Mẹ & bé

Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về mẫu giáo Mỹ

Mẹ của bé Sóc chia sẻ về cách giáo dục của Mỹ - một nền giáo dục khiến cho trẻ con rất tự tin chốn đông người.

Nhút nhát trong giao tiếp là điều dễ thấy ở các bé Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sợ đến chỗ đông người, sợ nói chuyện với những người lạ, hoặc không thể hiện ý kiến của mình rõ ràng... Tôi may mắn khi được tiếp cận và cho con tiếp cận với cách giáo dục của Mỹ  - một đất nước "tự do" và trẻ con rất tự tin chốn đông người. Và từ đó, tôi hiểu ra rằng mình còn chưa biết rất nhiều về cách giúp con tự tin khi giao tiếp.
Cách đây 1 năm, lúc đó, Sóc Nâu nhà tôi 3 tuổi. Bé rất nhút nhát, sợ nói chuyện với người khác và sợ đến chỗ đông người. Những lúc ấy, bé hay khóc và chỉ bám lấy bố mẹ. Đến những khu vui chơi cho trẻ em, Sóc tuyệt nhiên không chơi với các bạn, bé chỉ đứng cạnh bố mẹ và nhìn các bạn chơi. Tại lớp mẫu giáo, Sóc không bao giờ dám bày tỏ ý kiến của mình. Có lần, bé không dám nói với cô rằng muốn đi vệ sinh và sau đó thì bé tè dầm ra lớp.
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về mẫu giáo Mỹ 1
Một buổi học của trẻ mẫu giáo Mỹ.
Tôi lo lắng không biết nên xử lý sao với chuyện này. Cho đến khi bố Sóc được học bổng du học bên New York (Mỹ) thì đó cũng là lúc mọi vấn đề trên được giải quyết. Chương trình học kéo dài 9 tháng và cả nhà tôi quyết định cùng sang đó để trải nghiệm "giấc mơ nước Mỹ" thế nào. Trong thời gian ở đây, tôi quyết định tìm trường mẫu giáo cho Sóc. Việc nhập học cho trẻ em ở New York khá đơn giản. Chỉ cần visa, giấy khai sinh và hợp đồng thuê nhà là bạn có thể đăng kí cho con học tại bất cứ trường mẫu giáo nào và hoàn toàn miễn phí.
Lần đầu tiên tiếp cận với Sóc, Jenna - cô giáo của bé rất ngạc nhiên vì những gì cháu thể hiện. Cô cho biết những đứa trẻ sinh sống tại Mỹ đều khá tự tin dù còn rất nhỏ. Cô Jenna nhấn mạnh: Vấn đề của Sóc không hề nhỏ. Điều này là bất thường và cần phải có giải pháp ngay lập tức nếu không quá muộn. Đến lúc đó, tôi mới thật sự thấy vấn đề nghiêm trọng. Tôi biết Sóc nhút nhát nhưng rất nhiều những đứa trẻ khác ở Việt Nam đều như thế. Lúc đó, tôi thực sự lo lắng. Tuy nhiên, các cô giáo ở trường mầm non đã trấn an tôi và hứa sẽ giúp Sóc.
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về mẫu giáo Mỹ 2
Playdate là hoạt động thường được các bà mẹ Mỹ tổ chức thường xuyên khi nhà có con nhỏ.
Việc đầu tiên là tôi và Sóc tiếp cận với khái niệm "playdate". Playdate nghĩa các bà mẹ sẽ tự sắp xếp thời gian rảnh rỗi để đến một gia đình có con nhỏ nào đó và cho các con chơi với nhau. Hoạt động này được tổ chức luân phiên giữa các bà mẹ trong một nhóm, thường diễn ra ở trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đây là hoạt động được tổ chức khá thường xuyên trong nhóm bố mẹ người ngoại quốc. Sau giờ học của trẻ ở trường, các bà mẹ sẽ đưa con đến nhà bạn để chơi thêm chừng 1-2 giờ. Hoạt động này giúp trẻ tăng cao mức độ nhận biết, thiết lập tình bạn từ độ tuổi còn rất bé. Việc chia sẻ đồ chơi cùng nhau, cũng như làm quen với môi trường mới lạ làm cho các bé rất hứng thú. 
Ban đầu, các buổi playdate nên tổ chức ở nhóm nhỏ. Cô Jenna đã giúp tôi sắp xếp và liên lạc với 2 gia đình có con hay chơi với Sóc ở lớp. Buổi playdate đầu tiên diễn ra ở nhà tôi. Tôi cùng con sửa soạn căn phòng như một buổi sinh nhật. Tôi giúp bé bơm những quả bóng bay và trang trí lên tường nhà, chuẩn bị một số bánh và trái cây ngon. Sóc bày sẵn một số đồ chơi của mình để chơi cùng bạn - theo như tôi hướng dẫn - và tôi thì theo lời cô Jenna hướng dẫn. Hôm đó, Sóc trò chuyện với các bạn khá nhiều nhờ trước đó, tôi đã "mách" bé một số chủ đề như: cầm ảnh chỉ cho các bạn đâu là bố, mẹ, ông, bà; hay bé giới thiệu bạn gấu bông thân thiết là quà sinh nhật lên 3. Các buổi playdate sau, tôi không cần thiết phải trang trí quá nhiều.
Tôi cũng được lưu ý là các buổi playdate chỉ nên diễn ra trong 1-2 giờ. Điều này có nghĩa những người bạn mới sẽ chỉ chơi ở mức có thể mang đến sự vui vẻ cho nhau. Những đứa trẻ ở độ tuổi này, thông thường, nếu chơi với nhau quá lâu rất, có thể đi đến những cuộc cãi vã (vì tranh giành đồ chơi chẳng hạn...).
Trong những buổi playdate này, tôi chọn những trò chơi và các hoạt động mà Sóc thích và giỏi chơi. Điều này giúp bé cảm thấy thoải mái và tự tin. Tôi để bé chọn nhưng đưa ra những gợi ý. "Tối đa hóa sự tương tác tích cực bằng cách chọn những trò chơi mà nhà bạn có nhiều đồ chơi để những đứa trẻ có thể chơi cùng nhau mà không phải chia sẻ quyền lợi của mình.", cô Jenna nhắc nhở tôi.
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về mẫu giáo Mỹ 3
Theo hướng dẫn của cô giáo Sóc, buổi playdate đầu tiên được tôi chuẩn bị khá chu đáo.
Song song với những hoạt động tại nhà thì tại trường mầm non, Sóc cũng được tham gia rất nhiều trò chơi nâng cao kỹ năng xã hội. 
Ví dụ như các cô tại trường cho các con chơi trò chơi "xây dựng tình hữu nghị". Trò chơi rất đơn giản. Các con sẽ ngồi thành một vòng tròn và chia sẻ một số thông tin về bản thân như thích hay không thích điều gì, giới thiệu về gia đình, hay những hoạt động bé hay làm. Trò chơi này cần sử dụng một quả bóng len. Bé nào giới thiệu về bản thân mình xong thì sẽ ném quả bóng len về bé khác nhưng mình vẫn sẽ giữ chặt đầu len của mình. Quả bóng "liên lạc" cứ di chuyển từ người này đến người khác cho đến khi "mạng lưới kết nối" được hoàn thành.
Kĩ năng giao tiếp cũng được các cô dạy trẻ thông qua các trò chơi. Một điểm đặc biệt là trường mẫu giáo ở Mỹ chú trọng dạy trẻ kĩ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Trò chơi này như sau: Các con được yêu cầu đứng trong một hàng từ cao đến thấp hoặc từ thấp đến cao. Các con phải thực hiện theo hướng dẫn, nhưng không được phép nói ra bất cứ điều gì. Trò chơi nhằm dạy trẻ cách giao tiếp sử dụng cử chỉ và nét mặt.
Dạy trẻ kiên nhẫn và biết thay phiên nhau trong những tình huống là điều quan trọng nhưng rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này, các cô cho các con chơi trò chơi gọi là "Nụ cười giao thông". Các bé ngồi thành vòng tròn và sẽ phải dùng mọi cách để khiến người bên cạnh bật cười thì mới chuyển sang người khác. Đó là lý do trò chơi có tên gọi là "Nụ cười giao thông" - bạn phải có được nụ cười của người khác cũng giống như đèn giao thông màu xanh, mới được "đi qua". Hoạt động này có thể biến tấu với những cảm xúc khác nhau như buồn bã và tức giận (ở mức độ vừa phải) để các bé khám phá những cảm xúc của con người và xây dựng cho mình vốn "từ vựng" về cảm xúc.
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về mẫu giáo Mỹ 4
Squiggle - trò chơi vẽ tiếp nét phổ biến ở mẫu giáo Mỹ.
Một trò chơi tiếp theo tại trường mẫu giáo Mỹ mà tôi muốn giới thiệu ở đây đó là trò chơi luyện kĩ năng lắng nghe cho trẻ. Trò chơi này kết hợp với trò squiggle - vẽ tiếp nét. Các trẻ sẽ luân phiên thực hiện những nét vẽ cho đến khi hoàn tất một bức tranh. Điểm đặc biệt là mỗi khi đến lượt mình vẽ xong, trẻ sẽ nói tên của mình và giới thiệu một số thông tin cá nhân đơn giản như: thích ăn gì, thích chơi gì... Trẻ kế tiếp sẽ vẽ tiếp bức tranh và cũng giới thiệu đôi chút về bản thân. Trò chơi sẽ được lặp lại cho đến khi bức tranh được hoàn thành. Tuy nhiên, lần này, trẻ sẽ vẽ tranh và nhắc lại tên và sở thích của bạn mình chứ không phải của bản thân. Trò chơi này có 2 tác dụng: đó là dạy cho trẻ tích cực lắng nghe người khác, đồng thời, qua từng nét vẽ sẽ bộc lộ một cách có hệ thống cảm xúc, mong muốn của trẻ mà có thể còn ẩn giấu bên trong.
Còn rất nhiều điều thú vị về cách giáo dục cho trẻ tại trường mầm non ở Mỹ mà Sóc nhà tôi đã may mắn được tiếp cận. Chỉ sau 8 tháng học tập tại đây, Sóc đã thay đổi tích cực. Bé trở nên tự tin, thể hiện rõ ràng mong muốn, ý thích của mình. Không giống như những bạn nhỏ khác thích làm bác sỹ, giáo viên, công an..., Sóc chia sẻ với tôi rằng bé thích làm thợ may may những bộ váy cưới lộng lẫy như váy công chúa. Bé cũng thích nghề trang điểm cho cô dâu vì đơn giản thấy mẹ trang điểm xong, bé thấy đẹp hơn rất nhiều. Tôi thấy đó không chỉ là mong muốn nhất thời, bằng chứng là Sóc rất thích cắt dán những bộ váy bằng giấy cho búp bê với nhiều kiểu cách. Nghe con nói vậy, tôi không ngăn cản mà tôn trọng ước mơ của con. Và tôi tự hào vì con tự tin, không còn nhút nhát khi giao tiếp với người khác và đã có thể xác định rõ ràng ước mơ của mình.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,334,973       325