Theo chuyên gia, trong cam không chỉ có vitamin C cao, hàm lượng canxi tương đối lớn mà còn rất nhiều loại vitamin khoáng chất khác (chất xơ, phốt pho, magnesium, sắt…) rất cần thiết cho sự phục hồi của cơ thể.
Thời gian gần đây, tài khoản Facebook L.T.K. đăng tải dòng thông tin: "Đúng là sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người không hề biết. Trước đây, mỗi khi con ốm hoặc gia đình có người ốm, mình đều mua cam về vắt nước uống, giờ mới biết người đang ốm mà cho ăn cam quýt chẳng khác gì làm ốm thêm. Ngẫm mới thấy trước đây thật dại dột".
Thậm chí, chị K. còn cho rằng, ăn cam khi ốm sẽ làm cho bệnh lâu khỏi hơn vì giảm tác dụng của thuốc. Có người không hấp thụ được thuốc sẽ làm cho bệnh ngày một nặng hơn, nguy kịch tới tính mạng.
Ảnh minh họa.
Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dư luận, không ít người tỏ ra hoang mang bởi lâu nay họ vẫn giữ thói quen mua cam mỗi khi đi thăm người ốm.
Để có cái nhìn khái quát hơn trước ý kiến này của chị K., PV đã trao đổi với TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng.
Theo khẳng định của TS. Sơn, việc cho rằng người ốm không nên ăn cam là không chính xác. Bởi lẽ, trong cam không chỉ có vitamin C cao, hàm lượng canxi tương đối lớn mà còn rất nhiều loại vitamin khoáng chất khác (chất xơ, phốt pho, magnesium, sắt…) rất cần thiết cho sự phục hồi của cơ thể. Trong một số trường hợp bệnh nhân bị suy giảm nhiễm dịch như bệnh nhân ung thư, cảm cúm, bệnh truyền nhiễm… bác sĩ vẫn luôn khuyến khích nên ăn nhiều cam để nâng cao khả năng đề kháng.
Phụ nữ sau khi sinh, lớp màng bên trong cổ tử cung xuất hiện vết thương tương đối lớn, chảy nhiều máu, nếu ăn quýt có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu.
Tuy cam không làm giảm tác dụng thuốc nhưng để sử dụng cam một cách có hiệu quả nhất, TS. Sơn khuyến cáo, việc dùng cam ngay sau khi uống thuốc sẽ có liên quan tới sự kết tủa thuốc, gây khó hấp thu.
Hay việc uống sữa và ăn cam cùng một lúc gây ra hiện tượng đầy bụng khó chịu, tiêu chảy. Do các thành phần axit có trong cam có thể phản ứng với protein (chất đạm) trong sữa khiến cho chúng bị vón cục.
Để tránh các hiện tượng này, chúng ta nên ăn cam cách xa giờ uống thuốc cũng như uống sữa và ăn cam cách nhau khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, khi ăn cam cần lưu ý không nên ăn cùng với củ cải. Trong quá trình chuyển hóa thức ăn, củ cải sẽ sinh ra chất sulfate, sau đó sulfate tiếp tục được chuyển hóa sinh ra thioxianic axit (chất chống tuyến giáp). Khi ăn cam cùng với củ cải sẽ gây ra ức chế axit thioxianic về tuyến giáp gây bướu cổ.
"Trẻ dưới 6 tuổi tuyệt đối không dùng nước cam là nước uống bổ sung. Dưới 1 tuổi chỉ dùng với một lượng nhỏ vì trong cam có axit có thể ảnh hưởng tới dạ dày của trẻ nhỏ. Người bị dạ dày không nên ăn cam sẽ làm nặng hơn các triệu chứng dạ dày. Tuyệt đối không ăn cam lúc đói vì các axit hữu cơ có trong cam sẽ kích thích các màng nhầy của thành dạ dày, ảnh hưởng cho sức khỏe", TS. Sơn cho hay.
Nguyễn Huệ
nước cam, vitamin c