chưa một lần được ẵm bồng, cho con ăn để tận hưởng sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Điều đó có bà mẹ nào là không đau xót.
Xót con nhưng chưa một lần gia đình chị Nga đòi hỏi y bác sỹ phải giải thích cho mình về nguyên nhân cũng như hướng điều trị. Một phần vì các bác sỹ điều trị cho con chị cũng chính là những người thân quen mà gia đình chị đã nhờ cậy, chị Nga và anh Công hoàn toàn tin tưởng và chỉ biết làm theo tất cả yêu cầu bác sỹ chỉ định. “Để giải thích nguyên nhân cặn kẽ cho vợ chồng mình, các bác sỹ lại mất thêm cả giờ đồng hồ nữa. Thời gian đó, họ có thể đi cứu sống nhiều em bé khác như con mình, hơn ai hết mình biết rằng mình không thể ích kỷ được!”, chị Nga nhớ lại.
Vừa trải qua cơn vượt cạn đau đớn về thể xác, lại tiếp tục gánh thêm nỗi đau tinh thần khiến chị Nga gần như suy sụp. Hoang mang và lo sợ, chị Nga chỉ kịp thông báo cho những người thân quen vào bệnh viện thử máu, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không khi không một ai trùng nhóm máu.
Phép màu từ những “người thân xa lạ”
Khi đã gần như hết cách xoay sở, chị Nga chợt lóe lên một tia hy vọng, dù chỉ là nhỏ nhoi nhưng chị vẫn cố gắng nắm lấy, chị nhấc điện thoại – vật dụng duy nhất chị ở bên cạnh chị trong phòng bệnh, gọi cho một người bạn nhờ đưa những dòng tin cầu cứu lên mạng xã hội. “Quả là có nằm mơ mình cũng không nghĩ rằng sức lan tỏa của mạng xã hội lại mạnh mẽ đến thế”, chị Nga bồi hồi nhớ lại.
Bé Cún vẫn chưa một lần được gần mẹ kể từ khi sinh ra.
Khi gần như ngay lập tức, lời cầu cứu của chị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người xa lạ trên khắp toàn quốc. Trong hai ngày tiếp theo đó, vợ chồng chị đã nhận được trên dưới 500 cuộc gọi vừa chia sẻ vừa ngỏ ý muốn giúp đỡ, có bạn nhiệt tình cho biết mình thuộc nhóm máu hiếm con chị đang cần, yêu cầu chị Nga lưu số và cứ gọi bất cứ lúc nào cần. Có bạn ở tận Sài Gòn, tuy không thuộc nhóm máu hiếm nhưng vẫn gọi điện thoại tận tình hướng dẫn chị cách tìm kiếm và hướng điều trị được lấy từ chính kinh nghiệm của bản thân, vì con bạn ấy cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Sự hỗ trợ từ những “người thân xa lạ” đã khiến anh chị vô cùng cảm động: “Mình luôn luôn biết ơn những người đã giúp đỡ vợ chồng mình trong cơn khó khăn vừa qua, hai vợ chồng mình cũng hay làm từ thiện nhưng qua chuyện này, mình vẫn một lần nữa nhận được bài học lớn về tình người”.
Như một phép màu, khi tin nhắn của chị vừa đăng trên facebook lúc 11h trưa thì 2h chiều, đã có người đến bệnh viện tình nguyện hiến máu. Ngày 5/6 lại tiếp tục có người thứ 2 tìm đến hiến tặng máu. “Lúc đó mình còn yếu, mọi việc liên lạc đều qua chồng lo liệu, 2 bạn đó đến hiến máu thì đều đi cùng chồng mình sang phòng cách ly. Mình tiếc nhất là việc thậm chí còn chưa có cơ hội nói với 2 bạn đến một lời cảm ơn chân thành nhất”.
Chị Nga trong chuyến đi từ thiện cùng nhóm Hơn một tấm lòng.
Hiện tại, bé Cún vẫn đang được các y bác sỹ tận tình chăm sóc. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bé vẫn chưa thực sự ổn định, bé sẽ ở lại bệnh viện cho đến khi nhận được sự đồng ý của bác sỹ cho về với bố mẹ. Dù cho trước mắt có là một chặng đường khó khăn nhưng anh chị vẫn sẽ luôn vững tin để chờ đón điều kỳ diệu. Chị Nga không giấu được đôi mắt đỏ hoe khi được hỏi về cảm giác hiện giờ của chị. “Minh lo lắm chứ. Nhưng mình cũng động viên chồng rằng chắc chắn con mình sẽ không sao đâu anh, vì bé có điểm hơn người khác, khi được hàng nghìn người chúc phúc thế kia mà. Chắc chắc con sẽ bình yên về bên bố mẹ…”, chị nức nở.
Chị Nga chọn tên facebook cá nhân là Hoa xương rồng trắng, một sự trùng hợp hoặc vô tình nhưng tôi thấy điều đó vô cùng ý nghĩa. Điều khiến người khác cảm thấy khâm phục nhất ở chị đó là một nghị lực phi thường ẩn chứa phía sau vóc dáng bé nhỏ của người mẹ này. Giống như một cây xương rồng, tuy trong điều kiện sống khắc nghiệt vẫn vươn lên, phát triển khỏe mạnh và nở những cánh hoa xinh đẹp. Một vẻ đẹp mong manh nhưng tràn đầy sức sống tỏa sáng giữa khó khăn… Cầu chúc cho may mắn và hạnh phúc sẽ đến với gia đình anh chị!