Sức khỏe

Sau ăn bát tiết canh đón Tết Mậu Tuất người đàn ông ở Lai Châu bị hôn mê sâu

Ba ngày sau ăn bát tiết canh đón Tết Mậu Tuất, người đàn ông 34 tuổi ở Lai Châu đã được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hôm qua đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu, trên mặt xuất hiện những mảng tím và suy hô hấp.

BS Phan Văn Dinh, trực cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, bệnh nhân là anh Vàng Văn Tả (34 tuổi, ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Qua khai thác thông tin từ người nhà của anh Tả cho biết, ngày 30 tết, gia đình có mổ lợn, đánh tiết canh để anh em cùng ăn, trong đó có Vàng Văn Tả. Sau đó, anh Tả có biểu hiện sốt nhẹ, khó thở, gia đình nghĩ do thay đổi thời tiết bị cảm cúm.

Đến ngày 17/2 (mùng 2 Tết), anh Tả có biểu hiện sốt cao, nôn khan, đi ngoài, người mệt mỏi. Sáng mùng 3 Tết, người nhà phát hiện anh Tả đã hôn mê, trên mặt, cánh tay xuất hiện những mảng bầm tím, lập tức đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.

Khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, bệnh nhân Vàng Văn Tả nhập viện trong trạng thái hôn mê, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã truyền dịch nâng huyết áp, dùng kháng sinh, áp dụng phác đồ điều trị tích cực.

Chẩn đoán ban đầu dựa trên tiền sử bệnh nhân có ăn tiết canh sống, các bác sĩ nghi bị nhiễm khuẩn qua thức ăn.

Tiên lượng bệnh nhân có những diễn biến xấu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã hội chẩn, làm các thủ tục để chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.

Việc ăn tiết canh lợn hay vịt khá phổ biến ở nước ta, nhất là vào dịp lễ, Tết, do đó BS Phan Văn Dinh khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng đồ ăn đã được nấu chín.

 Sau ăn bát tiết canh đón Tết Mậu Tuất người đàn ông ở Lai Châu bị hôn mê sâu - Ảnh 1.

Sau khi ăn bát tiết canh sống đón tết Mậu Tuất, người đàn ông 34 tuổi ở Lai Châu đã bị hôn mê sâu, suy hô hấp phải nhập viện. Ảnh minh họa

Liên quan đến bệnh liên cầu lợn, theo thống kê từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Cục Y tế dự phòng, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong.

Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng.

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Trường hợp nặng người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).

Một điểm cần lưu ý là sau khi nhiễm liên cầu lợn người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.

Hiện chưa có vắc-xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

aFamily

tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, dùng kháng sinh, bệnh liên cầu khuẩn lợn, viêm màng não mủ, ngộ độc thực phẩm


      © 2021 FAP
        1,133,285       109