Sức khỏe

Rước họa khi uống rượu ngâm hoa quả với nước ngọt, cafe ngày Tết

Rượu ngâm hoa quả là thứ rượu nhẹ nhàng, thơm ngon. Nhưng nếu uống sai cách thì rước họa vào người với đủ loại bệnh như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, dạ dày...

Rượu ngâm hoa quả thường được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị nhưng chủ yếu gồm rượu vang hoặc rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite, cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu…

Thứ rượu vừa nhẹ miệng, vừa đẹp mắt này đang được lòng vô số chị em, nhất là trong những buổi tiệc gia đình hay dịp Tết này. Nhưng nếu uống sai cách thì quả thực rước bệnh vào người.

Rước họa khi uống rượu ngâm hoa quả với nước ngọt, cafe ngày Tết  - Ảnh 1.

Rượu thơm và đẹp nhưng phải uống đúng cách. Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu của Đại học Victoria (Canada), uống rượu bia với thức uống có chứa cafein như các loại nước ngọt có ga, cafe... nguy hiểm hơn là uống rượu bia đơn thuần. Cafein trong các loại thức uống này khiến người dùng cảm thấy tỉnh táo và uống nhiều hơn bình thường, đồng thời làm tăng nhịp tim, tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch và các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.

Trên thực tế, có nhiều loại hoa quả dùng để ngâm rượu uống hoặc xoa bóp rất tốt cho sức khỏe như rượu nho, táo, mận, mơ... Trong khi đó, rượu vang cũng được xem là thức uống tốt cho sức khỏe tim mạch, ngừa lão hóa nếu uống chỉ 1-2 ly mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu pha rượu với các loại nước ngọt có ga, nước hoa quả công nghiệp có phẩm màu hóa học, đồ uống chứa cafein thì lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phản ứng và gây bệnh cho cơ thể như: Đau đầu, chóng mặt, xơ gan, rối loạn tiêu hóa, dạ dày...

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, rượu hoa quả đang được xem là trào lưu tại các bữa tiệc cuối năm bởi hương vị thơm mát, dễ uống. Tuy nhiên, loại rượu này cũng tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe.

“Nhiều người cho rằng rượu này rất nhẹ, dễ uống, vị thơm và mát vì thế phù hợp với mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, loại rượu này không đem lại lợi ích về sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ”, TS Sơn cảnh báo .

Chuyên gia lý giải hỗn hợp trên khi pha chế sẽ chuyển thành dạng giấm, không phải rượu. Chúng không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, rượu khi kết hợp với các loại nước ngọt có gas, soda có chứa cafein sẽ làm đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu và do đó có thể gây đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, chị em nên cẩn trọng khi uống loại rượu này. Đặc biệt, phụ nữ có thai cần tránh xa bia rượu.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi uống rượu cơ thể sẽ bị mất nước. Do vậy không uống nhiều cà phê để tránh thiếu nước trầm trọng hơn. Không uống trà vì làm tim quá hưng phấn, không có lợi cho thận vốn đang vất vả đào thải cồn từ bia rượu. Lúc này cũng không nên nước ngọt có ga, soda có chứa cafein sẽ làm đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu và do đó có thể gây đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến gan và gây ra viêm dạ dày cấp tính. Đặc biệt, phụ nữ có thai cần tránh xa bia rượu, kể cả nhẹ.

aFamily

rối loạn tiêu hóa, uống rượu bia, nước ngọt có ga, cảm thấy tỉnh táo, rối loạn giấc ngủ, sức khỏe tim mạch


      © 2021 FAP
        1,115,169       672