Mẹ & bé

Vắc xin MMR: Những điều cần biết để tránh rủi ro khi tiêm phòng

Các khuyến cáo này được tham khảo từ Thông tin Hướng dẫn về Vắc-xin của Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật (Hoa Kỳ) năm 2012 và hiện tại cũng đang được áp dụng tại Việt Nam.

1. Tại sao nên tiêm phòng vắc-xin?
Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh nghiêm trọng. Trước khi có vắc-xin, các căn bệnh này rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em.
Sởi
• Vi-rút sởi gây ra phát ban, ho, chảy nước mũi, ngứa mắt, và sốt.
• Bệnh này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh (co giật và nhìn chằm chằm), tổn thương não, và tử vong.
Quai bị
• Vi-rút quai bị gây ra sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mất cảm giác ngon miệng, và sưng hạch.
• Bệnh này có thể dẫn đến điếc, viêm màng não (nhiễm trùng màng bọc não và tủy sống), sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, và đôi khi gây vô sinh.
Rubella (bệnh sởi Đức)
• Vi rút rubella gây phát ban, viêm khớp (chủ yếu ở phụ nữ), và sốt nhẹ.
• Nếu một phụ nữ bị rubella trong khi đang mang thai, cô ấy có thể bị sẩy thai hoặc em bé sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Các bệnh này lây lan từ người này sang người khác qua không khí. Quý vị có thể dễ dàng nhiễm bệnh do ở quanh một ai đó đã bị nhiễm bệnh.
Vắc-xin sởi, quai bị và rubella (measles, mumps, and rubella hay MMR) có thể bảo vệ trẻ em (và người lớn) khỏi cả ba căn bệnh này.
Nhờ các chương trình tiêm chủng vắc-xin thành công, những căn bệnh này ở Mỹ cũng như Việt Nam ít phổ biến hơn nhiều so với trước đây. Nhưng nếu chúng ta ngừng tiêm chủng vắcxin, các căn bệnh này sẽ quay trở lại.
2. Ai nên được tiêm vắc-xin MMR và khi nào?
Trẻ em nên được tiêm phòng 2 liều vắc-xin MMR:
– Liều thứ nhất: 12-15 tháng tuổi
– Liều thứ hai: 4-6 năm tuổi (có thể được tiêm sớm hơn, nếu cách liều thứ 1 ít nhất 28 ngày).
Những trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi, đang ở trong vùng dịch mà chưa được tiêm vắc-xin MMR thì cần được tiêm phòng một mũi, sau đó tiêm mũi 2 lúc 15 - 18 tháng tuổi, và mũi 3 sau mũi 2 từ 3 - 5 năm.
Người lớn cũng nên được tiêm vắc-xin MMR: bất cứ ai trên 18 tuổi nên tiêm phòng ít nhất một liều vắc-xin MMR nếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ, trừ khi họ có thể chứng minh rằng họ hoặc đã được tiêm phòng hoặc đã mắc tất cả ba bệnh này.
Vắc xin MMR: Những điều cần biết để tránh rủi ro khi tiêm phòng 1
3. Một số người không nên tiêm vắc-xin MMR hoặc nên đợi
• Bất cứ ai đã từng bị phản ứng dị ứng đe dọa tới tính mạng với neomycin kháng sinh, hoặc bất kỳ thành phần nào khác của vắc-xin MMR đều không nên tiêm phòng vắc-xin này. Hãy cho bác sĩ biết nếu quý vị có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào.
• Bất cứ ai đã từng bị một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng đối với liều vắc-xin MMR hoặc MMRV trước đó không nên tiêm thêm một liều khác.
• Một số người bị bệnh tại thời điểm dự kiến sẽ tiêm có thể nên chờ cho tới khi họ phục hồi trước khi tiêm vắc-xin MMR.
• Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin MMR. Phụ nữ mang thai cần phải chủng ngừa nên chờ cho đến sau khi sinh. Phụ nữ nên tránh mang thai trong 4 tuần sau khi tiêm vắc-xin MMR này.
• Hãy báo cho bác sĩ biết nếu người được tiêm vắc-xin:
- Bị HIV/AIDS, hoặc một bệnh khác có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
- Đang được điều trị bằng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như steroid.
- Bị bất kỳ loại ung thư nào.
- Đang được điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc thuốc.
- Đã từng có số lượng tiểu cầu thấp (chứng rối loạn máu).
- Đã tiêm một vắc-xin khác trong vòng 4 tuần qua.
- Đã được truyền máu hoặc nhận các sản phẩm máu khác mới gần đây.
Bất kỳ nguyên nhân nào kể trên đều có thể là lý do để không được tiêm vắc-xin, hoặc trì hoãn việc tiêm chủng cho đến sau này.
4. Có những rủi ro gì từ vắc-xin MMR?
Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Nguy cơ của vắc-xin MMR gây ra tổn hại nghiêm trọng hoặc tử vong là rất nhỏ.
Tiêm vắc-xin MMR an toàn hơn nhiều hơn so với việc bị mắc sởi, quai bị, hoặc rubella.
Hầu hết những người được tiêm vắc-xin MMR không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào với vắc-xin này.
Các vấn đề nhẹ
• Sốt (có 1 trong số 6 người)
• Phát ban nhẹ (khoảng 1 trong số 20 người)
• Sưng hạch ở má hoặc cổ (khoảng 1 trong số 75 người)
Nếu các vấn đề này xảy ra, thường chúng xuất hiện trong vòng 6-14 ngày sau khi tiêm. Các vấn đề này thường xảy ra ít hơn sau liều thứ hai.
Các vấn đề ở mức độ trung bình
• Động kinh (co giật hoặc nhìn chằm chằm) do sốt gây ra (khoảng 1 trong số 3.000 liều).
• Đau nhức và cứng khớp tạm thời, hầu hết ở nữ giới tuổi thiếu niên hoặc người lớn (lên đến 1 trong số 4).
• Số lượng tiểu cầu thấp tạm thời, mà có thể gây ra chứng rối loạn đông máu (khoảng 1 trong số 30.000 liều).
Các vấn đề nghiêm trọng (rất hiếm)
• Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (ít hơn 1 trong số một triệu liều).
• Một số vấn đề nghiêm trọng khác đã được báo cáo sau khi trẻ được tiêm vắc-xin MMR, bao gồm:
- Điếc
- Động kinh, hôn mê, hoặc suy giảm nhận thức dài hạn
- Tổn thương não vĩnh viễn
Các trường hợp này rất hiếm đến mức khó có thể cho rằng liệu các vấn đề này có phải là do vắc-xin gây ra hay không.
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một phản ứng nghiêm trọng?
Tôi nên theo dõi những gì?
• Bất kỳ tình trạng bất thường nào, như sốt cao hoặc hành vi bất thường. Các dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể bao gồm khó thở, khàn giọng hoặc thở khò khè, phát ban, xanh xao, suy nhược, tim đập nhanh hoặc chóng mặt.
Tôi nên làm gì?
• Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân tới khám bác sĩ ngay lập tức.
• Hãy kể lại cho bác sĩ biết điều gì đã xảy ra, ngày và thời gian xảy ra và đã được tiêm vắc-xin khi nào.
6. Tôi có thể tìm hiểu thêm về bệnh sởi và vắc-xin MMR bằng cách nào?
• Hãy hỏi bác sĩ của bạn.
• Hãy gọi điện cho sở y tế địa phương của bạn.

ThS. BS. Nguyễn Minh Hồng
Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương
aFamily

      © 2021 FAP
        1,250,788       722