Sức khỏe

Chuyên gia dinh dưỡng vạch mặt "thủ phạm" khiến sau Tết nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Thực tế cho thấy, trong và sau Tết là thời điểm mà rất nhiều trẻ nhỏ có hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, ậm ạch, ăn uống không ngon miệng, táo bón, đi ngoài.

 Chuyên gia dinh dưỡng vạch mặt thủ phạm khiến sau Tết nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa - Ảnh 1.

Những yếu tố nguy cơ khiến nhiều trẻ rối loạn tiêu hóa sau Tết

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ sau mỗi dịp lễ Tết. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu lành mạnh.

Nếu ngày thường chỉ ăn cơm thịt, cá với chế độ bình thường thì Tết là dịp để "tống" các thức ăn, đồ uống chứa quá nhiều ngọt, chất béo, thức ăn không đảm bảo vệ sinh như các đồ ăn tanh, sống, đồ lạnh, thường xuyên ăn ngoài các quán xá vỉa hè, uống nhiều rượu bia vào cơ thể… Đó chính là yếu tố khiến cho hệ tiêu hóa được dịp "nổi dậy loạn lạc".

 Chuyên gia dinh dưỡng vạch mặt thủ phạm khiến sau Tết nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa - Ảnh 2.

Nạp quá nhiều thức ăn, đồ uống trong dịp Tết là căn nguyên dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa.

Liên quan đến căn nguyên khiến nhiều trẻ rối loạn tiêu hóa sau Tết, BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ rõ: "Ngày tết, nhà nào cũng có mứt, bánh kẹo, nước ngọt, hạt dưa, hạt bí...

Trẻ dùng nhiều nước ngọt, bánh kẹo, dùng trước bữa ăn sẽ dẫn tới chán ăn khi đến bữa ăn. Hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc, mứt và bánh kẹo không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ".

Bản chất của rối loạn tiêu hóa chính là mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, khi bị rối loạn tiêu hóa thì tỷ lệ này bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng loạn khuẩn ở đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.

Thứ nữa, sau Tết nhiều trẻ dễ ốm, hắt hơi, sổ mũi là do một phần những người làm cha làm mẹ, khi đi chúc Tết họ hàng, bạn bè thường đem theo trẻ nhỏ. Chính việc đi lại nhiều trong ngày tết mà bữa ăn và giấc ngủ của trẻ bị đảo lộn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong và sau Tết?

Là người có nhiều năm công tác trong ngành y nói chung và Nhi khoa nói riêng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khách quan chia sẻ, hiện tượng rối loạn tiêu hóa của trẻ em sau Tết là rất phổ biến.

Rối loạn tiêu hóa ở đây không chỉ là đi ngoài, đi ngoài phân sống, mà trẻ bị đầy bụng , chướng hơi, ăn không ngon, hay táo bón, đi ngoài phân sống.

Trong những ngày Tết, mọi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn. Thay vì các bữa ăn đúng giờ giấc với đủ các thành phần dinh dưỡng tinh bột, đạm, chất béo, rau xanh như ngày thường, ngày Tết trẻ thường bị hụt bữa bởi những đồ ăn vặt, khi thì cái kẹo, lúc cái bánh, nước ngọt...

 Chuyên gia dinh dưỡng vạch mặt thủ phạm khiến sau Tết nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) là vị bác sĩ hiểu sức khỏe trẻ nhỏ hơn hết

PGS Dũng nói: "Việc trẻ không được ăn đúng giờ, đúng bữa như ngày thường, ăn vặt nhiều đồ ngọt là căn nguyên gây ra sự thay đổi nhịp làm việc của bộ máy tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến việc hấp thu thức ăn. Bộ máy tiêu hóa quá tải khiến nhiều trẻ sau dịp Tết bị rối loạn tiêu hóa triền miên, đi ngoài phân sống uống đủ loại men không khỏi".

Để xử lý tình trạng này, cha mẹ phải hết sức kiên trì để lặp lại nhịp sinh hoạt thường ngày cho hệ tiêu hóa của bé.

Theo đó, hãy bắt đầu duy trì giờ giấc ăn uống như cũ cho trẻ, ăn đúng bữa ăn với lượng ít hơn ngày thường. Không ép khiến trẻ sợ ăn. Chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp. Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa, để bé không bị ngang dạ, có cảm giác thèm ăn sẽ kích thích tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Ngoài ra có thể sử dụng men tiêu hóa, kèm theo chỉ dẫn của bác sĩ "Cho trẻ uống oresol nếu trẻ đi ngoài nhiều. Trẻ nhỏ có thể ăn cháo với các loại thịt thăn, thịt bò, thịt gà.

Phụ huynh nên kiên nhẫn với chế độ ăn này và đúng giờ đúng giấc các bữa ăn, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ dần trở lại làm việc như nhịp cũ và tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng sẽ hết ", PGS Dũng chia sẻ.

Chuyên gia khuyến cáo

Điều quan trọng nhất vẫn là xuất phát từ chính gia đình, những người trực tiếp chăm sóc trẻ nhỏ. Cha mẹ cần quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của trẻ nhỏ, các gia đình nên lựa chọn và bảo quản các thực phẩm sạch, tránh để thực phẩm sống và chín lẫn nhau.

Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con ăn những loại thức ăn dư thừa từ bữa trước, bởi hệ tiêu hóa của các cháu còn yếu, khó tránh khỏi việc bị rối loạn tiêu hóa.

Sau Tết cũng là thời điểm diễn ra các lễ hội, du xuân, du lịch vãn cảnh, khi đem theo trẻ nhỏ, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thức ăn bán sẵn tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi: nắng nóng, lạnh, mưa phùn... làm trẻ dễ mắc bệnh.

Việc phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ không quá khó, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần phải lưu ý hơn để tránh cho trẻ mắc căn bệnh tiêu hóa .

aFamily

rối loạn tiêu hóa, vi sinh đường ruột, Chế độ ăn uống, loạn khuẩn


      © 2021 FAP
        1,125,451       158