Hiện nay, thời tiết chuyển mùa xuân - hè là nguyên nhân khiến cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, trong đó có bệnh cúm mùa mà người dân cần thận trọng.
Theo báo cáo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 5 đến 11 tháng 3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca bệnh sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 28 trường hợp. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, thành phố cũng ghi nhận gần 2.200 ca bệnh cúm, 56 ca sốt xuất huyết, 17 ca tay chân miệng.
Riêng bệnh cúm, trên địa bàn thành phố mới chỉ ghi nhận các ca cúm mùa, chưa ghi nhận các trường hợp cúm nguy hiểm như: Cúm A/H5N6, cúm A/H7N9... Tuy nhiên, với thời tiết giao mùa xuân - hè như hiện nay, dịch bệnh cúm dễ gia tăng và lan rộng.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh do là trung tâm đầu mối giao thông, dân số đông, di biến động lớn, vệ sinh môi trường còn hạn chế... đòi hỏi chính quyền các cấp cũng như ngành y tế phải có những giải pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Thời điểm này cũng đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trên người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy, sốt xuất huyết, ho gà… Do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng.
TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, theo thống kê của ngành y tế số mắc cúm mùa từ đầu năm đến nay không tăng so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên một số nơi số mắc có chiều hướng tăng hơn so với khu vực khác.
Để chủ động phòng chống, TTYT Dự phòng thành phố đã phối hợp với các đơn vị để tăng cường truyền thông bằng những biện pháp phòng bệnh cũng như khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nặng thì đến ngay các cơ sở y tế. Đặc biệt trong trường học, trung tâm phối hợp với ngành giáo dục phát hiện sớm những trường hợp đầu tiên để cách ly. Khuyến khích đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần. Với những chùm ca bệnh phải được bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay để không lây lan thành những ổ dịch lớn hơn.
Người dân cần chủ động đưa trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa. (Ảnh MT)
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Theo tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Phó Trưởng khoa Dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) khuyến cáo, trong đời, một người có thể nhiễm cúm nhiều lần. Hơn 90% số ca mắc cúm mùa thường nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày.
Các dấu hiệu nhận biết khi mắc bệnh cúm mùa như: Sốt cao trên 38 độ C, mệt mỏi kèm theo ho, viêm đau họng, chảy nước mũi, đau nhức cơ thể, có thể nôn mửa, tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày, kết thúc trong vòng từ 5-7 ngày. Tuy nhiên, việc chăm sóc, giữ vệ sinh kém có thể dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp như: phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Diễn tiến bệnh cúm có thể bất thường, không tự khỏi, gây nguy hiểm đến tính mạng khi người bệnh mắc những bệnh mãn tính về tim mạch như: Suy tim, bệnh phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát, diễn tiến nặng hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây nên (thường là do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh… Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân.
Vì vậy, để chủ động phòng tránh sự lây lan bệnh cúm mùa cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên rửa tay sạch với xà bông, vệ sinh răng miệng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể nhất là buổi sáng sớm khi trời lạnh, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm mùa và nên tiêm vắc xin cúm mùa mỗi năm.
bệnh mùa hè, bệnh mùa xuân, phòng bệnh cúm, phòng bệnh xuân-hè, bệnh cúm mùa