Trẻ nhỏ có lý lẽ riêng, mà đôi khi giáo viên không hiểu, khiến các em bị tổn thương vì không thể “chống cự”.
Chị bảo con viết tường trình như cô giáo yêu cầu. Và con vẫn chỉ viết là con đuổi theo bạn để lấy lại cái bút. Sáng hôm sau, chi đưa con lên tận lớp gặp cô giáo để đưa cho cô bản tường trình. Nhìn cách cô đọc lướt qua bản tường trình rồi cau mày, chị biết là cô không hài lòng.
Đến chiều đón con về, con kể cô giáo có nói với cả lớp rằng hai bạn có lỗi vì đã gây lộn xộn trong giờ ra chơi, và đã viết tường trình, hứa sẽ không vi phạm nữa.
“Con không muốn viết vì có phải lỗi tại con đâu, tại bạn Thảo. Nhưng mà con không dám cãi cô” – con gái kể chuyện mà rơm rớm nước mắt.
Một phụ huynh khác ấm ức tâm sự: “Con trai học lớp 2 có đề văn “Em hãy miêu tả anh (chị) ruột trong gia đình hoặc họ hàng”. Chàng ta viết văn, đoạn trên miêu tả anh, đoạn dưới miêu tả chị. Hôm sau đến lớp cô giáo mắng cho mặt tái mét, chảy nước mắt”.
“Thực ra thì con trai mình không hiểu bài, cháu thấy đề bài cho miêu tả anh (chị) nên viết trên anh dưới chị vì nghĩ là miêu tả cả anh và chị. Vậy lỗi này trước tiên do ai, phải do cô giáo giảng bài cho học sinh chứ? Cứ cho là bé học kém thì mình cũng không thể chấp nhận sự xúc phạm này của cô giáo đối với bé. Việc chỉ trích một đứa trẻ trước mặt nhiều người gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bé”.
Phụ huynh có con trai học lớp 3 từng lên “hỏi ý kiến” trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ:
“Hôm vừa rồi, nhà trường thông báo qua tin nhắn là cháu hát xuyên tạc về cô giáo. Mình đã nói chuyện với con, con kể là có 1 bạn hát khác. Con nghe thấy, nhắc bạn: chết, sao bạn lại hát là…. Và cháu nhắc lại câu hát xuyên tạc của bạn. Một bạn khác đi thu vở vô tình nghe đúng câu đó, mách cô. Thế là hôm đó, 2 bạn (con mình và bạn hát) bị cô giáo kêu lên bảng. Bạn kia khóc, xin lỗi cô. Còn con trai mình không khóc, xin lỗi vì cháu bảo không hề hát.
Mình đã nói con viết bản tường trình lại sự việc. Mình cũng đã tới gặp cô giáo, trình bày với cô. Vì thật ra, con mình rất sợ cô. Ở nhà, chỉ cần mình nói mẹ sẽ gọi điện thoại cho cô là con mình sẽ thực hiện ngay. Cháu cũng rất hiền lành và không bao giờ nói dối. Cô nói cuối giờ sẽ làm rõ việc này, nên mình cũng yên tâm ra về.
Thế mà không ngờ, sau khi mình về, đến tiết học, cô giáo gọi con ngay lên bảng. Vì có 2 bạn cùng lớp kêu nghe thấy là bạn đi thu vở và một bạn ngồi trên, nên cô nói nếu con không xin lỗi cô, thì cứ đứng đấy 2 tiết học và các bạn sẽ không học được. Thế là con mình, phần vì mỏi chân, phần vì các bạn phía dưới la ó là nhận lỗi đi để các bạn còn học tiếp. Thế là con mình xin lỗi rồi về chỗ cho xong”.
Mặc dù không hài lòng về các xử lý của giáo viên, nhưng cả 3 phụ huynh đều cảm thấy rất khó xử trong những trường hợp này.
Phụ huynh có con trai bị “khép tội” hát xuyên tạc cho biết, “Con nói con ghét các bạn, muốn chuyển lớp. Mình muốn xin phép cô làm rõ vấn đề, bằng việc tổ chức một buổi họp gồm cô giáo, con trai mình và các bạn có liên quan. Nhưng mình biết rõ là nếu làm thế, con mình sẽ bị tâm lý nặng nề hơn, với cách giải quyết trên đây của cô, con mình sẽ vẫn bị kết tội, mà chỉ còn 1 tháng nữa là thi học kỳ”.
Chị Lan Chi sau sự việc cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì sợ nếu nói đi nói lại, cô giáo có ấn tượng về con chị, cháu lại sợ đi học.
“Mình không phải là người quá o bế con cái, con sai thì phải nhận lỗi, nhưng giá như cô giáo chịu lắng nghe các con, ngoài dạy các con thì hãy hiểu các con hơn, thì tốt biết mấy” – Chị Lan Chi bày tỏ mong muốn.