Lê Hữu Nam, một ông bố trẻ yêu con nhưng vì một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt mà cơ hội ở bên con gần như không còn nữa…
Phép màu của một ông bố
"Ba viết những dòng thư này cho những ngày con lớn lên, cho những gì còn thiếu vắng bên cuộc đời con. Là sự thật, nỗi buồn, điều oan trái, tình yêu thương, sự gửi gắm và cả niềm hi vọng trong những ngày mà ba phải sống xa con biền biệt. Mong con hạnh phúc và hãy nhớ ba yêu con trong từng hơi thở...!" (Trích Con đến như một phép màu)
Gặp Lê Hữu Nam, chàng trai sinh năm 86, không ai nghĩ rằng người đàn ông chỉ vỏn vẹn 30 kí đứng trước mặt mình đã là bố của một đứa trẻ hơn 1 tuổi. Nam bị bệnh tim bẩm sinh. Có thể nói căn bệnh tim 3 ngăn của Nam khá hiếm gặp. Tuổi thơ Nam đã phải lấy bệnh viện làm nhà, bác sĩ làm người thân, thuốc men làm bạn. Nam chỉ rời bệnh viện Nhi Đồng 2 khi đã… quá tuổi nhi đồng để có thể được ở lại điều trị chứ không phải vì bệnh thuyên giảm. Ngay từ bé, Nam đã ý thức rằng mình sẽ phải rời xa cuộc sống này, bất cứ lúc nào. Sống đến hôm nay đã là một điều kì diệu, càng kì diệu hơn khi Nam đã lập gia đình năm 2012 và sinh một bé trai vào cuối năm đó.
Lê Hữu Nam trong những ngày còn được ở bên cạnh con, chăm sóc cho con. Cũng như bao ông bố khác, với Nam, cậu bé Po là một tài sản không gì so sánh nổi. Nam kể, anh không bao giờ tin được sức khỏe kém cỏi của mình lại có thể tạo ra Po bụ bẫm hiếu động như vậy.“Khi sinh ra, Po được những 3,7kg. Po bú sữa mẹ kèm thêm sữa ngoài nên đến tháng thứ 4 đã được 8kg. Cu cậu ngủ rất ít, 1 ngày chỉ ngủ 8 tiếng, mà lại ngủ ngày, thức đêm, nên hai vợ chồng đều thức trắng để chăm con. Po lại rất hay ọc sữa vì chứng trào ngược ở trẻ. Những lúc cu cậu khó ở, Nam lại hát cho con nghe. Cậu bé đặc biệt thích “Bài không tên cuối cùng” của Vũ Thành An, cứ đang khóc mà hát bài đấy là lại nín. Từ trong tháng Po đã đòi ẵm thẳng đầu lên để nhìn xung quanh, bế ngửa ra là khóc. Lúc cu cậu bắt đầu biết lật mới buồn cười, thức cũng lật, ngủ cũng lật, đang bú cũng lật, cứ như phản xạ vậy. Thích nhất là được những ngón tay bé xíu cào cào vào mặt. Nam không bao giờ quên được cảm giác đó…” - Nam bồi hồi nhớ lại những kí ức ít ỏi với đứa con trai yêu quý của mình.
"Mặc dù biết con chỉ không ở cạnh ba trong thời gian ngắn, nhưng cảm giác xa cách làm cho ba thấy trống trải, kể cả lúc chưa thật sự phải xa..." (Trích: Ngày đầu cách xa con)
Và phép màu bay đi mất…
Khi Po được 4 tháng, vợ Nam đưa bé ra Bắc thăm gia đình ngoại và không trở về nữa. Vài tháng đầu Nam còn được cập nhật tình hình con, sau đó thưa dần và bặt luôn tin tức của vợ. Nhớ con đến suy sụp, Nam đã nhiều lần nhập viện vì căn bệnh tim quái ác, tưởng chừng không qua khỏi. Bác sĩ bảo căn bệnh không cho phép Nam ngồi tàu xe hay máy bay để ra thăm con. Mọi hy vọng gặp lại Po gần như không còn nữa. Bác sĩ của Nam khi có dịp ra Bắc công tác cũng đã tìm đến tận nhà ngoại Po và quay clip cậu bé về cho Nam xem đỡ nhớ. Bố của Nam có lần bay ra tìm Po cũng chụp vài tấm hình để Nam cập nhật tình hình phát triển của con. Khi Po tròn một tuổi, mẹ bé gửi cho Nam vài bức ảnh chụp Po trong bữa tiệc thôi nôi. Và đến nay, Nam không còn biết thêm thông tin gì về con nữa.
Thích nhất là được những ngón tay bé xíu cào cào vào mặt. Nam không bao giờ quên được cảm giác đó…
Nam nói, có thể mẹ Po cũng có lý do của mình, Nam không trách vợ và cũng không muốn ai trách vợ. Dù thế nào thì với Nam, không người phụ nữ nào còn có thể thay thế được cô ấy. Nam chấp nhận xa con dù có phải nhắm mắt, nhưng Nam không muốn thằng bé là vật bị tranh giành. Nam vẫn ở bên con bằng cách gửi tiền ra chu cấp hàng tháng và viết cho con mỗi ngày. Po thiệt thòi nhiều rồi, Nam không muốn con thiệt thòi hơn nữa nếu phải xa mẹ. Trừ khi vợ Nam chấp nhận cho Nam nuôi con, còn không thì Nam vẫn tôn trọng quyết định của cô ấy.
Bức ảnh hiếm hoi mà Nam có được sau khi xa con: bé Po trong ngày thôi nôi của mình.
Những ngày xa Po, rồi những chuỗi ngày nằm viện sau đó, Nam rất sợ khi mình mất đi, thằng bé sẽ không còn giữ lại một chút gì của bố nữa. Sự xa cách và thương nhớ đã thôi thúc Nam viết nhật ký cho con.
Nam chia sẻ: “Nam đang rất mong chờ một ngày được gặp lại con dù có thể nó sẽ không bao giờ xảy ra. Vì bệnh của Nam không nói trước được điều gì. Nếu gặp lại con, Nam sẽ tận dụng tất cả thời gian để làm những việc mà một ông bố phải làm. Nam sẽ cùng con làm 1 cái clip ghi lại những ngày cha con bên nhau, Nam sẽ đưa con đi gặp những bác sĩ y tá, những người vẫn đang tranh giành sự sống cho Nam từng ngày. Nam cũng sẽ đưa con đi gặp những người bạn thật lòng muốn gặp cha con mình. Nam cũng lưu lại những kỉ vật, mua thêm quà để dành khi Po lớn như sách, cờ vua, nhạc cụ… thỉnh thoảng Nam cũng mua đồ chơi lego nữa, nhưng chắc phải 7-8 tuổi Po mới chơi được. Nam hi vọng mẹ Po sẽ hoàn thành tâm nguyện của Nam là hướng sở thích của Po đến sách, cờ vua, và chơi nhạc từ sớm”.
Nhiều người nói sự tồn tại của Nam đến giờ này là một phép màu, nhưng suy cho cùng "sự tồn tại của Nam là để kích hoạt những phép màu". Mong rằng khi lớn lên, tuy không nhiều những kí ức về cha, nhưng Po sẽ hiểu rằng cuộc đời cha, những việc cha làm, đến giờ khắc cuối cùng là chỉ để dành cho cậu.