Là một giáo viên dạy Tiếng Anh 5 năm tại Nhật Bản, J.Decker đã có những trải nghiệm quý giá tại đất nước tuyệt vời này, nhất là trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Theo J.Decker, sự khác biệt lớn nhất của nền giáo dục Nhật Bản là cách người Nhật rèn tinh thần tập thể, khả năng làm việc nhóm cho học sinh từ khi còn rất nhỏ. Một điều thú vị nữa là cách họ giáo dục không phải là bắt trẻ học mà là để chúng chơi. Với Tiếng Anh, người Nhật dạy học sinh để chúng hiểu rằng học Tiếng Anh là niềm vui và giúp đứa trẻ thích học môn này hơn trong tương lai chứ không phải để chúng sớm sử dụng được ngôn ngữ này.
Ngay trong giảng dạy, các giáo viên cũng phải kết hợp chặt chẽ với nhau, Decker cho biết đó là phương pháp dạy theo nhóm, anh sẽ làm việc với các giáo viên người Nhật để cùng dạy cho trẻ.
Tại Nhật Bản, giáo viên được ví như một người nghệ sĩ thực thụ. Họ phải biết rất nhiều bài hát, sáng tác ra các điệu nhảy, họ còn phải nghiên cứu để tích lũy cho mình một vốn từ vựng phong phú về động vật, màu sắc, thời tiết, tổ chức trò chơi và nhất là những câu chuyện bổ ích. Một buổi học sẽ diễn ra tất cả những hoạt động đó.
Mục tiêu của lớp học
mẫu giáo ở Nhật Bản cũng khiến Decker thực sự bất ngờ, đó là việc phá bỏ lớp rào cản nhút nhát cho trẻ. Trẻ sẽ được “chạm” vào thầy giáo nước ngoài vào cuối buổi học để không còn cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với người lạ. Decker nói rằng đây là điều anh chưa bao giờ tưởng tượng ra trước khi đến Nhật Bản. Anh không ngờ rằng người Nhật trả tiền cho mình để “chạm” vào con cái của họ, anh cũng từng thử dạy bọn trẻ đập tay high – five nhưng không có kết quả vì chúng khá e dè. Đất nước này quả thật chứa rất nhiều điều thú vị.
J.Decker thực sự cảm thấy may mắn khi được làm việc tại các trường mẫu giáo Nhật Bản vì đó là nơi anh có thể cảm nhận rõ nhất lý do tại sao người Nhật lại có những tính cách khác biệt như vậy. Cách người Nhật dạy con cái họ hoàn toàn tương phản với những người phương Tây.
Trẻ em Nhật được dạy cách làm việc nhóm từ khi còn nhỏ, điều này Decker nhìn thấy rất rõ trong cách giờ học Tiếng Anh của mình. Ở Mỹ, trẻ được khuyến khích giơ cao tay và nói ra câu trả lời của mình thì ở Nhật đó lại là điều bất lịch sự. Học sinh ở Nhật được khuyến khích cùng đồng thanh nói ra câu trả lời và phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng là tạo ra các trò chơi để trẻ có thể làm việc nhóm với nhau để cùng tìm ra đáp án. Sẽ không có trẻ nào bị bỏ rơi khi học theo cách này và những trẻ giỏi sẽ hỗ trợ cho những trẻ kém hơn.
Bữa ăn trưa cũng chính là một ví dụ tuyệt vời cho sự tương phản giữa nên giáo dục Nhật Bản và phương Tây. Không có những chiếc túi giấy màu nâu đựng bơ đậu phông, bánh sandwich, cheetos và một quả chuối, bữa ăn trưa tại Nhật là cả một
hộp bento màu sắc được sắp xếp gọn gàng và giàu dinh dưỡng. Đôi khi mẹ của những học sinh còn khiến Decker bất ngờ khi cắt rong biển thành hình Pokémon và làm xúc xích hình con bạch tuộc. Bữa trưa thực sự khiến lũ trẻ ăn một cách vui vẻ và giống như mọi thứ cho trẻ em, chúng đều thật dễ thương.
Không chỉ vậy, phong cách phục vụ bữa trưa tại mẫu giáo Nhật cũng thực sự khác biệt. Một vài em sẽ được chọn ra để cùng giáo viên phục vụ trà cho các bạn cùng lớp, trước khi ăn lũ trẻ sẽ cùng nhau hô to cảm ơn cha mẹ, nhà trường và cách giáo viên đã cho chúng một bữa ăn ngon và đôi khi nó sẽ được thay thế bằng một vài hát vui vẻ. Việc trẻ được chọn ra để phục vụ các bạn khác không được coi là việc vặt mà nó giống như một vinh dự, một điều rất đặc biệt mà đứa trẻ được phép làm.
Kỷ luật tại các trường học Nhật cũng rất khác so với phương Tây. Nếu như tại Mỹ, trẻ được ngồi cạnh giáo viên hay được cử ra ngoài giúp giáo viên lấy các giấy tờ được coi như một phần thưởng thì tại Nhật Bản nó lại được coi như một hình phạt. Việc trẻ nào đó phải ngồi cùng giáo viên có nghĩa là chúng quá yếu kém để là một thành viên trong nhóm. Học sinh được dạy để nhận thức rằng mình là một phần của tập thể và phải biết vị trí của mình trong tập thể đó.
Giáo dục Nhật Bản cũng có điểm tương đống rất lớn với các nước Châu Á đó là tư tưởng Nho giáo, quan trọng nhất là lòng hiếu thảo. Trẻ em được dạy phải biết vị trí của mình trong tập thể, làm việc cùng nhau, tôn trọng gia đình của mình và của đồng nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau và suy nghĩ cho tất cả mọi người. Chủ nghĩa cá nhân đồng nghĩa với ích kỉ và sẽ bị loại bỏ. Đó là lí do vì sao trẻ mẫu giáo sẽ luôn có một món đồ đồng phục, đôi khi là những chiếc mũ, đồ thể thao và thậm chí là những đôi tất.
Đó là những điều tưởng như kỳ lạ nhưng đã tạo nên một đất nước Nhật như nó vốn có ngày nay.