Mẹ & bé

Chuyên đề: Thực trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam

Kỳ 1: Báo động về thực trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam.

Báo cáo của cuộc Khảo sát Tình trạng Dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) ở trẻ em 6 tháng – 12 tuổi tuổi đưa ra từ tháng 4 năm 2013, cho thấy một bộ phận không nhỏ trẻ em Việt Nam không đạt được chuẩn khuyến nghị dinh dưỡng của Bộ Y Tế. Đây thực sự là một thực trạng đáng báo động, song phản ứng của không ít phụ huynh là “làm gì nghiêm trọng thế” và “chắc chỉ ở nông thôn!”. Ai cũng cho rằng nền kinh tế đã phát triển, đâu còn tình trạng thiếu ăn mà bị thiếu chất? Vấn đề ở chỗ mà bạn cũng có thể nhìn bằng mắt thường: ngay cả ở trẻ thành thị, đa số ở hai cực đối lập, một là ham ăn béo phì, hai là khảnh ăn gầy yếu. Rất hiếm hoi để tìm thấy trẻ cao lớn và có hệ cơ xương đúng chuẩn.
Chuyên đề: Thực trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam 1
1. Cha mẹ ỷ y, con mất cân đối dinh dưỡng
Cụ thể, theo khảo sát của SEANUTS, mặc dù tình trạng dinh dưỡng đã có tiến bộ, Việt Nam vẫn nằm trong số ba mươi sáu quốc gia có tỉ lệ trẻ thấp còi cao nhất thế giới. Ở lứa tuổi đi học, có 15,6% trẻ ở thể thấp còi và 22,2% trẻ em bị nhẹ cân. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì và mắc bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng cũng gia tăng, với tỉ lệ thừa cân và béo phì ước tính ở trẻ em hiện nay là 4,8%. 
Nhờ có các chương trình đặc biệt ở tầm quốc gia, đã có những cải thiện về tình trạng thiếu Vitamin A, thiếu i-ốt và thiếu máu dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ em, không phân biệt nông thôn hay thành thị, không tiêu thụ đủ protein, năng lượng hoặc những loại dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đáng chú ý là tỉ lệ thiếu hụt vitamin D ở độ tuổi đi học cũng chiếm một con số rất cao.
Nhiều tài liệu chứng minh rằng cả tình trạng suy dinh dưỡng và tình trạng thừa dinh dưỡng ở lứa tuổi đi học đều có thể gây những tác động có hại và để lại hậu quả lâu dài như giảm phát triển trí tuệ và giảm kết quả học tập, giảm kích thước cơ thể khi lớn, giảm năng suất làm việc và nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm cao hơn. 
Chị Lê Mai Hoa, ở Quận 3, TP. HCM, khi được hỏi “Chị có nghĩ con mình nằm trong số những trẻ em không đạt chuẩn dinh dưỡng không?”, chị trả lời: “Chắc không đâu. Vì bình thường tôi vẫn cho con ăn ngon & ăn đủ bữa, cuối tuần còn được bồi bổ gà tần, óc hấp…”. Tuy nhiên khi được hỏi chi tiết hơn, chị cho biết con trai chị không bao giờ ăn rau, chỉ ăn trái cây ngọt và thích gà rán, khoai tây chiên.
Chế độ ăn của con chị Hoa cũng gần như là mẫu số chung của nhiều trẻ em thành thị khác. Và qua đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng, rõ ràng chế độ ăn này chắc chắn sẽ đưa đến tình trạng trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng so với nhu cầu khuyến nghị.
2. Nguyên nhân đằng sau con số đáng báo động
Khi kinh tế phát triển chuyện ăn no mặc ấm không còn là mối bận tâm nhưng cuộc sống hiện đại lại phát sinh những nỗi lo mới. Những bữa cơm gia đình ngày càng vắng bóng, thay vào đó là thói quen cơm hàng cháo chợ. Đến khi trẻ đi học, gánh nặng bài vở chiếm chỗ, cha mẹ lại chỉ kịp cho con ăn qua bữa để chạy sô học hành. Hoặc với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, học bán trú tại trường cấp 1 thì việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ được trông cậy hoàn toàn vào những bữa cơm ở trường. 
Tiến sỹ Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh Dưỡng – người đã trực tiếp thực hiện khảo sát SEANUTS từ những ngày đầu, cho biết: tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam khi mới sinh đúng với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng khi các em lớn dần thì tình trạng dinh dưỡng lại không còn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nữa. Tình trạng này, có thể là do dinh dưỡng nuôi trẻ lớn lên không đúng. Chế độ ăn của người Việt Nam có cơm là loại thực phẩm chính, có nhiều hàm lượng carbohydrate (đường, tinh bột và chất xơ), nhưng lại ít chất béo từ động vật, protein từ động vật, trái cây và rau củ, nên chứa đựng nhiều nguy cơ thiếu hụt vi dưỡng chất như sắt và vitamin A. 
Vì thế, Tiến sỹ Lê Nguyễn Bảo Khanh khuyên cha mẹ cần lưu ý để cho con ăn đa dạng, phải có ít nhất 15 loại thực phẩm khác nhau đến từ 4 nhóm thực phẩm, nên có nhiều món ăn trong mỗi bữa ăn, thay đổi thực phẩm trong các bữa ăn và năng đổi món theo ngày và theo mùa. 
Liệu con bạn đã đạt chuẩn khuyến nghị về dinh dưỡng của Bộ Y tế?
aFamily

      © 2021 FAP
        1,335,239       752