Loại hạt này không chỉ được ăn riêng hay ăn kèm cơm mà còn có thể là một gia vị hoặc một loại nguyên liệu chế biến trong các món bánh kẹo.
Hạt vừng là loại hạt được dùng để chiết xuất dầu sớm nhất trên thế giới và còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn vặt. Qua mỗi nền ẩm thực, hạt vừng được sử dụng theo những mục đích khác nhau. Không chỉ mang lại hương vị tuyệt vời, lợi ích của hạt vừng còn khiến bạn vô cùng bất ngờ vì những giá trị dinh dưỡng mà nó mang đến cho sức khoẻ.
Hạt vừng chứa chất xơ, loại chất quan trọng trong việc duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi sử dụng loại hạt này sẽ giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón và cả ung thư.
Hạt vừng có thể làm giảm huyết áp cao, đồng thời giảm sự căng thẳng của hệ thống tim mạch và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch. Hạt vừng chứa đến 25% dưỡng chất là magie nên hoạt động như một tác nhân giúp ổn định huyết áp.
Loại hạt nhỏ bé này được biết đến là giúp ngăn ngừa các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt... vì chúng chứa magie và phytate làm giảm hoạt động của các gốc tự do.
Bức xạ có thể đến từ việc điều trị ung thư, bao gồm hóa trị liệu và xạ trị. Hạt vừng có khả năng bảo vệ DNA khỏi các tác động có hại của bức xạ. Thêm loại hạt này vào khẩu phần ăn giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc ung thư.
Hạt vừng chứa protein có ích trong việc xây dựng mô cơ, hồi phục cơ bắp và thúc đẩy cơ bắp phát triển... Ngoài ra, chúng còn giúp tăng cường chức năng trao đổi chất của cơ thể.
Magie trong hạt vừng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng như làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường bằng cách điều chỉnh lượng insulin và glucose trong cơ thể. Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 được khuyên dùng thêm hạt vừng và dầu vừng trong khẩu phần ăn của họ.
Sử dụng hạt vừng cung cấp các dưỡng chất quan trọng như phốt pho, canxi, kẽm giúp xương chắc khỏe. Các khoáng chất này giúp tái tạo và tăng cường độ cứng của xương sau các chấn thương, đồng thời giúp phòng bệnh loãng xương.
Hạt vừng chứa đồng có tác dụng trong việc giảm viêm khớp, cơ và xương. Không chỉ vậy, chúng giúp bảo vệ thành mạch máu, cải thiện lưu thông máu, đảm bảo việc các cơ quan được cung cấp đủ oxy.
Hàm lượng kẽm cao trong vừng giúp tăng cường sức khỏe tóc, da và cơ bắp. Dầu vừng cũng có tác dụng "trẻ hóa" mái tóc và làn da, ngăn ngừa tóc bạc, các vết nhăn và các vết đồi mồi trên da.
Dầu chiết xuất từ hạt vừng có đặc tính kháng khuẩn, đồng thời còn có tác động tích cực đến sức khỏe răng miệng. Súc miệng với dầu vừng sẽ làm giảm bớt vi khuẩn có trong miệng và ngăn ngừa sâu răng.
Thiếu vitamin B1 khiến con người dễ mắc các bệnh về thần kinh như mệt mỏi, trầm cảm, thiếu tập trung, mất định hướng, ảo giác. Vitamin B1 trong hạt vừng có tính chất làm dịu để giúp thần kinh hoạt động bình thường.
Không những có nhiều công dụng, loại hạt nhỏ bé này cũng dễ dàng bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày. Chúng được sử dụng như gia vị bổ sung vào các món nướng, rán, xào... hay làm muối vừng ăn kèm cơm, hoặc làm thành các món bánh kẹo dễ "gây nghiện".
Nguồn: Boldsky
món ăn vặt, Hệ tiêu hóa, tác dụng của hạt vừng