Điều anh hướng con đến không phải cái mác học sinh giỏi hay tiên tiến. Anh chỉ cần con thật thà thẳng thắn, sống và làm việc, hưởng đúng năng lực của mình.
“Với tớ con là tất cả. Bố tớ không cướp mất tuổi thơ của tớ thì tớ không cướp tuổi thơ của con…”
Anh Hà chia sẻ, sau khi học xong đại học, anh quyết định đi lên từ hai bàn tay trắng, không theo con đường sắp đặt của gia đình. Khi đó, gia cảnh nhà anh rất khó khăn, anh cũng không nhận một xu nào từ tay cha mẹ khi học xong đại học.
“Cha mẹ tớ đều là bộ đội và tớ có một tuổi thơ bên cha tuyệt vời”, anh tâm sự. Điều anh thích nhất ở bố là ông rất nghiêm khắc nhưng lại để con phát triển tự do không áp đặt. Ông ủng hộ anh, dạy anh theo những gì anh thích và để anh trưởng thành một cách tự nhiên.
“Nên tớ cũng đang dạy cho con tớ như thế đấy. Hãy làm những gì con thích và viết những gì con nghĩ, không cần thành tích hay điểm số. Tớ nói thật từ bé tới giờ chưa bao giờ tớ được giấy khen cho dù là học sinh tiên tiến. Nhưng đến giờ tớ vẫn thạc sỹ, tiến sỹ, vẫn là cán bộ khoa học như ai và làm không hết việc.”
Chân dung “nhà văn nhí”...
Điều anh hướng con đến không phải cái mác học sinh giỏi, hay tiên tiến. Anh chỉ cần con thật thà thẳng thắn, sống và làm việc, hưởng đúng năng lực của mình.
“Ví dụ như khi con tớ muốn có một quyển truyện, con cần phải làm việc mới có được nó, chứ tớ không bỏ tiền để mua theo ý thích của con. Nếu năng lực làm việc của con không đủ mua quyển truyện thì con phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và để con làm được, tớ sẽ giúp con”.
“Hết cấp 1 chỉ cần cháu biết đọc biết viết là được”
“Khi bài văn của cháu được lan truyền trên mạng xã hội, ngoài những ý kiến “hài hài vui vui” thì cũng có những bình luận là cháu viết lỗi chính tả sai nhiều quá. Tớ chẳng để ý nhiều!”, anh chia sẻ.
Anh không muốn con phải đạt được mục đích và danh hiệu bằng mọi cách nên mới có chuyện, trong học kì đầu lớp 1 cháu là học sinh trung bình khi cả lớp đạt học sinh giỏi mà bố không hề buồn, trái lại, còn vui. “Vì cháu không đi luyện trước, vào lớp 1 cháu mới tập viết và tập đọc nên cháu đuối”.
Anh vui vì con đón nhận kết quả này với sự xấu hổ, lên lớp hai cháu đã vươn lên thành học sinh giỏi. Anh vẫn đồng hành cùng cháu, kiên trì tìm ra các phương pháp học tập hiệu quả. Với anh, con trẻ không nên học nhiều mà phải chơi nhiều, để cháu không bị cận thị và phát triển toàn diện.
Thế nên, ngoài lúc học, “ông bố lười” dành nhiều thời gian tự dạy kỹ năng sống cho cháu như: Bơi lội, võ thuật, tính cách thật thà, đàn hát, nấu cơm, nhặt rau, tập thể dục sáng sớm, là quần áo, chăm em bé… Đương nhiên việc gì cháu cũng làm vừa sức mình thôi, có tinh thần tự giác là được.
Cho đến bây giờ cháu mới học lớp hai đã biết phụ mẹ việc nhà, tự tắm giặt cho mình, trông em, tự sang đường đi ăn sáng, ngã không khóc, tự chủ bản thân, đút bột cho em ăn… Thế nên dù có đi công tác vài ngày, vợ chồng anh cũng chẳng lo lắng nhiều.
... và bài văn trung thực được bố khuyến khích.
“Thật ra tớ không lười, tớ chăm nhất xóm đấy nhé!”
Hiện anh Hà đang công tác tại Trung Tâm CNTT trường Đại học Thương mại. Do mức lương nhà nước thấp nên anh phải làm thêm. Gia đình anh có một chuỗi cửa hàng vàng bạc đá quý tại Hà Nội, một nhà hàng và 1 công ty thiết bị văn phòng nên khá bận rộn.
Thường anh bắt đầu một ngày từ 5h30 sáng và kết thúc công việc vào lúc 8h tối, ăn cơm với gia đình lúc 9h, chính thức “nằm ườn” từ 9h30 phút, anh đọc sách và chat với bạn bè, sinh viên đến 11h thì ngủ.
Anh chia sẻ: “Trước bài văn này cháu đã viết một bài văn rất hay về tớ như sau: Bố em năm nay đã ngoài 30 tuổi bố em là giảng viên đại học… và còn là giám đốc công ty và nhà hàng… Bố em rất yêu thương em, đưa em đi học, tắm rửa cho em vào mỗi chiều, tối dạy em học bài… em rất yêu bố em, v.v... Tóm lại là một bài văn theo mẫu rất hay nhưng đó không phải sự thật”.
Khi đọc những bài văn đó, anh bảo đùa con: “Mày điêu, bố tắm cho mày lúc nào? Dạy học lúc nào? Bố chỉ kiểm tra bài thôi chứ…”.
“Tớ bảo con nhìn thấy gì con viết thế, tả thực chứ nói dối là không được. Cháu cãi, bảo tả thực thì buồn cười lắm mà cô cho điểm xấu”.
Anh lắc đầu, cứ có gì nói đấy không nên xấu hổ, điểm kém cũng được.
Thế là bài văn “ông bố lười ra đời”. “Ấy thế thật ra tớ không lười, tớ chăm nhất xóm đấy nhé. Tớ không rượu bia, không thuốc lá, không gì hết. Chỉ biết kiếm tiền để cho con mình đỡ khổ, cho gia đình mình hạnh phúc và cố gắng luôn là người bạn của con mình”.
Gia đình hạnh phúc là gia đình bình đẳng và tràn đầy tiếng cười
Ở nhà anh, ai cũng có quyền bình đẳng và tự do ngôn luận trong khuôn khổ, được làm những gì mình thích và không bị bó buộc khuôn phép.
Để có được sự bình đẳng đó, cả nhà phải cố gắng phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Bố làm việc gì, mẹ làm gì, bà làm gì, các con làm gì. Thực hiện đủ trách nhiệm với gia đình xong thì “tha hồ” làm những việc mình thích, nhưng nhất thiết phải theo truyền thống gia đình: Trên dưới tôn trọng lẫn nhau, làm việc theo năng lực cá nhân, phát triển theo lứa tuổi tư duy.
Gia đình nhỏ của "ông bố lười"
“Với bản thân mình, tớ luôn tự nhắc mình phải làm đúng chức năng làm bố, không chạy theo thành tích, không làm hỏng tuổi thơ của con, không mắng con khi cái sai không đáng mắng. Nhưng sẽ phạt rất nặng nếu đi lệch trục quỹ đạo phát triển của con người”.
Anh Hà hy vọng, sau này con sẽ lớn lên, phát triển toàn diện, “làm một việc gì đó kiếm được miếng ăn cho mình, sống nhẹ nhàng hướng thiện… Đừng tham lam và cay cú cuộc đời, sống vui sống khỏe sống sạch sẽ cả tinh thần lẫn nhà cửa. Đúng tinh thần người Hà Nội là ổn rồi”.
Trong gia đình anh luôn tràn đầy tiếng cười. Mỗi khi về nhà sau một ngày công việc bận rộn, vợ chồng anh luôn để những việc phiền muộn xã hội ở ngoài cửa, tránh mang vào trong nhà. Bữa tối ở nhà anh kéo dài ngắn nhất là 1h30 phút, nói đủ thứ chuyện, cả nhà vui vẻ kể chuyện, vui vẻ chọc nhau cười.
Thế nên, trong mỗi bữa ăn “mẹ nó toàn phải làm món gì nhấm nháp, và cả nhà cùng uống nước lọc, cụng ly buôn chuyện với cả bà nội và bà ngoại, vui lắm. Nên bé bảo mẹ rất tuyệt là vì thế”.