Mẹ & bé

Cho - xin sữa mẹ ở nước ngoài và những điều các mẹ chưa biết

Để các mẹ hiểu thêm về mô hình ngân hàng sữa ở nước ngoài, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM.

Hiện nay cộng đồng mạng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xin sữa mẹ cho con uống. Đại đa số cho rằng việc này rất nhân văn và thực sự có ích cho những bà mẹ bị mất sữa sớm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cho con uống sữa của người mẹ khác là không nên vì không thể biết được người mẹ đó có mắc bệnh gì không? Vậy ở nước ngoài, việc cho - nhận sữa mẹ diễn ra như thế nào? TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM sẽ cho các mẹ biết về quy trình bảo quản, vận hành, điều kiện đóng góp và thụ hưởng ngân hàng sữa mẹ ở nước ngoài. 
Kiểm soát chặt cả chế độ ăn, tiền sử cấy ghép mô
Hiện nay có khá nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập ngân hàng sữa mẹ: Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Ấn Độ… Kể từ năm 1997, tại Bắc Mỹ đã có ngân hàng sữa mẹ và đưa ra quy trình thành lập ngân hàng sữa mẹ. Quy trình của Human Milk Bank Association of North America (HMBANA) được duyệt bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC- Mỹ) đã chỉ ra các điều kiện như sau:
Người mẹ cho sữa phải là người có sức khỏe tốt, con của họ đang phát triển khỏe mạnh và dưới 6 tháng tuổi khi họ bắt đầu cho sữa. Do có những bệnh lây truyền qua sữa mẹ, vì vậy người mẹ cho sữa cần thực hiện những xét nghiệm bắt buộc như: HIV 1 và 2, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Các bệnh lây truyền, bệnh viêm vú, cấy ghép mô hoặc cơ quan (bao gồm cả cấy ghép silicone vú). Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ một loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ hoặc bé bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa đến khi sức khỏe phục hồi. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa. Một lượng nhỏ rượu, thuốc men hoặc các loại thảo mộc trong sữa có thể có vấn đề với sức khỏe của bé.
Sau khi hoàn tất bảng câu hỏi, người cung cấp dịch vụ phải ký vào bản xác nhận cả hai mẹ con người cho sữa đều khỏe mạnh. 
Cho - xin sữa mẹ ở nước ngoài và những điều các mẹ chưa biết 1
Một bác sĩ đang bảo quản sữa mẹ tại một ngân hàng sữa mẹ. 
Phương pháp thu thập sữa và các loại túi trữ sữa giữa các ngân hàng có khác nhau. Người cho sữa được hướng dẫn cách vắt sữa hợp vệ sinh cho vào các túi. Một số ngân hàng sữa có điểm thu gom sữa riêng, một số thu thập sữa tại nhà riêng của người cho, còn một số yêu cầu các bà mẹ ở xa làm đông lạnh sữa trong túi trữ trước khi chuyển đến ngân hàng sữa. Ngoài việc thanh lọc cẩn thận người cho sữa, mỗi lô sữa được kiểm tra số lượng vi khuẩn trước khi thanh trùng. Ngân hàng sữa đòi hỏi máy làm đông lạnh và khử trùng cho quy trình chế biến sữa. Hầu hết các ngân hàng sữa có hai tủ đông, một cho sữa chưa qua chế biến và một cho sữa đã xử lý. Theo hướng dẫn của HMBANA: “Tất cả sữa đều phải qua xử lý nhiệt trong 30 phút ở trên 56°C”. Sau khi thanh trùng, một mẫu sữa được kiểm tra để đảm bảo an toàn.
Sữa các nhà tài trợ được phân phối bởi sự “kê đơn” từ bác sĩ của người nhận. Thông thường, nó được sử dụng trong bệnh viện, đơn vị  đang chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc cho trẻ sinh non, trẻ bị bệnh nặng. Tuy nhiên, đôi khi các nhà cung cấp sữa vận chuyển đến nhà của người nhận. Trong những trường hợp này, sữa được đông lạnh, đóng gói trong các thùng chứa đặc biệt.
Làm thế nào để thu thập nguồn sữa mẹ?
Hướng dẫn HMBANA quy định, các nhà tài trợ không được trả tiền cho sữa của họ. Tuy nhiên, bệnh viện và người nhận phải trang trải một số chi phí cho việc thu thập, chế biến và phân phối sữa (có thể từ 3 - 5USD một ounce- tương đương 28,34gr). Đây là một chi phí thấp hơn nhiều so với sữa tiệt trùng có thể thu được bằng cách khác. Gây quỹ cộng đồng và tài trợ cũng giúp các ngân hàng sữa đáp ứng chi phí. Hướng dẫn đảm bảo không ai bị từ chối sữa vì thiếu khả năng chi trả. Ngân hàng sữa sẽ thường xuyên làm việc với gia đình để có được bảo hiểm cho các loại phí. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm hiếm khi chấp nhận việc bảo hiểm loại hình này (trừ các trường hợp đặc biệt nào đó).
Cộng đồng cùng với các ngân hàng sữa sử dụng những phương pháp khác nhau để giáo dục và thu hút các nhà tài trợ bao gồm tài liệu quảng cáo trong văn phòng bác sĩ và các gói thông tin bệnh viện. Những tài liệu tham gia cũng đến từ chuyên gia giáo dục sinh con và nhóm cho con bú. Giống ngân hàng máu, các ngân hàng sữa đôi khi sử dụng quảng cáo trên báo, truyền hình và đài phát thanh để thu hút các nhà tài trợ, đặc biệt là khi nguồn cung thiếu. Họ luôn có những hỗ trợ với các bà mẹ dư thừa sữa và thường xuyên cung cấp thông tin để các đối tượng này chủ động tặng sữa...
Hiện nay, nhiều ngân hàng sữa sẽ nhận sữa từ các nhà tài trợ tại các tiểu bang trên khắp nước Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung cấp của họ. Các nhà tài trợ  luôn có mối liên hệ thường xuyên với các ngân hàng sữa để công việc được thuận lợi nhất.
Ai là người nhận sữa mẹ?
Trẻ sinh non là những người nhận thường gặp nhất của các nhà tài trợ sữa mẹ. Trẻ sơ sinh đủ tháng song đường tiêu hóa rối loạn cũng là đối tượng được cho sữa. Đôi khi,vì lý do nào đó, bà mẹ không thể chăm sóc cho con của mình thì họ sẽ sử dụng sữa từ ngân hàng sữa và phải trả chi phí.
Khi có sẵn lượng sữa lớn, một số ngân hàng sữa sẽ phân phối cho người lớn là những người suy giảm miễn dịch. Nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng sữa mẹ có tác dụng cung cấp dinh dưỡng và giảm nhẹ bệnh cho người bị ung thư...
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ

aFamily

      © 2021 FAP
        1,249,549       1,272